MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xóa nợ thuế DNNN: Ngân sách sẽ càng thêm khó khăn

Cần phải minh bạch vì sao các DN nợ thuế. Do cơ chế, do khách quan hay chủ quan? Chứ ko nên áp cào bằng với DN...

Việc xóa nợ thuế cho các DNNN có thể tạo ra bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, Đại biểu Nguyễn Công Bình (Yên Bái) cho rằng: Thực hiện cổ phần hóa các DNNN là rất tốt nhưng cần phải hết sức cân nhắc kiến nghị xóa nợ thuế vì nó sẽ tạo ra tiền lệ không tốt. Do đó, không nhất thiết phải sửa luật mà chỉ nên ra Nghị quyết để xử lý từng trường hợp cụ thể.

Cùng quan điểm, đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM) thì lại không đồng tình với việc xóa nợ thuế cho DNNN. Vì đây là trường hợp làm ăn không hiệu quả, nên nếu xóa nợ thuế là không công bằng với các DN khác.

Bất bình đẳng với DN khác?

“Cần phải minh bạch vì sao các DN nợ thuế. Do cơ chế, do khách quan hay chủ quan? Chứ ko nên áp cào bằng với DN. Chứ xóa nợ cho các DN chưa cổ phần hóa, họ chây ỳ không nộp thuế để chờ đến khi cổ phần hóa để được xóa. Đề nghị có kiểm toán và xem xét từng trường hợp” – Đại biểu Võ Thị Dung nói.

Cho rằng DNNN đã được sử dụng nguồn lực nhà nước để kinh doanh, Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường cũng bày tỏ sự không đồng tình. Hiện có tới 65% DNNN không đủ điều kiện nộp thuế (năm 2013), nên nếu đưa vào Nghị quyết xoá nợ thì không chỉ khiến ngân sách càng khó khăn, mà xoá nợ còn tạo ra sự không bình đẳng.

Đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) thì cho rằng nếu xoá nhiều chủ đại diện DN sẽ sẵn sàng kê khai giá thấp, làm thất thoát tiền nhà nước. Do đó, cần “tính đúng tính đủ”, đảm bảo tính công bằng khi xác định giá trị DN, bởi nhiều DN được hưởng tài sản rất lớn nhưng lại không có trách nhiệm để xảy ra thua lỗ là bất hợp lý.

Một số đại biểu thì đồng tình với việc xóa nợ thuế của DNNN để những DN này thuận lợi trong quá trình cổ phần hóa, tránh những thiệt hại lớn về tài sản, vốn của Nhà nước. Tuy nhiên, các đại biểu yêu cầu cần truy cứu trách nhiệm của người có liên quan khi đã sử dụng vốn nhà nước không hiệu quả và để xảy ra thua lỗ.

Theo Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), xoá nợ cho DNNN nhưng cần phải được thanh tra, kiểm tra kỹ về trách nhiệm. Trường hợp DN thua lỗ do khách quan, có thể chấp nhận , nhưng trường hợp DN làm ăn thua lỗ, mà không rõ nguyên nhân, thì phải xử lý người đứng đầu, khi đó mới được xoá nợ.

Xóa trước hay truy trước?

Vị này còn dẫn chứng, có nhiều trường hợp DN làm ăn tốt, nhưng khi giám đốc chuẩn bị nghỉ hưu là DN thua lỗ dần, thậm chí phá sản. Thực tế tại Quảng Bình, có nhiều trường hợp giám đốc DN có tới 3, 4 nhà mặt tiền, nhưng DN phá sản, thua lỗ, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, rất khó xử lý.

Tuy nhiên, một vấn đề gây nhiều tranh cãi của các Đại biểu Quốc hội là nên xóa nợ trước hay xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trước? Theo đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM), việc xóa nợ cho DNNN giúp DN cơ cấu tài chính tốt và thuận lợi trong cổ phần hóa. Sau đó, phải xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt là những người sử dụng vốn sai mục đích, cố tình chây ì nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) thì lại cho rằng tại sao Chính phủ không kiểm soát, giám sát DNNN thua lỗ, không đóng thuế để xác định trách nhiệm trước khi xóa nợ. Bởi nếu thông qua việc xóa nợ, xong không truy cứu trách nhiệm thì khó có thể hồi tố được.

“Đồng tình làm chính sách là tháo gỡ khó khăn nhưng vì điều đó không minh bạch, không rõ đối tượng thì cần phải xem xét. Không thể để chính sách bị lợi dụng. Không khéo Quốc hội làm chính sách là làm cho lợi ích nhóm là không được. Làm ăn có lời, lỗ khách quan chủ quan nhưng phải minh bạch” – Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Trong khi đó, Đại biểu tỉnh Nam Định Trần Quang Chiểu – là thành viên của Uỷ viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách, thì cho rằng xóa nợ thuế cho DNNN nhưng chỉ nên thực hiện trong thời gian nhất định.

“Ví dụ đặt ra trong 2 năm 2016 – 2017 phải cổ phần hóa xong, thì chỉ thực hiện trong 2 năm đó. Chứ không đưa ra đây là chính sách dài hạn, sẽ dễ bị lợi dụng, DN chuẩn bị cổ phần hóa sẽ dây dưa, chây ì. Phải có thời hạn áp dụng nhất định” – Đại biểu Trần Quang Chiểu đề xuất.

Cẩm An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên