MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trên đường hội nhập: Cam kết nhiều, chuẩn bị chẳng bao nhiêu

Thực tế, việc chọn lựa để đàm phán FTA của chúng ta vẫn chưa thực sự chủ động và có tính toán một cách đầy đủ.

 “Hình như trước khi ta định đàm phán chưa mang trong mình một bản đồ rõ ràng, ta sẽ đàm phán với ai, nội dung gì bởi có thời gian đã từng “rộ” lên chuyện cứ coi FTA thành “món quà” để chào mời với bất cứ nước nào đến thăm”, bà Chi Lan nói.

Sau kỳ tích xuất khẩu

Năm 2013, xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục gặt hái khá nhiều thành tích. Tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt hơn 132 tỷ USD, tăng trên 15% so với năm 2012. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã khá bất ngờ vì từng không nghĩ tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa có thể tăng được như vậy.

Ông không giấu nổi niềm tự hào khi cho biết: “Nói về Việt Nam giờ đây, thế giới không chỉ nói về gạo, cao su, thủy sản mà còn là máy móc chế tạo, điện thoại di dộng. Những người bạn Nga không thể tưởng tượng được họ đã nhập tới 1 tỷ USD điện thoại di động từ Việt Nam”.

Rõ ràng, kỳ tích này đã có sự đóng góp rất lớn từ câu chuyện hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Theo Bộ Công Thương, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm qua tăng cao vẫn chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, với các mặt hàng như: điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện, sản phẩm dệt may, giày dép...

Xuất khẩu của khu vực FDI trong những năm gần đây có xu hướng tăng mạnh, chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Cụ thể, năm 2011 chiếm gần 57% thì năm 2013 chiếm trên 61%.

Sự tham gia sâu rộng của Việt Nam trên trường quốc tế đã giúp nâng cao vị thế và tiếng nói của Việt Nam cả trong chính trị và kinh tế. “Qua 7 năm tham gia WTO, lần đầu tiên tổ chức này rà soát lại các cam kết của Việt Nam thì thấy thực hiện rất nghiêm túc.

Dù có việc làm được, có việc chưa làm được nhưng cái được vẫn là chính. Cái nhìn thấy là xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư, ODA… tăng lên, đã góp phần cải thiện thể chế, từng bước tạo môi trường kinh doanh bình đẳng”, Bộ trưởng Hoàng phân tích.

Song, câu chuyện của 2014 là Việt Nam sẽ kết thúc đàm phán và có thể đi đến ký kết 5 hiệp định thương mại tự do cả song phương và đa phương. Vấn đề là Việt Nam sẽ tận dụng như thế nào, bởi các hiệp định thương mại tự do cũng có thể sẽ mang lại lợi thế cho ngành xuất khẩu Việt Nam, nhưng nó cũng trở thành thách thức khi sức cạnh tranh của DN Việt Nam vẫn là dấu hỏi lớn.

Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại cho nền kinh tế, khi các cam kết thương mại đã đi đến hồi kết, nhưng “sức khỏe” của DN hầu như chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng.

Bức tranh DN Việt Nam năm 2013, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính tổng số DN đăng ký thành lập mới là 76.955 DN, tăng hơn 10% so với năm 2012, nhưng tổng vốn đăng ký là 398,7 nghìn tỷ đồng, giảm gần 15%. Trong khi, số DN gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động là 60.737 DN, tăng xấp xỉ 12% so với năm trước.

Hội nhập thụ động

Dưới con mắt của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc cải tổ kinh tế không thể dừng. Sự chuẩn bị của Việt Nam cho hội nhập, từ các cam kết khi đàm phán đến chính sách hỗ trợ DN trong nước vẫn chưa hiệu quả. Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thế Ruệ tỏ ra lo lắng, Việt Nam đã gia nhập WTO được 7 năm, nhưng tình hình thể chế trong nước chưa có chuyển biến nhiều. Thậm chí, như ông Trương Đình Tuyển nói là dùng quá nhiều quyết định hành chính để điều hành kinh tế đất nước.

Từ thực tiễn cuộc sống và theo dõi đến Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, ông cho rằng nhu cầu cải cách kinh tế rất quyết liệt, mạnh mẽ, nhưng thực chất việc cải cách thể chế vẫn chủ yếu đang là văn bản. Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nay đã đến năm thứ 3 mà vẫn còn chưa có gì rõ nét.

“Tôi e rằng, nếu không khẩn trương hoàn thiện thể chế thì kinh tế Việt Nam vẫn luẩn quẩn như hiện nay. Đặc biệt là thị trường trong nước, đi nhiều địa phương tôi thấy, ông bí thư tỉnh còn tiếp cận đến nghị quyết, còn ông chủ tịch với bí thư, phó bí thư huyện thì không mấy quan tâm đến chuyện hội nhập là như thế nào. Như thế rõ ràng hệ thống chính trị chúng ta chưa thấu suốt được cái mục tiêu hội nhập kinh tế. Và như vậy, khâu chuẩn bị, hỗ trợ cho DN địa phương là chưa sẵn sàng”, ông Ruệ phân tích.

Trong khi đó, khâu đột phá về nhân lực trong việc đánh giá 3 trụ cột phát triển vẫn còn xem nhẹ vai trò của DN. Ông Ruệ cho biết, chính các DN là người thực hiện giao kết thương mại. Tuy nhiên, VCCI mới đây đã đưa ra con số khiến ai nghe cũng phải giật mình, đó là câu chuyện của 80% DN Việt Nam hiện nay vẫn rất “lơ mơ” về lộ trình giảm thuế và các hiệp định thương mại song phương và đa phương.

“DN nhận thức như vậy thì sao có thể nói đến hiện đại hóa. Chiến lược từ nay đến năm 2020 của chúng ta là phải xây dựng đội ngũ DN, doanh nhân đủ sức thực hiện được các cam kết. Việc xúc tiến đàm phán các hiệp định thương mại cũng phải được căn cứ trên khả năng hấp thụ của DN trong nước mới mang lại hiệu quả”, ông Ruệ đề xuất.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng không khỏi chạnh lòng khi cho biết, vừa qua dư luận nêu một cách “khơi khơi” rằng, khi Việt Nam gia nhập WTO thì tất cả mọi thứ đi xuống. Theo vị chuyên gia này, thực tế đúng là vào thời điểm kinh tế “rớt xuống” trùng với thời điểm nước ta gia nhập WTO, nhưng cách nói như vậy là đổ tại WTO làm kinh tế sa sút chứ không thấy điều ngược lại.

Chính vì kinh tế trong nước bất ổn nên chúng ta đã không tận dụng được lợi ích của việc tham gia WTO một cách tốt hơn và khắc phục được những khiếm khuyết của nó.

Thực tế, việc chọn lựa để đàm phán FTA của chúng ta vẫn chưa thực sự chủ động và có tính toán một cách đầy đủ. “Hình như trước khi ta định đàm phán chưa mang trong mình một bản đồ rõ ràng, ta sẽ đàm phán với ai, nội dung gì bởi có thời gian đã từng “rộ” lên chuyện cứ coi FTA thành “món quà” để chào mời với bất cứ nước nào đến thăm”, bà Chi Lan nói.

Phải biến cam kết thành động lực

Một số ý kiến cho rằng, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt tham gia ký kết thực hiện các FTA chưa gắn kết đầy đủ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các chiến lược phát triển ngành. Bà Phạm Chi Lan cho rằng, hai động lực xuất khẩu đã được quan tâm, nhưng chưa có những giải pháp đúng để có sự phát triển phù hợp với yêu cầu của mình.

Xuất khẩu nhưng không tính đến phần hậu cần phải có để xuất khẩu, nên hiện cứ nhập khẩu từ bên ngoài để rồi gia công trong nước. Chính điều này đã làm tổn hại đến chủ trương phát triển và cách thức phát triển chung của đất nước.

“Cứ có được đầu tư nhà máy may để may là sướng rồi, chứ còn mấy chục năm làm gia công cũng vẫn yên tâm. Đấy là vấn đề của cả chủ trương về đầu tư chứ không phải thiên về thương mại nữa”, bà Lan nhận xét.

Cam kết nhiều, chuẩn bị chẳng bao nhiêu tất yếu sẽ dẫn đến thua thiệt trong hội nhập kinh tế và thương mại toàn cầu. “Nền tảng cơ bản của DN vẫn rất yếu. Chúng ta cần tránh tình trạng chính sách tập trung rất cao và ưu đãi rất nhiều cho DNNN và DN FDI. Bởi nếu tiếp tục như vậy, chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng kinh tế yếu kém như hiện nay”, một chuyên gia phân tích.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì cho rằng, chuẩn bị trong nước số một bây giờ phải làm là khắc phục những yếu kém của nền kinh tế hiện nay và thực hiện những định hướng chiến lược mà Đại hội Đảng lần thứ XI đã nêu ra. Ba định hướng chiến lược phải là tiền đề trong hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới.

Một số ý kiến khác thì cho rằng, chúng ta đang cần một chính sách tác động trực tiếp hơn đối với các DN. Phải tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, tạo được môi trường kinh doanh bình đẳng, cũng như thay đổi hệ thống các chính sách khuyến khích để thực sự khuyến khích các DN hướng vào cạnh tranh, hướng vào công nghệ và năng suất chất lượng, chứ không phải chạy theo kiểu mang tính trục lợi như trong thời gian vừa qua.

Các cam kết thương mại đã đi đến hồi kết, nhưng “sức khỏe” của DN hầu như chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng.

Theo Dương Công Chiến

cucpth

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên