Vì sao các nhà sản xuất xe hơi như Vinfast, Ford hay Tesla lại có thể chuyển sang sản xuất máy thở
Gần như tất cả các tên tuổi lớn nhất trong làng xe hơi đều tham gia sản xuất loại máy móc có vai trò tối quan trọng trong việc điều trị nCoV.
- 06-04-2020Covid-19: Ca nhiễm tăng mạnh, Mỹ cấp tốc đặt máy thở của Trung Quốc
- 05-04-2020Bác sĩ Mỹ nói về sự khốc liệt của Covid-19: Có nơi phải dùng hình thức rút thăm để chọn bệnh nhân dùng máy thở
- 04-04-2020Cuộc đua sản xuất máy thở trên toàn thế giới: Một đối tác của Apple vừa tuyên bố ‘tham chiến’, mục tiêu sản lượng 30.000 máy/tháng
Theo công bố chính thức của Vingroup ngày 3/4/2020, tập đoàn này sẽ tham gia sản xuất máy thở và máy đo thân nhiệt để cung cấp cho Bộ Y Tế.
Trong tháng tới, Vingroup dự kiến sẽ bắt đầu xuất xưởng các mẫu máy thở đầu tiên để chuyển tới Bộ Y Tế, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và cấp chứng nhận chất lượng trước khi đưa vào sử dụng tại các cơ sở Y tế trên toàn quốc.
Vingroup không phải là tập đoàn sản xuất xe hơi đầu tiên tham gia hỗ trợ sản xuất máy thở để hỗ trợ các nỗ lực đẩy lùi đại dịch Covid-19. Trên khắp thế giới, các thương hiệu xe hơi nổi tiếng như Ford, GM, Tesla, Ferrari, Tesla, Mercedes-Benz, McLaren, Fiat Chrysler v…v… đều đang tham gia hỗ trợ các chính phủ, các công ty thiết bị y tế sản xuất loại máy móc thiết yếu này.
Vậy thì, đâu là yếu tố thôi thúc các nhà sản xuất xe hơi nhanh chóng chuyển sang sản xuất máy thở?
Khả năng thiết kế và phát triển "siêu tốc"
Thị trường ô tô có mức biến động cao. Các yêu cầu đối với ngành xe hơi cũng tương đối ngặt nghèo: mỗi sản phẩm mới vừa phải bắt kịp với các đối thủ cạnh tranh, vừa phải có tính năng mới để "hút" người dùng, vừa phải được kiểm thử kỹ càng để đảm bảo an toàn cho người dùng.
Chính vì thế, các nhà sản xuất xe hơi cũng nắm giữ các kỹ năng quan trọng: nghiên cứu sản phẩm cạnh tranh, thiết kế và phát triển nhanh (theo từng năm), sản xuất với độ chính xác cao và kiểm thử theo các chu trình cực kỳ khắt khe.
Các lợi thế này đã bộc lộ khá rõ ràng trong khi họ chuyển sang sản xuất thiết bị y tế, đặc biệt là trong bối cảnh gấp rút, khẩn trương như hiện nay.
Ví dụ điển hình là thương vụ hợp tác giữa đội đua Mercedes F1 và Đại học London (UCL): chỉ trong vòng không đầy một tuần, nhóm này đã phát triển thành công thiết bị CPAP (tạm dịch: máy áp lực dương liên tục), một loại máy tuy không phải là máy thở nhưng vẫn có vai trò quan trọng trong quá trình điều trị nCoV.
Không kém phần quan trọng, kỹ năng phát triển/thiết kế này cũng sẽ đóng vai trò sống còn khi các nhà máy xe hơi phải điều chỉnh máy móc và quy trình cho phù hợp với quá trình sản xuất máy thở.
Trong vòng 2 tuần tới, cả Ford và GM đều sẽ bắt đầu sản xuất máy thở tại các nhà máy ô tô. “Mọi người đã thực sự 'rời non lấp biển' để tăng sản lượng máy thở, chúng ta chỉ còn vài tuần nữa là sẽ xuất xưởng được các thiết bị cứu sống mạng người", phó chủ tịch Gerald Johnson của GM khẳng định.
Chuỗi cung ứng rộng khắp
Máy thở và xe hơi sử dụng chung nhiều loại vật liệu như kim loại, nhựa và bán dẫn silicon (cho các thành phần điện tử). Các nhà sản xuất xe hơi thường có bộ phận nghiên cứu phát triển nguyên vật liệu và cũng nắm trong tay một chuỗi cung ứng khổng lồ, bao gồm nhiều công ty liên kết.
Các công ty y tế khi bắt tay với các nhà sản xuất xe hơi vì thế có thể nhanh chóng mở rộng chuỗi cung ứng của mình. Đây là lợi thế được đề cập trong các thương vụ hợp tác giữa GM và Ventec hay giữa Ferrari, Fiat Chrysler và Siare Engineering (nhà sản xuất máy thở lớn nhất tại Italy).
Chỉ trong vòng vài toàn lễ, GM đã giúp Ventec có thể lên kế hoạch cung ứng/sản xuất đầy đủ 700 linh kiện của máy thở VOSCN. Còn Sieare thậm chí đã thẳng thừng tuyên bố rằng khả năng mua nhập linh kiện của Fiat Chrysler và Ferrari sẽ cho phép công ty này có thể tiếp cận các linh kiện khó tìm.
Đây là một lợi thế tối quan trọng trong bối cảnh ngành cung ứng linh kiện toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19.
Máy móc và dây chuyền lắp ráp
Các máy móc và dây chuyền lắp ráp xe hơi có thể được sử dụng trong quá trình sản xuất máy thở. Trong tuyên bố chính thức tới Yahoo News, hãng xe hơi Vauxhall khẳng định: "Chúng tôi sẽ cung cấp dịch vụ với vai trò là một nhà máy lắp ráp, và chúng tôi cũng có khả năng in 3D".
Trả lời phỏng vấn Guardian, đại diện một hãng xe khác tại Anh cho rằng các công ty có phần mềm thiết kế chuyên sâu và công nghệ in 3D sẽ "rất phù hợp" để giúp sản xuất các linh kiện cần có cho các công ty thiết bị y tế đang quá tải.
Thậm chí, ngay cả các xưởng sơn cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong khâu sản xuất phụ trợ. Theo chia sẻ của Vauxhall, với dây chuyền sản xuất thông thường, xưởng sơn trong nhà máy được lắp đặt nhiều thiết bị theo dõi kiểm soát môi trường, khá giống với điều kiện cần có cho các thiết bị y tế.
Trong kịch bản lý tưởng, các nhà sản xuất xe hơi chỉ cần tham gia sản xuất các thiết kế sẵn có từ các công ty y tế. CEO Medtronic khẳng định Tesla sẽ sản xuất "một trong những sản phẩm của Medtronic", trong khi Ford sẽ phối hợp cùng General Electrics sản xuất một mẫu máy thở tối giản (không đòi hỏi điện năng) do Airon thiết kế.
Nhân công tay nghề cao
Do ảnh hưởng của Covid, nhiều nhà máy phải đóng cửa, nhân công phải nghỉ việc. Tuy vậy, đây lại chính là nguồn nhân công đã quen làm việc trong môi trường đòi hỏi độ chính xác cao, phù hợp để chuyển dịch sang sản xuất máy thở.
Quá trình sản xuất máy thở của Ford và Tesla sẽ được thực hiện tại các nhà máy mà các hãng này đã đóng cửa trước đó do Covid-19.
Hãng xe hơi của Việt Nam
Tại Việt Nam, Vingroup hội tụ đầy đủ các yếu tố cho phép các nhà sản xuất xe hơi có thể chuyển sang sản xuất máy thở một cách nhanh chóng. Tuyên bố chính thức của tập đoàn này cho biết máy thở có thể được xuất xưởng chỉ một ngày sau khi đủ linh kiện, sử dụng các thiết kế do Medtronic và ĐH MIT cung cấp.
Bà Lê Thị Thu Thủy- Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup chia sẻ: "Vingroup có một lợi thế là có 2 Công ty sản xuất ô tô và thiết bị điện tử, vì vậy chúng tôi có thể chế tạo đồng thời cả các chi tiết lớn, các chi tiết cơ khí và các chi tiêt khó và hiếm hàng tại thời điểm này như các bo mạch điện tử. Chúng tôi cũng có các kỹ sư thiết kế giỏi để có thể chuyển hóa các thiết kế concept, thiết kế 2D do các hãng cung cấp thành các thiết kế chi tiết, đầy đủ theo yêu cầu của các nhà sản xuất".
Dĩ nhiên, chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thử thách: Vingroup vẫn sẽ phải phụ thuộc vào các đối tác cung ứng, và phải sau khi Bộ Y Tế cùng Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và cấp chứng nhận chúng ta mới có thể chắc chắn máy thở "Made in Vietnam" đủ chất lượng để sử dụng tại các cơ sở Y Tế toàn quốc.
Tuy vậy, rõ ràng là sự kiện Vingroup tham gia sản xuất máy thở vẫn là một điều đáng mừng. Lần đầu tiên trong lịch sử, đất nước Việt Nam đã có một tập đoàn công nghiệp/công nghệ cao, có đủ sức tham gia sản xuất "vũ khí" chống lại loài "giặc" nguy hiểm nhất của năm 2020: giặc Covid-19.
Trí thức trẻ
Sự kiện: Giảm đau kinh tế
Xem tất cả >>- Nhân lúc giá dầu "rẻ như cho", TQ đã quyết định làm điều này: Cao thủ không bằng... tranh thủ?
- "Lột xác" căn studio ngoạn mục chỉ với 45 triệu đồng sau 1 tuần
- Thỏa thuận 600 triệu USD rơi vào cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" sau vụ đụng độ biên giới Trung - Ấn
- PVFCCo vượt qua nhiều thách thức giữ vững vị thế đầu ngành
- Doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng công nghệ số để duy trì hoạt động trong mùa dịch Covid-19