Vì sao lãi suất cho vay chưa giảm kịp lãi suất huy động?
Nhiều doanh nghiệp kêu ca dù lãi suất huy động giảm liên tục nhưng lãi suất cho vay vẫn đang giảm chậm. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc xem xét quyết định về lãi suất cho vay là do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận theo cung cầu vốn thị trường và mức độ tín nhiệm của khách hàng, đồng thời vốn cho vay bao giờ cũng có độ trễ theo thời gian huy động trước đó.
- 20-03-2023Mức lãi suất huy động 9,5% đã "biến mất" trên bảng niêm yết của các ngân hàng
- 19-03-2023Phó Thống đốc NHNN: Giảm lãi suất điều hành là tín hiệu tốt, nhiều ngân hàng cũng đã hạ lãi suất huy động
- 16-03-2023NHNN nghiêm cấm ngân hàng dùng "chiêu" lách vượt trần lãi suất huy động
Theo phản ánh của cử tri tỉnh Quảng Bình gửi tới NHNN sau kỳ họp thứ 4 và kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, thực tế cho thấy khi có chủ trương giảm lãi suất tiền gửi thì ngay sau đó đồng loạt các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất tiền gửi , kể cả những người đã gửi trước và người gửi sau.
Lãi suất cho vay giảm chưa kịp so với lãi suất huy động (ảnh: Như Ý).
Tuy nhiên khi có chủ trương giảm lãi suất tiền vay , có trường hợp một số ngân hàng vẫn kéo dài thời gian thực hiện giảm cho đối tượng vay trong thời điểm đó, còn đối tượng vay trước thì không được giảm.
Theo đó, cử tri đề nghị NHNN giải thích và chỉ đạo giải quyết bất cập nói trên nhằm đảm bảo công bằng cho khách hàng của hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó, cử tri cũng kiến nghị có chính sách, biện pháp để các ngân hàng thương mại hạ lãi suất và tăng hạn mức cho vay đối với sản xuất, kinh doanh một cách hợp lý nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp có vốn sản xuất, kinh doanh.
Về vấn đề này, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, theo quy định hiện hành, NHNN quy định lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 6 tháng bằng VND và việc áp dụng mức lãi suất tiền gửi cụ thể là do tổ chức tín dụng (TCTD) xem xét quyết định trên cơ sở cung cầu vốn thị trường, tình hình hoạt động của TCTD; Lãi suất tiền gửi từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Trường hợp lãi suất thị trường có biến động hoặc NHNN điều chỉnh các mức lãi suất điều hành dẫn đến việc TCTD điều chỉnh tăng hoặc giảm lãi suất tiền gửi, thì khách hàng vẫn tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận đã cam kết về lãi suất cho đến ngày đến hạn khoản tiền gửi.
Về lãi suất cho vay, việc xem xét quyết định về lãi suất cho vay là do TCTD và khách hàng thỏa thuận theo cung cầu vốn thị trường và mức độ tín nhiệm của khách hàng.
“Tương tự như lãi suất tiền gửi, trường hợp TCTD điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, đối với các khoản vay mà TCTD và khách hàng đã thỏa thuận về lãi suất, thì TCTD tiếp tục áp dụng lãi suất đã thỏa thuận cho tới hết thời hạn khoản vay hoặc đến hết kỳ hạn trả lãi theo thỏa thuận cho vay giữa TCTD và khách hàng”, Thống đốc cho biết.
Hiện, NHNN đang quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam (hiện ở mức 5,5%/năm) của TCTD đối với một số lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao).
Thống đốc cho biết, NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân phục hồi sản xuất kinh doanh.
Về tăng hạn mức cho vay đối với sản xuất, kinh doanh, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, năm 2022, NHNN xây dựng định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14% và có công văn thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tới từng TCTD.
Nắm bắt nhu cầu của TCTD tăng trưởng tín dụng để cung ứng vốn cho phục hồi, phát triển kinh tế cũng như căn cứ điều kiện kinh tế vĩ mô, diễn biến thị trường và tình hình hoạt động của TCTD, từ tháng 12/2022, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng toàn hệ thống thêm khoảng 1,5%-2% và thông báo điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD có đề nghị. Đến ngày 31/12/2022, tín dụng tăng 14,17% so với cuối năm 2021 (năm 2021 là 13,61%).
Năm 2023, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15% (trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra), có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Tại Chỉ thị 01/CT-NHNN về tổ chức nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023, NHNN đã chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Tiền phong
- Lãi suất cao, dòng tiền đổ mạnh vào chứng chỉ tiền gửi
- Tiền đã rẻ hơn nhưng vì sao nhà đầu tư vẫn ngập ngừng?
- Các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất từ ngày 3/4, nhiều nhà băng còn giảm cả kỳ hạn trên 6 tháng
- Giá vàng SJC giảm, nhà đầu tư nên mua hay bán?
- Lãi suất tái cấp vốn và trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng chính thức giảm từ hôm nay 3/4