MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trưởng đại diện JICA: Bắt nhà đầu tư nước ngoài gánh rủi ro là “không tưởng”

Ông Mutsuya - Trưởng Đại diện JICA - dự đoán mức ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam trong năm tài khóa 2014 (bắt đầu từ tháng 4.2014) ít nhất cũng bằng mức năm 2013.

JICA sẽ tiếp tục cung cấp các khoản vay mới trị giá khoảng 120 tỉ Yen cho Việt Nam. Như vậy, tổng số vốn vay Nhật Bản dành cho Việt Nam trong năm tài khóa 2013 (kết thúc tháng 3.2014) ước đạt 200 tỉ Yen. Đây là mức vốn vay ở mức cao mà Nhật Bản tiếp tục dành cho VN, so với năm tài khóa 2011 và 2012.

Mức trả nợ ODA của VN đang tăng nhanh

Trao đổi với PV Lao Động, ông Mutsuya - Trưởng Đại diện JICA - dự đoán mức ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam trong năm tài khóa 2014 (bắt đầu từ tháng 4.2014) ít nhất cũng bằng mức năm 2013. Dự kiến, Nhật Bản sẽ thực hiện 12 dự án hợp tác kỹ thuật và 71 khóa đào tạo tại Nhật Bản cho Việt Nam trong năm tài chính 2014.

Theo ông Mutsuya, Việt Nam đã trả nợ ODA cho Nhật Bản 34,8 tỉ Yen (tương đương 338,9 triệu USD) trong năm 2012. Trưởng Đại diện JICA tại Việt Nam cho rằng, việc trả nợ ODA sẽ “không gây áp lực lớn lắm” với Việt Nam, do hầu hết các khoản vay có mức lãi suất rất thấp. Tuy nhiên, con số này cho thấy, khoản nợ ODA mà Việt Nam phải trả đang tăng nhanh mỗi năm, khi năm 2010 mức trả nợ của Việt Nam mới là 210 triệu USD và dự đoán cho những năm tiếp theo chỉ từ 20 đến 25 tỉ Yen (tương đương 200 đến 250 triệu USD).

Cần quy định pháp luật chặt hơn về gia hạn tiến độ

Trước nguy cơ TPHCM có thể phải nộp phạt cho các đối tác Nhật Bản do vướng mắc về giải phóng mặt bằng trong dự án xây dựng đường sắt đô thị, ông Mutsuya cho hay: “Chưa nhận được thông tin nào về việc gia tăng chi phí”. Hồi năm trước, các nhà thầu Nhật đã yêu cầu TP.Hà Nội bồi thường 200 tỉ đồng để trả cho chi phí phát sinh do chậm giải phóng mặt bằng dự án cầu Nhật Tân.

Trưởng Đại diện JICA khuyến nghị Việt Nam cần có quy chế pháp lý liên quan đến việc kéo dài tiến độ, liên quan đến khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Ông cho rằng, khi chủ đầu tư và nhà thầu đã ký hợp đồng về thời hạn giao đất, nhà thầu mới lên kế hoạch xây dựng, thuê nhân công, mua nguyên vật liệu... Song nếu việc giao đất bị chậm, nhà thầu sẽ vi phạm hợp đồng với các đối tác khác, dẫn đến khó khăn trong trả lãi ngân hàng và làm tăng chi phí. Ông Mutsuya khẳng định: “Bất cứ nhà thầu nào cũng sẽ từ chối ký hợp đồng, nếu bắt họ phải tự gánh chịu những phát sinh chi phí liên quan đến giải phóng mặt bằng”.

Ngay trong dự án PPP về đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, ông Mutsuya cho hay, việc giải phóng mặt bằng và thu xếp nguồn vốn về thủ tục hết sức khó khăn. “Bản thân phía các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cũng đau đầu giải quyết vấn đề này. Song nếu yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải chịu rủi ro khi giải phóng mặt bằng thì đây là không tưởng” – ông nhận định. Trưởng Đại diện JICA cũng chân thành mong người dân Việt Nam hợp tác, bởi “trong quá trình triển khai các dự án, không tránh khỏi các vấn đề vướng mắc khi thực hiện di dân, giải phóng mặt bằng, gây ra những phiền phức, bức xúc”.

Ông Mutsuya cho hay, nhu cầu vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu của Việt Nam hiện nay rất lớn. Do vậy, Chính phủ Việt Nam cần phải ưu tiên tìm ra phương thức huy động được nguồn vốn tư nhân, chứ không chỉ dựa vào nguồn vốn ODA. Ông Mutsuya đánh giá việc thu hút vốn tư nhân vào các dự án phát triển hạ tầng công cộng là “chưa nhiều”. Nguyên nhân, theo ông Mutsuya lý giải, là do việc hình thành dự án và thu hút vốn tư nhân vào các dự án hợp tác công tư (PPP) rất khó, và cũng không có nhiều dự án PPP ở các nước Châu Á. Cho đến nay, Nhật Bản đã cung cấp một lượng lớn ODA để giúp Việt Nam xây dựng cơ sở hạ tầng. Dự kiến vào năm 2015, 2 dự án ODA lớn của Nhật Bản cho Việt Nam gồm cầu Nhật Tân (cầu Hữu nghị Việt-Nhật) và “Nhà ga hành khách số 2 Sân bay Quốc tế Nội Bài” sẽ được hoàn thành.

Theo Tô Phương Thúy

thanhhuong

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên