MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao loạt doanh nghiệp như VinFast, Grab, Traveloka... lần lượt chọn IPO thông qua SPAC tại Mỹ?

Vì sao loạt doanh nghiệp như VinFast, Grab, Traveloka... lần lượt chọn IPO thông qua SPAC tại Mỹ?

Thời gian vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp khu vực Đông Nam Á đã lựa chọn hình thức niêm yết thông qua SPAC (công ty mua lại với mục đích đặc biệt), thay vì phát hành lần đầu ra mắt công chúng.

Chỉ riêng trong năm 2020, khoảng 200 SPAC được công khai và huy động khoảng 64 tỷ USD tài trợ. Nhìn chung, xu hướng này được dẫn dắt phần lớn bởi các doanh nghiệp công nghệ. Lý do là SPAC mang đến cơ hội nhanh hơn trong bối cảnh dịch bệnh và cạnh tranh khốc liệt.

Thông thường, IPO truyền thống tại Mỹ sẽ mất ít nhất 6 tháng tới 1 năm chuẩn bị để các nhà chức trách đánh giá và thăm dò nhà đầu tư. Trong khi đó, sáp nhập với một SPAC có thể đẩy nhanh tiến độ. Sau khi cổ đông của SPAC phê duyệt thâu tóm, chỉ cần 3 tới 4 tháng để hoàn thành niêm yết.

Như vậy, phương án này hấp dẫn hơn hẳn với các công ty cần huy động vốn nhanh chóng. SPAC cũng tạo sự chắc chắn về số vốn mà một công ty có thể huy động do bản thân họ đã có sẵn tiền.

Vì sao loạt doanh nghiệp như VinFast, Grab, Traveloka... lần lượt chọn IPO thông qua SPAC tại Mỹ? - Ảnh 1.

Sáp nhập với SPAC ngày càng phổ biến với các công ty công nghệ mới nổi khu vực châu Á, bởi họ cần được bơm tiền nhằm tăng trưởng và theo kịp đối thủ. Bên cạnh đó, sáp nhập với SPAC cũng là cách thức tiếp cận thị trường Hoa Kỳ dễ dàng.

Tính đến 23/4, đã có 7 công ty trụ sở tại châu Á IPO tại Hoa Kỳ thông qua SPAC kể từ năm 2020. Dữ liệu của Morrison & Foerster cho hay, có thêm 8 công ty trong khu vực thông báo kế hoạch IPO qua SPAC. Theo PitchBook, tính đến 27/4, tổng cộng 14 SPAC trụ sở tại châu Á đã huy động 2,8 tỷ USD trong năm 2021, phá kỷ lục 2 tỷ USD đạt được năm 2020 và tăng mạnh so với mốc 390 triệu USD năm 2019.

Vì sao loạt doanh nghiệp như VinFast, Grab, Traveloka... lần lượt chọn IPO thông qua SPAC tại Mỹ? - Ảnh 2.

Vừa qua, hãng đặt xe công nghệ Grab Holdings đồng ý thỏa thuận phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) thông qua thương vụ sáp nhập với một SPAC là công ty liên kết của quỹ đầu tư công nghệ Altimeter Capital Management LP.

Việc sáp nhập này đẩy giá trị của Grab chạm mốc 40 tỷ USD, trở thành thương vụ liên quan tới công ty SPAC lớn nhất từ trước tới nay. Vụ sáp nhập với SPAC sẽ mở đường cho Grab niêm yết tại Hoa Kỳ. Grab cho biết họ dự định niêm yết trên sàn Nasdaq với mã GRAB sau khi thương vụ hoàn tất. Theo thỏa thuận, Grab sẽ nhận khoảng 4,5 tỷ USD tiền mặt.

Traveloka cũng đang trong giai đoạn đàm phán để IPO thông qua sáp nhập với Bridgetown Holdings, một công ty SPAC được tỷ phú Richard Li và Peter Thiel, theo Bloomberg. Định giá của Traveloka có thể đạt mốc 5 tỷ USD sau IPO. Lúc này Traveloka có định giá 1 tỷ USD.

Hay như gần đấy nhất là VinFast, công ty con về sản xuất ô tô của Tập đoàn Vingroup đã lên kế hoạch IPO tại thị trường chứng khoán Mỹ thông qua SPAC. VinFast có kế hoạch IPO với mục tiêu huy động ít nhất 2 tỷ USD. Song, mới đây nhất, hãng Reuters đưa tin thương vụ này có thể sẽ chậm hơn dự kiến.

Lý giải về điều này, Reuters cho rằng do những yếu tố bất định về việc quản lý SPAC tại Hoa Kỳ. Năm 2021, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) đã tăng cường giám sát các công ty SPAC này. Bên cạnh đó, SEC cũng quan ngại về phí, xung đột lợi ích và tiền thù lao cho người tài trợ.

Trong tương lai, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp đi theo xu hướng tương tự Grab, Traveloka hay VinFast nhờ sự bùng nổ của thị trường vốn, cũng như xu hướng sáp nhập với SPAC giúp việc IPO trở nên đơn giản hơn. Từ đó, các doanh nghiệp này sẽ được bơm lượng vốn khổng lồ từ các tập đoàn lớn, điển hình như SoftBank, Uber, Facebook, Google, Microsoft, Tencent...

Xu hướng này vẫn còn những thách thức như SPAC phải mua và thâu tóm một công ty đang hoạt động trong vòng 2 năm theo quy định niêm yết tại Hoa Kỳ, nếu không phải giải thể và trả lại vốn cho cổ đông. Nhưng nhìn chung, SPAC vẫn là một lựa chọn có tính khả thi cao cho các doanh nghiệp khu vực Đông Nam Á nhằm tiến đến thị trường Hoa Kỳ, mở rộng hoạt động và tăng trưởng doanh thu.

Anh Vũ

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên