MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao trả nợ trước hạn lại bị phạt?

08-12-2021 - 15:30 PM | Tài chính - ngân hàng

Vì sao trả nợ trước hạn lại bị phạt?

Không chỉ bị phạt phí trả nợ trước hạn mà khách hàng có thể bị thu hồi khoản lãi suất ưu đãi. Vậy vì sao thanh toán muộn bị phạt, mà thanh toán khoản vay sớm hơn cũng bị phạt phí? Phí phạt trả nợ trước hạn đang như thế nào?

Khi vay vốn ngân hàng, ai cũng sẽ muốn hoàn thành kế hoạch trả nợ đúng hạn và đúng quy định vay vốn để không bị rơi vào nợ xấu. Với tình hình tài chính khả quan hơn dự kiến, nhiều người còn muốn tất toán, trả nợ hết toàn bộ gốc và lãi trước khi khoản vay đến hạn. Tuy nhiên, khi trả nợ trước hạn, khách hàng sẽ phải chịu một khoản phí. 

Vậy vì sao lại có thu phí phạt khi trả nợ trước hạn? Đây là điều mà nhiều người thắc mắc, thanh toán muộn bị phạt, mà thanh toán sớm hơn cũng bị phạt phí. 

Trả nợ trước hạn là việc khách hàng muốn hoàn tất trả khoản vay gốc ngay tại một thời điểm, sớm hơn so với thời hạn được ghi trên hợp đồng tín dụng của mình và ngân hàng. Và phí trả nợ là số tiền mà khách hàng phải bỏ ra thêm khi thanh toán trước vì đã không thực hiện đúng cam kết. Mức phí này được thỏa thuận khi vay vốn và được thể hiện rõ ràng trong hợp đồng vay. Tuỳ vào thời điểm trả nợ cùng hình thức vay với ngân hàng và tổ chức tài chính mà có cách tính phí khác nhau.

Lý do là vì các tổ chức tín dụng phải cân đối vốn huy động, lãi suất và kỳ hạn... . Do đó, họ sẽ thu phí đối với khách hàng không thực hiện theo cam kết. Ngoài việc thu phí trả nợ trước hạn, các tổ chức tài chính còn nhiều khoản phạt khác như trả nợ quá hạn, lãi chậm trả, thu hồi khoản lãi suất ưu đãi trả nợ trước hạn.

Lấy ví dụ khách hàng vay tiền từ ngân hàng với thời hạn 10 năm. Tuy nhiên đến năm thứ 3 thì người vay muốn trả hết tiền vay trước cho ngân hàng. Ngân hàng sẽ bị đẩy vào thế bị động về dòng tiền và nguồn lợi nhuận thu được không như dự tính vì khách trả nợ quá sớm. Vì vậy, ngân hàng sẽ thu phí phạt để bù lại phần nào cho khoản chênh lệch này. 

Vấn đề thu phí trả nợ trước hạn là biện pháp cần thiết và phù hợp với thực tế kinh tế thị trường. Bởi vì khi các tổ chức tín dụng nói chung và các công ty tài chính nói riêng thực hiện hợp đồng vay vốn, buộc họ phải cân đối nguồn vốn huy động của mình cả về lãi suất và kỳ hạn để đáp ứng yêu cầu của khoản vay.

Ngay trong thời hạn cho vay theo hợp đồng tín dụng đã ký với khách hàng, các tổ chức tín dụng vẫn phải trả lãi, chi phí cho các nguồn vốn mà họ đã huy động. Để bù đắp những khoản chi phí phát sinh, những rủi ro về lãi suất, cũng như cân đối nguồn vốn, các tổ chức tín dụng buộc phải thu phí khi khách hàng tất toán trước hạn.

Việc trả nợ trước hạn được quy định tại Điều số 478 Luật dân sự năm 2005: "Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, nếu không có thỏa thuận khác. Bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý, còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên đi vay đồng ý."

Tùy vào mỗi tổ chức tài chính sẽ có mức phí phạt trả nợ trước hạn khác nhau và cách tính khác nhau. Thông thường phí phạt trả nợ trước hạn sẽ rơi vào khoảng từ 1 tới 5%/năm trên tổng tiền trả nợ trước, tuỳ vào thời gian trả sớm hơn. 

Phí trả nợ trước hạn = Tỷ lệ phí trả nợ trước hạn x Số tiền trả trước. Trong đó, tỷ lệ phí trả nợ trước hạn là số % sẽ bị phạt được ghi trong hợp đồng. Số tiền trả trước là số tiền khách hàng còn vay và giờ trả hết (số tiền còn nợ).

Tuy trả nợ trước hạn bị phạt một khoản tiền nhưng tốt nhất khi có điều kiện, khách hàng nên thanh toán càng sớm càng tốt khoản vay ngân hàng, tránh tình trạng “lãi mẹ đẻ lãi con”. Khách hàng cũng nên nghiên cứu kỹ trước khi ký hợp đồng, đặc biệt lưu ý tới mức phí tất toán trước hạn, phí nợ quá hạn và phí thanh toán trễ.

Thanh Anh (TH)

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM