MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Hà Nội đề xuất tăng giá vé xe buýt?

04-11-2023 - 19:36 PM | Thị trường

Mới đây Sở GTVT Hà Nội đề xuất phương án điều chỉnh tăng giá vé xe buýt từ ngày 1/1/2024 với mức tăng từ 1.000 đến 11.000 đồng tùy theo cự li, loại vé và đối tượng ưu tiên. Đâu là lí do Hà Nội đưa ra đề xuất này và điều này sẽ tác động như thế nào đến những hành khách đi xe?

Theo phương án đề xuất của Sở GTVT Hà Nội, từ năm 2024, giá vé lượt xe buýt cho cự li dưới 15km có mức giá 8.000 đồng/ lượt, điều chỉnh thấp nhất1 nghìn đồng và giá vé đối với cự li trên 40km là 20 nghìn đồng, tăng 9.000 đồng. Vé tháng có mức tăng trung bình 40%.

Lí giải về đề xuất này, Sở GTVT Hà Nội cho biết, giá vé xe buýt hiện đang rất thấp so với mặt bằng thu nhập của người dân. Tăng giá xe buýt giúp tăng thu, giảm mức trợ giá, đảm bảo khả năng ngân sách của thành phố.

Vì sao Hà Nội đề xuất tăng giá vé xe buýt? - Ảnh 1.

Một số hành khách đi xe buýt bày tỏ quan điểm về đề xuất này:

"Tất nhiên nó là phương tiện công cộng nên không thể sạch sẽ hoàn toàn được, nhưng thái độ của nhân viên thì cần phải cải thiện hơn. Việc tăng giá lên không hợp lý vì nhiều lần đi xe có trải nghiệm không tốt".

"Bình thường đang hợp lý, mất 100 nghìn để mua vé tháng, giờ tăng lên lại mất thêm 1 khoản tiền để đi lại. Em nghĩ là nên để giá cũ".

"Việc tăng giá như thế cần phải xem xét vì rất nhiều các bạn học sinh, sinh viên đi lại".

TS Phan Lê Bình, Giảng viên trường Đài học Việt Nhật cho rằng, giá vé xe buýt cố thể thực hiện sớm hơn sau 5 năm kể từ lần được điều chỉnh tăng vào năm 2014. Việc duy trì mức giá xe buýt hiện nay được cho là rất thấp so với mặt bằng chung thu nhập và chi phí đi lại của các loại  hình phương tiện khác.

Ông Bình hoàn toàn nhất trí với phương án mà Sở GTVT Hà Nội đưa ra: "Suốt 9 năm qua, thành phố duy trì mặt bằng giá vé xe buýt không thay đổi trong khi giá nhiên liệu, giá nhân công đều phải thay đổi và do vậy giá xe buýt phải nâng lên cho phù hợp với thị trường. Theo báo cáo của Sở Giao thông thành phố Hà Nội, mức chi từ ngân sách của thành phố Hà Nội để trợ giá cho các tuyến xe buýt tăng rất nhiều trong những năm qua. Vì thế, tăng giá xe buýt có thể giảm bớt một phần gánh nặng ngân sách cho thành phố Hà Nội".

Ông Bình cho rằng, không nên kết nối giữa việc tăng giá vé xe buýt với việc nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt, bởi vì dù không tăng giá vé, thành phố vẫn phải thực hiện những biện pháp để cải thiện chất lượng dịch vụ của xe buýt. Hiện nay chất lượng dịch vụ của mạng lưới xe buýt của Hà Nội đã khá tốt so với mặt bằng chung của một số quốc gia trong khu vực, tuy nhiên, Hà Nội cần cải thiện thái độ, cách hành xử của đội ngũ nhân viên phục vụ trên xe buýt.

Theo ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách công cộng Hà Nội, mức tăng giá vé xe buýt Hà Nội đưa ra không vượt quá 10% mức thu nhập bình quân của người dân là phù hợp trong bối cảnh thu nhập của người dân hiện nay đã được nâng lên đáng kể. Việc tăng giá vé xe buýt nói riêng không phải là để doanh nghiệp có lãi bằng tiền mặt mà hướng đến “lãi” về xây dựng hệ thống phương tiện đi lại thuận lợi, an toàn và hạn chế những ảnh hưởng tới môi trường:

"Vì mục tiêu kiểm soát phương tiện cá nhân, mục tiêu kiểm soát khí thải ô nhiễm môi trường, tránh rối loạn giao thông cho nên  thành phố điều chỉnh giá vé để có cái quỹ xây dựng hạ tầng giao thông cho để người dân tiếp cận được phương tiện công cộng một cách an toàn và đi nhanh hơn", ông Thông cho biết..

Ông Thông cho rằng, nhiệm vụ trong thời gian tới của thành phố là cải thiện thời gian đi lại bằng xe buýt nhằm rút ngắn thời gian di chuyển của xe buýt. Xây dựng phương án tách làn đường cho xe buýt và xây dựng hạ tầng cho người đi bộ, giao thông tiếp cận với các trạm, bến xe buýt cần được quan tâm hơn nữa, mới có thể khuyến khích người dân chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang sử dụng xe buýt, phương tiện giao thông công cộng nói chung.

Theo Hải Hà

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên