Tin kinh tế 28/1: Chỉ số niềm tin người tiêu dùng giảm nhẹ; Tháng 1 ước nhập siêu 500 triệu USD
Chính phủ chỉ đạo xây dựng chính sách phát triển công nghiệp ô tô; Kinh tế Việt Nam được xếp vào hạng triển vọng tích cực; Điều chỉnh kế hoạch phát triển ngành Than ... cũng là những thông tin đáng chú ý trong ngày.
- 28-01-2015Điều chỉnh kế hoạch phát triển ngành Than
- 28-01-2015Ngân hàng ANZ: Giá dầu giảm "sốc", niềm tin người tiêu dùng Việt Nam vẫn không tăng
- 28-01-2015TPP sẽ mở ra những cơ hội lớn cho cả Việt Nam và Mỹ
Điều chỉnh kế hoạch phát triển ngành Than
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa chủ trì cuộc họp xem xét việc điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành Than phù hợp với một số tình hình, diễn biến mới.
Cuộc họp đã xem xét, thảo luận về dự báo nhu cầu sử dụng than cụ thể cho từng lĩnh vực điện, xi măng… với khả năng giảm mạnh nhu cầu so với Quy hoạch 60 trong các giai đoạn. Tương tự, việc than xuất khẩu cũng được cân đối xác định phù hợp với từng thời kỳ. Vấn đề tài nguyên, trữ lượng than cũng được phân tích, so sánh chi tiết từng khu vực, vùng mỏ với từng chủng loại để đề xuất phương án điều chỉnh.
Giá dầu giảm "sốc", niềm tin người tiêu dùng Việt Nam vẫn không tăng
Báo cáo mới nhất về Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đã giảm nhẹ xuống 135.4 điểm (giảm 0,2 điểm phần trăm) trong tháng 1 và hiện vẫn nhỉnh hơn mức trung bình của năm 2014 là 133,3 điểm.
Điều đáng chú ý nhất của các báo cáo về niềm tin người tiêu dùng Việt Nam là sự sụt giảm mạnh của giá dầu thế giới cũng không ngăn cản được việc niềm tin người tiêu dùng Việt Nam vẫn tiếp tục giảm nhẹ trong những tháng vừa qua.
Tháng 1 ước nhập siêu 500 triệu USD
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1 năm nay ước đạt 12,9 tỷ USD; tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu cả nước tháng 1 ước đạt 13,4 tỷ USD, giảm 4,5% so với tháng trước và tăng 35,5% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, ước tính tháng 1 cả nước nhập siêu 500 triệu USD; bằng 3,9% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu gần 1,2 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 690 triệu USD.
Kinh tế Việt Nam được xếp vào hạng triển vọng tích cực
Theo Đài RFI, Hãng bảo hiểm tài chính Coface (Pháp) đã công bố bản đánh giá hàng năm "các nước rủi ro." Nếu các nước đang phát triển như Trung Quốc, Nga và Brazil bị thụt lùi, thì một số nước khác, trong đó có Việt Nam, lại được nâng lên.
Sở dĩ Việt Nam được xếp vào hạng triển vọng tích cực là nhờ vào tăng trưởng cao và giảm thiểu rủi ro nợ công. Cùng với Sri Lanka, Việt Nam trở thành những nước đang phát triển mới tại châu Á.
Chính phủ chỉ đạo xây dựng chính sách phát triển công nghiệp ô tô
Tại buổi họp sáng 28/1, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính đã báo cáo về một số đề xuất trong triển khai thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Căn cứ trên các phân tích hiện trạng và định hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô, các bộ đã có đề xuất bước đầu về thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc, linh kiện phụ tùng với lộ trình từ nay đến năm 2018; thuế TTĐB cho các loại ô tô khác nhau theo hướng tạo điều kiện mở rộng dung lượng thị trường ô tô trong nước đối với một số dòng xe được khuyến khích sử dụng.
Môi trường kinh doanh năm 2015: "Sẽ có nhiều sóng ngầm"
Tại Hội thảo Thách thức phát triển doanh nghiệp 2015 do Phòng Công nghiệp & Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 27/1, tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký VCCI đánh giá năm 2014 là một năm với đầy biến động và khó khăn thách thức đối với các doanh nghiệp.
Bà Trang cho rằng, năm 2015 trên bề mặt không có gì nhưng ở dưới sẽ có rất nhiều sóng ngầm. Thông tin là quyền lực do đó các doanh nghiệp cần nắm được những thông tin về lộ trình mở cửa FTAs để xây dựng lộ trình hoạt động cho doanh nghiệp mình.