MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao 3 dự án công viên quy mô lớn ở Hà Nội chưa thể triển khai?

26-04-2022 - 14:39 PM | Bất động sản

Công viên Kim Quy, Công viên Hello Kitty... là loạt công viên lớn được kỳ vọng thay đổi diện mạo thủ đô, góp phần gia tăng trải nghiệm cho du khách đến với Hà Nội. Tuy nhiên, sau nhiều năm hiện các công viên này vẫn chưa được triển khai.

Nằm trên địa bàn xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Công viên Kim Quy khởi công tháng 9/2016 và dự kiến cuối năm 2018 đưa vào sử dụng giai đoạn 1. Đây là dự án công viên lớn bậc nhất Hà Nội. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chưa thể triển khai, trong khi Hà Nội lại đang thiếu các công viên, khu vui chơi giải trí quy mô, bài bản.

Trước thực tế trên, tại phiên giải trình về đầu tư, khai thác các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thủ đô sáng 25/4, đại biểu Duy Hoàng Dương chất vấn lãnh đạo TP Hà Nội: Tại hội nghị đầu tư phát triển của thành phố tháng 6/2021, các chủ đầu tư đã kiến nghị muốn được triển khai dự án và kiến nghị UBND TP tạo điều kiện về thủ tục hành chính cũng như các công tác khác để triển khai dự án sớm đưa vào sử dụng, tạo nguồn vốn hiệu quả nhưng đến nay chưa được đưa vào sử dụng. "Chúng ta thấy rõ sự lãng phí rất lớn về nguồn lực đất đai cũng như gây bức xúc cho nhân dân", đại biểu Duy Hoàng Dương nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Duy Hoàng Dương, lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc và Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết Công viên Kim Quy hiện nay không vướng gì vấn đề quy hoạch, chủ yếu là vấn đề đất đai, giải phóng mặt bằng. Công tác giải phóng mặt bằng đã bàn giao 97%. Tỷ lệ 3% diện tích giải phóng mặt bằng còn lại hiện nay huyện Đông Anh đang triển khai. Chủ đầu tư tổ chức triển khai theo quy hoạch và phần đã được thành phố điều chỉnh quy hoạch.

Vì sao 3 dự án công viên quy mô lớn ở Hà Nội chưa thể triển khai? - Ảnh 1.

Phần đất chưa xong giải phóng mặt bằng bên trong dự án Công viên Kim Quy.

Được biết, trước đó chủ đầu tư Công viên Kim Quy - Tập đoàn Sun Group cũng khẳng định công viên Kim Quy không phải là dự án "treo". Chủ đầu tư cam kết sẽ cùng với chính quyền thành phố Hà Nội nhanh chóng bắt tay tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc và cam kết sẽ hoàn thành đúng tiến độ trong thời gian 2 năm, kể từ khi nhận giấy phép xây dựng. Trong thời gian tới, sau khi thành phố hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư sẽ phối hợp cùng chính quyền để hoàn tất các thủ tục pháp lý, thúc đẩy công tác phê duyệt triển khai dự án sớm nhất.

"Hiện nay trong quá trình chờ đợi hoàn tất mọi thủ tục pháp lý, chủ đầu tư đã làm việc với các đơn vị tư vấn quốc tế để lên ý tưởng xây dựng một công viên giải trí hiện đại, hấp dẫn hàng đầu trên thế giới. Dự kiến, Công viên Kim Quy khi đi vào hoạt động sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn cho người dân thủ đô và du khách, góp phần gia tăng trải nghiệm cho du khách đến với Hà Nội", đại diện Sun Group cho biết thêm.

Cùng với Công viên Kim Quy, Công viên Hello Kitty cũng là dự án có vốn đầu tư ngoài ngân sách, và đang trong tình trạng chưa thể đưa vào sử dụng. Tháng 5/2019, Tổ hợp vui chơi giải trí Sanrio Hello Kitty World Hanoi được công bố xây dựng với diện tích gần 30.000 m2 tại địa chỉ 151-153 Yên Phụ, quận Tây Hồ.

Theo Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Trúc Anh, Hello Kitty đã được duyệt quy hoạch từ 2018 với tầng cao 8 tầng, mật độ xây dựng 80%. Ở đây vướng chủ yếu giải phóng mặt bằng và giao chủ đầu tư vì có một phần đất công.

Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư Đỗ Anh Tuấn cho hay, đối với dự án Hello Kitty, thành phố có quyết định thu hồi hơn 2.600 m2 thuộc Tổng Công ty Du lịch, giao Sở Tài nguyên Môi trường đấu giá quyền sử dụng đất. Sau khi hoàn thành thủ tục đất đai, chủ đầu tư tiếp tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện.

Vì sao 3 dự án công viên quy mô lớn ở Hà Nội chưa thể triển khai? - Ảnh 2.

Công viên Hello Kitty sau nhiều năm vẫn chưa thể triển khai.

Công viên thứ 3 nằm trong danh sách các công viên chậm triển khai là Khu công viên thể thao, cây xanh quận Hà Đông. Đây là dự án do tỉnh Hà Tây cũ phê duyệt quy hoạch trên địa bàn phường Hà Cầu và Kiến Hưng từ năm 2008, có diện tích 96,7 ha. Sau khi sáp nhập Hà Tây và Hà Nội, UBND thành phố giao quận Hà Đông triển khai dự án.

Lý do khiến dự án đến nay vẫn bị đình trệ là do không có nguồn vốn. Năm 2015, UBND TP Hà Nội quyết định thu hồi đất, giao UBND quận Hà Đông hoàn thành giải phóng mặt bằng và tổ chức quản lý, sử dụng khai thác tạm khu đất, tránh tình trạng đất bỏ hoang gây lãng phí.

Phát biểu giải trình tại phiên họp ngày 25/4, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh nêu rõ 4 nhóm tồn tại vướng mắc phải tập trung khắc phục và khẳng định các nguyên nhân chủ quan, khách quan đã được nhận diện rõ; đồng thời yêu cầu rõ các đơn vị phải có biện pháp xử lý gắn với trách nhiệm, lộ trình thực hiện ngay.

Chủ tịch TP Hà Nội cũng nêu rõ 6 giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Thứ nhất, theo tinh thần chỉ đạo Thủ tướng, TP, các đơn vị phải rà soát, cập nhật quy hoạch và điều chỉnh, bổ sung để xử lý dứt điểm khâu quy hoạch sớm nhất. Thứ hai, TP sẽ quan tâm dành quỹ đất cho các thiết chế văn hóa và thể thao. Thứ ba, Hà Nội sẽ dành nguồn lực từ đầu tư công, thực hiện chính sách xã hội hóa. Thứ tư, là xây dựng các chính sách đặc thù xung quanh là con người. Thứ năm, Hà Nội sẽ bố trí ngân sách trong kế hoạch hàng năm để đầu tư xây dựng (bao gồm cả đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị, bồi dưỡng nghiệp vụ). Thứ sáu là là nâng cao chất lượng, hiệu quả, đa dạng hóa, tăng cường quy chế quản lý sau đầu tư.

https://cafef.vn/vi-sao-3-du-an-cong-vien-quy-mo-lon-o-ha-noi-chua-the-trien-khai-20220426143910028.chn

Nam Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên