MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Vietcombank luôn dẫn đầu giảm lãi suất và các gói tín dụng ưu đãi?

01-06-2023 - 17:30 PM | Tài chính - ngân hàng

Vì sao Vietcombank luôn dẫn đầu giảm lãi suất và các gói tín dụng ưu đãi?

Điều gì giúp Vietcombank duy trì lãi suất cho vay ở mức thấp so với các ngân hàng khác trong hệ thống? Không những vậy, ngân hàng còn liên tục dẫn đầu trong các đợt giảm lãi suất và triển khai các gói tín dụng ưu đãi.

Trong những tháng gần đây, làn sóng giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay đã lan rộng trong toàn ngành ngân hàng. Đặc biệt, động thái này càng mạnh mẽ hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành 3 lần liên tiếp và có các chỉ đạo yêu cầu giảm lãi suất cho vay.

Trên thực tế, không phải mới đây mà một số nhà băng đã tiên phong giảm lãi suất ngay từ những ngày làm việc đầu tiên năm 2023. Thậm chí như tại Vietcombank, trước khi kết thúc năm 2022, nhà băng này đã có kế hoạch giảm lãi suất cho năm 2023. Trong một sự kiện tổng kết cuối năm 2022, lãnh đạo Vietcombank cho biết, từ 1/1/2023 đến 30/4/2023, ngân hàng giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay cho tất cả các khách hàng cá nhân và tổ chức có dư nợ cũ và dư nợ mới tại ngân hàng. Và điều này đã được triển khai lập tức ngay sau đó, đưa lãi suất cho vay của Vietcombank vốn đã thấp nhất lại còn thấp hơn nữa.

Đầu tháng 5, Vietcombank tiếp tục tuyên bố tiếp tục giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay cho toàn bộ khoản tín dụng của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong 3 tháng từ 1/5-31/7/2023.

Không những vậy, Vietcombank cùng 3 ngân hàng quốc doanh khác cũng tham gia vào gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với mức lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2,0 điểm % so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân trên thị trường.

Trước đó, trong và sau thời gian dịch Covid-19, Vietcombank cũng nhiều lần là ngân hàng tiên phong công bố giảm lãi suất cho vay với quy mô lớn. Thậm chí, nhà băng này còn chủ động giảm để hỗ trợ khách hàng mà chưa cần Ngân hàng Nhà nước đề xuất hay yêu cầu.

Cụ thể, năm 2020, Vietcombank đã triển khai hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vay vốn thông qua 5 lần giảm lãi suất đối với khách hàng trực tiếp hoặc gián tiếp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tổng số tiền chia sẻ lợi nhuận cắt giảm tới 3.700 tỷ đồng. Tiếp theo năm 2021, Vietcombank có 4 đợt giảm lãi suất cho vay, đặc biệt là đối với doanh nghiệp, người dân ở địa bàn 19 tỉnh, thành phố phía Nam áp dụng giãn cách xã hội kéo dài. Tổng số tiền lãi mà Vietcombank hỗ trợ khách hàng trên toàn quốc năm 2021 lên tới 7.100 tỷ đồng. Năm 2022, thực hiện định hướng của Chính Phủ và chỉ đạo của NHNN, nhằm hỗ trợ KH nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, Vietcombank đã triển khai chính sách giảm lãi suất cho vay tới 1%/năm đối với khoản vay của KH trong 2 tháng cuối năm 2022, tổng số KH được giảm lãi suất xấp xỉ là 175 ngàn KH với quy mô tín dụng hơn 500 ngàn tỷ đồng, chiếm gần 50% dư nợ hiện hữu tại Vietcombank.

Hành động nhanh, quyết liệt, đón đầu thị trường và triển khai các chính sách trên quy mô lớn mà Vietcombank thực hiện trong 3 năm qua là điều rất ít ngân hàng trong hệ thống có thể theo kịp.  Số tiền mà Vietcombank "cắt" ra để giảm lãi suất cho khách hàng 3 năm qua là hàng chục nghìn tỷ đồng, bằng lợi nhuận của những ngân hàng tầm trung hàng đầu.

Vì sao Vietcombank luôn dẫn đầu giảm lãi suất và các gói tín dụng ưu đãi? - Ảnh 1.

Bất kỳ xu hướng nào cũng cần có những người tiên phong. Sự chủ động của Vietcombank trong các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã góp phần tạo nên sự lan toả trong ngành. Trong 3 năm qua, không chỉ Vietcombank mà hàng loạt ngân hàng sau đó, bao gồm cả ngân hàng quốc doanh và ngân hàng tư nhân lớn, nhỏ đều tham gia vào xu hướng cắt giảm lợi nhuận để hạ lãi suất.

Vậy vì sao cái tên Vietcombank lại nổi bật như người dẫn đầu như vậy? Trước hết, Vietcombank là một trong 2 ngân hàng lâu đời nhất Việt Nam, được thành lập từ năm 1963. Trong 60 năm hình thành và phát triển, Vietcombank là ngân hàng thương mại có vốn chi phối bởi Nhà nước, ngoài việc đảm bảo hoạt động kinh doanh an toàn hiệu quả thì Vietcombank còn có nhiệm vụ thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước trong thúc đẩy phát triển nền kinh tế.

Để làm được những điều này, Vietcombank đã xây dựng cho mình nguồn lực và vị thế vững chắc trong hệ thống. Trong nhiều năm gần đây, ngân hàng không chỉ dẫn đầu về khả năng sinh lời mà còn luôn nằm trong nhóm có chất lượng tài sản tốt nhất, năng lực quản trị rủi ro cao nhất. Vietcombank triển khai Basel II từ năm 2012 và trở thành ngân hàng đầu tiên đáp ứng các chuẩn mực quốc tế này từ năm 2018. Cuối quý 1/2023, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank chỉ ở mức 0,85%, thuộc top thấp nhất hệ thống. Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu của ngân hàng đạt 321%, cao nhất thị trường và tạo cho Vietcombank "bộ đệm" dày chống chọi với các cú sốc nếu có xảy ra. Hơn nữa, chiến lược thận trọng giúp cơ cấu tài sản của Vietcombank có độ an toàn cao, ngân hàng có giá trị tài sản thế chấp/tổng giá trị cho vay đạt trên 180%.

Vì sao Vietcombank luôn dẫn đầu giảm lãi suất và các gói tín dụng ưu đãi? - Ảnh 2.

Vietcombank là một trong những thương hiệu uy tín bậc nhất trong hệ thống ngân hàng. Uy tín đó giúp Vietcombank có thể huy động tiền gửi với chi phí thấp hơn rất nhiều. Nhìn lại đợt lãi suất tiền gửi tăng "nóng" trên thị trường cuối năm 2022, Vietcombank là một trong những ngân hàng tăng muộn nhất và cũng điều chỉnh ít nhất. Ngân hàng luôn có lãi suất tiết kiệm thấp so với các đối thủ, nhưng vẫn là địa chỉ gửi tiền đáng tin cậy của hàng triệu người dân, doanh nghiệp, giúp Vietcombank duy trì tăng trưởng huy động vốn hàng năm ổn định, phù hợp.

Ngoài ra, Vietcombank là ngân hàng có quy mô tiền gửi không kỳ hạn lớn nhất (đạt hơn 368 nghìn tỷ đồng vào cuối quý 1/2023). Nguồn vốn rẻ này sẽ còn tăng trưởng mạnh do Vietcombank liên tục ứng dụng công nghệ hiện đại và miễn phí dịch vụ để nâng cao trải nghiệm người dùng.

Đây là những tiền đề quan trọng giúp chi phí vốn của Vietcombank được ổn định, tạo điều kiện cho ngân hàng cung cấp các khoản vay với lãi suất thấp, tránh tạo ra các cú sốc về chi phí tài chính cho khách hàng. Ngân hàng cũng hiểu rằng, việc giảm lãi suất cho vay hay các chương trình tín dụng ưu đãi không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà đó cũng là điều ngân hàng cần làm để cùng phát triển với người dân, doanh nghiệp, một cách bền vững không chỉ trong 60 năm qua và trên chặng đường sắp tới.

Ánh Dương

Tổ Quốc

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên