MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xây dựng Đặc khu kinh tế: Quan trọng nhất là đột phá thể chế

Với ý tưởng xây đựng Đặc khu Kinh tế, bắt đầu là ba Đặc khu ở Vân Đồn , Phú Quốc và Bắc Vân Phong, Việt Nam đang kỳ vọng sẽ tạo được bước ngoặt mới trong thu hút các nguồn lực đầu tư.

Trao đổi với chúng tôi, TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: muốn có một đặc khu kinh tế đặc thù, Việt Nam cần có một cơ chế đặc thù.

Trước hết, cần phải hiểu đặc khu kinh tế là một khu vực kinh tế trong một nền kinh tế của một quốc gia, trong đó có cơ chế đặc biệt, với thể chế đặc biệt để tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất kinh doanh, đầu tư; nhằm hướng đến đạt ba mục đích, là: Thứ nhất: tạo nguồn lực để phát triển kinh tế và Thứ hai: nhân rộng, tạo cơ chế chung cho nền kinh tế. Thứ ba, tạo sự lan tỏa cho cả nền kinh tế ở các lĩnh vực.

- Để đạt được ba mục đích này, theo ông đâu là vấn đề then chốt ?

Then chốt chính là cơ chế đặc biệt cho đặc khu. Trước đây, khi các nền kinh tế còn đóng cửa, mọi hoạt động hội nhập kinh tế toàn cầu chưa sẵn sàng thì vai trò quan trọng thu hút các nguồn lực đầu tư phụ thuộc và mức độ ưu đãi của nền kinh tế.

Nhưng ngày nay, với các Hiệp định Thương mại đã và đang ngày càng phát triển từ ký kết song phương, đa phương lên tới tầm khu vực và gần như toàn cầu hóa thì mức độ tự do hóa thương mại đã mở cửa gần như hoàn toàn. Độ mở của một nền kinh tế theo đó không còn quá quan trọng, có giá trị trong thu hút nguồn lực đầu tư nữa.

Tới đây Hiệp định Đối tác Kinh tế Thương mại Xuyên Thái Bình Dương được kí kết, càng sẽ gần không còn rào cản nào đối với tiến trình hội nhập kinh tế của quốc gia. Trong bối cảnh đó, độ mở của một nền kinh tế, một khu kinh tế đơn thuần rõ ràng cũng không còn nhiều ý nghĩa.

Song bên cạnh đó, mặc dù các nền kinh tế đã tự do hóa thương mại gần như hoàn toàn, lại vẫn cần có những đặc khu kinh tế để đảm bảo sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư và như đã nói, đảm bảo hướng đến đạt ba mục đích có hiệu quả cho nền kinh tế. Bởi dù thế nào thì chỉ có những đặc khu kinh tế mới có những cơ chế đặc biệt, có thể tạo ra cú hích đặc biệt trong một nền kinh tế đã hội nhập phẳng hoàn toàn.

- Ông có thể lí giải cụ thể vì sao lại vẫn cần đặc khu kinh tế, khi đã không còn các rào cản thương mại tự do?

Thứ nhất, mặc dù cơ chế mở cửa theo các Hiệp định thương mại tự do đã bị xóa nhòa nhưng thực tế vẫn còn những rào cản nội tại bên trong, của từng nền kinh tế, liên quan đến thể chế chính trị, bộ máy xã hội, bộ máy hành chính… Những điều này thường không nằm hoặc chỉ nằm rất sơ bộ trong các cam kết của các Hiệp định thương mại tự do, nhưng nó lại có tác động rất mạnh đối với thể chế hành chính, hoàn cảnh đầu tư, môi trường đầu tư, điều kiện đầu tư… tới các DN, các hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong nền kinh tế.

Thứ hai, tùy theo đặc thù của từng quốc gia và tùy thuộc từng loại hình đầu tư mà các cam kết thương mại tự do khó can thiệp vào thể chế quốc gia, văn hóa, truyền thống, ứng xử xã hội… để chấp nhận và phát triển tự do các loại hình đầu tư đó. Chẳng hạn không nói đâu xa, ngay tại Việt Nam thời gian qua, chỉ riêng chuyện có nên, hay không nên cho phép kinh doanh đầu tư casino, cũng đã có rất nhiều quan điểm khác nhau và tốn kém giấy mực tranh luận.

Với các yếu tố như vậy thì việc phát triển những đặc khu kinh tế gắn với thể chế đặc biệt trở nên cần thiết. Việt Nam chúng ta cũng đã tham gia các Hiệp định thương mại tự do và độ mở của nền kinh tế khá lớn, như vậy vẫn cần có những đặc khu.

Ngoài ra, còn có một số vấn đề khác mà sự phát triển của mô hình đặc khu kinh tế sẽ mang đến tác động kinh tế tốt hơn như thể chế hóa tốt hơn sẽ góp phần thúc đẩy, phát huy thể chế của toàn nền kinh tế. Chung quy, thể chế tốt, thích ứng hệ thống chính trị, thích ứng điều kiện nền kinh tế hiện tại, tạo điều kiện đầu tư… vẫn có một điểm đến, đích cuối cùng là tạo ra cú hích mới, động lực mới cho cả nền kinh tế.

Đó mới chính là điều đáng xem xét và mọi đặc khu kinh tế muốn quy hoạch, xây dựng, phát triển đều phải dựa cái đích đến cuối cùng, vì đích đến đó.

- Việt Nam đã phát triển các khu kinh tế từ khá lâu nhưng hiệu quả thì vẫn chưa gặt hái nhiều. Vậy theo ông, kinh nghiệm để các đặc khu kinh tế thực sự tạo cú hích, sẽ là... ?

Đúng là chúng ta đã có nhiều khu kinh tế, nhưng đó không phải là đặc khu. Chúng ta chưa có đặc khu kinh tế đúng nghĩa, nơi mà các thể chế được mở rộng, thông thoáng, nâng cấp cao hơn và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, tối ưu nhất cho đầu tư. Để làm được điều đó thì chúng ta phải nỗ lực rút kinh nghiệm, rút ra các bài học từ các quốc gia đã phát triển các đặc khu kinh tế cả ở chiều thất bại lẫn chiều thành công trên thế giới.

Quan trọng nhất là công cuộc thể chế hóa bộ máy quản lí hành chính, tạo điều kiện tối đa để thuận lợi đầu tư sản xuất kinh doanh nhưng lại cũng phải “quản” được để lợi ích của các nhà đầu tư trong Đặc khu, từ đó mà lan toả ra lợi ích của nền kinh tế.

Thông thoáng mà không “quản” được thì kém hiệu quả, đi trật mục tiêu. Ngược lại, cần phải xác định đã gọi là đặc khu, đương nhiên sẽ có những ưu đãi đặc biệt chênh lệch với môi trường bên ngoài, nhưng nó không phải là tạo ra một không gian kinh tế để hợp thức hóa ưu đãi bằng mọi giá để thu hút đầu tư như trước đây - khi nền kinh tế còn chưa thực sự hoàn toàn mở cửa.

- Trên thế giới hiện có khoảng 3.500 Đặc khu kinh tế ở 135 quốc gia, trong khi Việt Nam bây giờ mới bắt đầu tính chuyện phát triển đặc khu. Chúng ta làm sao để cạnh tranh với sức hút với các đặc khu kinh tế đã có danh tiếng và rất phát triển ngay trong khu vực, thưa ông?

Không phải an ủi, mà thực sự nếu người đi trước có lợi thu hút đầu tư dễ dàng hơn, ít áp lực cạnh tranh hơn thì người đi sau lại cũng vẫn có… lợi thế của người đi sau. Chẳng hạn, chúng ta có thể từ những bài học thực tiễn mà tránh được vết xe đổ của người đi trước, đỡ tốn kém thời gian và chi phí khi triển khai phát triển đặc khu.

Hơn nữa, trong tình hình hiện nay, đầu tư vào Việt Nam đang được các nhà đầu tư ngoại hết sức quan tâm. Việc có một cơ chế đột phá thực sự, được thể chế hóa thực sự, đó sẽ là cú hích để sự quan tâm này tăng cao hơn nữa, hiệu quả và chất lượng hơn nữa của dòng vốn đầu tư vào nền kinh tế, tạo cú hích đồng bộ cho nền kinh tế chứ không chỉ đặc khu.

Cùng với đó, nên xác định vì sao các đặc khu kinh tế ngay trong khu vực ASEAN mang lại rất nhiều giá trị cho các nền kinh tế nước bạn. Bởi mỗi đặc khu đã phát huy được lợi thế địa lí riêng, đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh doanh, đầu tư riêng và nhất định. Chúng ta đi sau, theo đó mỗi đặc khu lại cũng có thể có những lợi thế địa lí, vùng miền và thậm chí lợi thế quốc gia mà các quốc gia bạn không có.

Do đó, cũng không e ngại danh tiếng của các đặc khu kinh tế đã thành công và vẫn đang tiếp tục thu hút đầu tư xung quanh khu vực. Điều quan trọng nhất không phải là có nên xây dựng đặc khu kinh tế hay không, mà một khi đã xác định cần, thì phải xác định được quyết tâm nên làm gì, làm như thế nà.

Đã đến lúc chúng ta không thể chạy đua theo ưu đãi tràn lan, tự do “vô biên” mà ưu đãi của chúng ta phải hướng đến chất lượng cho chính chúng ta và cho các nguồn lực có cam kết, gắn bó dài lâu với kinh tế Việt Nam.

Tính mục đích rõ ràng của từng đặc khu kinh tế phải gắn liền với sự thu hút nguồn lực để tạo sự lan tỏa từ vị trí địa phương lên liên kết vùng và cả nền kinh tế, cải thiện, nâng cấp từ nguồn lực tài chính, công nghệ, vốn, kĩ năng quản trị, định hướng phát triển… cho cả nền kinh tế. Muốn đi sau, về trước, các đặc khu kinh tế của Việt Nam phải hướng về đột phá thể chế hóa!

- Xin cảm ơn ông!

cucpth

Theo diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên