MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Thái Lan luôn lấn lướt Việt Nam trong sản xuất và kinh doanh mía đường?

Việt Nam luôn thua kém Thái Lan về sản xuất mía đường, kể cả sản lượng và giá cả. Có những lúc, lượng đường từ Thái Lan nhập lậu vào Việt Nam quá nhiều làm các doanh nghiệp Việt Nam lao đao.

Tại cuộc hội thảo quốc tế về ngành mía đường được tổ chức tại Đà Lạt ngày 19/8/2016, ông Rangsit Hiangrat, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thai Sugar Millers đã công khai những chính sách và giải pháp kinh tế làm cho Thái Lan hơn hẳn Việt Nam trong sản xuất mía đường.

Hiện nay, giá một kg đường bán lẻ hiện nay của Thái Lan chỉ có 60 cent (tương đương 12.000 đồng). Ông Rangsit khẳng định giá đường của Thái Lan hiện nay là rẻ nhất châu Á.

Điểm qua một vài nét về ngành mía đường của Thái Lan thì đây là nước sản xuất đường nhiều nhất ASEAN với 13 triệu tấn đường và là nước duy nhất xuất khẩu ròng mặt hàng đường. Ngay cả Việt Nam tuy là nước sản xuất đường nhưng cũng phải nhập khoảng 420.000 tấn đường mỗi năm.

Ông Rangsit Hiangrat, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thai Sugar Millers
Ông Rangsit Hiangrat, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thai Sugar Millers

Điều gì đã làm cho Thái Lan trở thành một trong những nhà xuất khẩu đường nhiều nhất thế giới? Thành công này không thể không kể đến sự hỗ trợ triệt để của chính phủ Thái Lan với các chính sách phát triển ngành đường. Nỗ lực này được thể hiện bằng việc ban hành Đạo luật Mía Đường vào năm 1984.

Sau khi Đạo luật được ban hành, sản lượng mía đường của Thái Lan tăng dần theo các năm và đến mùa vụ 2014-2015, Thái Lan thu hoạch được 94 triệu tấn mía và sản xuất được 13 triệu tấn đường, so với khoảng 10 triệu tấn mía và 2 triệu tấn đường vụ mùa 1983-1984.

Cụ thể, Đạo luật Mía Đường 1984 nêu rõ mối quan hợp hợp tác chặt chẽ giữa ba bên bao gồm nông dân, doanh nghiệp và chính phủ. Nền tảng của bộ luật này bao gồm việc phân rõ mức chia lợi nhuận giữa người trồng mía/doanh nghiệp là 70/30, kiểm soát giá đường trong nước ở mức thấp (23,5 baht/kg đường trắng và 22,5 baht/kg đường tinh), phân bổ hạn ngạch sản xuất đường dùng trong nước và đường xuất khẩu đến từng nhà máy.

Tác động của Đạo luật Mía Đường ban hành năm 1984 lên ngành mía đường Thái Lan.
Tác động của Đạo luật Mía Đường ban hành năm 1984 lên ngành mía đường Thái Lan.

Trong lúc đó, giá mía đường ở Việt Nam gần như bị “thả nổi”, lúc giá mía tăng cao thì nông dân đua nhau trồng mía, lúc giá hạ thì nông dân chặt mía trồng cây khác. Nhà nước không có biện pháp gì để bảo về quyền lợi của nguời nông dân cũng như quyền lợi của người tiêu dùng khi đường được đưa đến bàn ăn. Có lúc thiếu đường, năm 2014, Phó Thủ tướng Chính phủ lúc đấy là ông Nguyễn Xuân Phúc đã cho Hoàng Anh Gia Lai nhập 50.000 tấn đường từ Lào với thuế suất ưu đãi 2,5% trong hạn ngạch.

Thái Lan cũng phải đối mặt với những vấn đề như dân số phát triển quá nhanh, biến đổi khí hậu và tình trạng sâu bệnh đe doạ sự phát triển của ngành mía đường. Do đó, chính phủ đã xác định Thái Lan cần có những biện pháp cung cấp nguyên liệu bền vững và phát triển công nghệ tinh luyện nhiên liệu sinh học để đối phó với thay đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu nguyên liệu và năng lượng.

Bằng việc xúc tiến quan hệ đối tác công tư, Thái Lan đã có ngành mía đường tăng trưởng toàn diện, đồng thời phát triển nguồn nhân lực và tăng cường năng lực cạnh tranh của quốc gia. Chương trình này áp dụng các biện pháp phát triển thuỷ lợi, cơ giới hoá, đa dạng hoá sản phẩm, đồng thời nghiên cứu và phát triển giống mới để theo đúng lộ trình phát triển ngành mía đường của chính phủ Thái Lan.

Giá đường Việt Nam cao là do Hiệp hội mía đường Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất đường chưa quan tam nghiên cứu, đầu tư, chưa xây dựng vùng nguyên liệu và chính sách hỡ trợ nông dân trồng mía. Ngoài ra, các giống mía đang được trồng ở Việt Nam có năng suất thấp, quy mô nhà máy nhỏ.

Ngoài đường, Thái Lan còn tận dụng được cây mía để tạo ra các phụ phẩm như ethanol, các loại acid và men dùng trong chế biến thực phẩm và sử dụng bã mía làm nguồn năng lượng sinh học. Đặc biệt, Thái Lan tập trung đẩy mạnh sản xuất ethanol từ mía với mục tiêu phát triển nguồn năng lượng sinh học, trong đó ethanol sẽ chiếm đến 25% vào năm 2064. Hiện nay, Thái Lan sản xuất được 3,5 triệu lít ethanol/năm. Mục tiêu của họ là sẽ sản xuất được 7 triệu lít/năm vào 2026 và 11,3 triệu lít/năm vào 2035.

Ngoài ra, họ cũng sẽ áp dụng công nghệ phát điện cao áp cho các nhà máy đường với sản lượng 1300MW vào năm 2018 và 1880MW vào năm 2021. Trong khi đó, lãng phí rất lớn của toàn ngành mía đường Việt Nam là chỉ sản xuất được 5% đến 7% năng lượng sinh học từ cây mía và việc này chỉ được làm ở tập đoàn Thành Thành Công.

Tóm lại, thành công của ngành mía đường Thái Lan là do chính phủ có tầm nhìn dài hạn, liên tục đổi mới và phát triển, phối hợp chặt chẽ giữa các bên công – tư và có sự liên thông giữa các ngành công nghiệp trong chuỗi giá trị kinh tế sinh học. Chính phủ Việt Nam sẽ cần phải học tập Thái Lan và có những biện pháp triệt để để ngành mía đường Việt Nam nâng cao hiệu quả cạnh tranh trong khu vực và thế giới.

Theo Xuân Hạ

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên