MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao VN-Index giảm gần 10 điểm với thanh khoản lao dốc trong phiên đầu tuần?

Vì sao VN-Index giảm gần 10 điểm với thanh khoản lao dốc trong phiên đầu tuần?

Tuy nhìn nhận áp lực điều chỉnh vẫn chưa chấm dứt, song ông Minh cho rằng lực cầu sẽ quay trở lại khi thị trường điều chỉnh về mức hợp lý.

Sau cú lao dốc bất ngờ vào cuối tuần trước khi tin hạ lãi suất công bố, VN-Index tiếp tục giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần. Tâm lý thận trọng bao trùm khiến chỉ số giao dịch ảm đạm, có thời điểm chỉ số giảm hơn 10 điểm. Dù kết phiên đà giảm phần nào thu hẹp, song độ rộng thị trường vẫn nghiêng hẳn về bên bán với 645 mã giảm, gấp gần 3 lần so với mã tăng giá.

Đóng cửa phiên, VN-Index giảm 9,82 điểm (tương đương 0,88 %) xuống 1.105 điểm. Điều đáng nói là thanh khoản cũng giảm mạnh sau phiên giao dịch bùng nổ, giá trị khớp lệnh trên HOSE đạt 12.400 tỷ đồng, giảm 39% so với cuối tuần trước.

Vì sao VN-Index giảm gần 10 điểm với thanh khoản lao dốc trong phiên đầu tuần? - Ảnh 1.

Bình luận về diễn biến trên, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận thị trường không có nhiều tin xấu, chủ yếu là do tin tốt đã ra gần hết. Một số thông tin thị trường kỳ vọng như Fed tạm ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6, NHNN lần thứ 4 giảm lãi suất đã xảy ra, khi kỳ vọng thành hiện thực thì nhà đầu tư chỉ tìm lý do để bán. Ngoài ra, tâm lý nhà đầu tư vẫn đang thận trọng trước kết quả kinh doanh quý 2 dự báo không mấy sáng sủa sắp được công bố.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng việc cổ phiếu penny tăng mạnh đã quay đầu giảm, nhiều mã mất thanh khoản cũng ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Trong khi nhóm cổ phiếu midcap, penny gặp áp lực điều chỉnh, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng "xịt hơi" khiến thị trường không còn lực đỡ.

Lý giải về việc thanh khoản giảm mạnh so với phiên trước đó, chuyên gia Yuanta cho rằng dòng tiền ETF cơ cấu danh mục đẩy thanh khoản cuối tuần trước lên mức cao, song đây cũng không phải mức quá thấp. Thanh khoản sụt giảm trong phiên hôm nay cũng một phần do nhà đầu tư vẫn chưa dám xuống tiền “bắt đáy” sau khi trải qua phiên phân phối đỉnh diễn ra cuối tuần trước.

Tuy nhìn nhận áp lực điều chỉnh vẫn chưa chấm dứt, song ông Minh cho rằng lực cầu sẽ quay trở lại khi thị trường điều chỉnh về mức hợp lý. Những nhà đầu tư đã chốt lời để hiện thực hóa lợi nhuận có thể sẽ “canh” nhịp điều chỉnh để tham gia trở lại.

Mặt khác, từ đây đến hết tháng 6, thị trường sẽ đón nhận một lượng tiền đến từ kênh tiết kiệm cao sắp đáo hạn. Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm đang có xu hướng giảm nhanh chóng, dòng tiền này sẽ đóng vai trò là trụ đỡ khá tốt cho thị trường chứng khoán.

“Dù 1.100 điểm vẫn là vùng hỗ trợ của chỉ số, song mức hỗ trợ cứng là ngưỡng 1.090 – 1.095 điểm”, ông Nguyễn Thế Minh dự báo.

Vị chuyên gia cũng cho rằng thị trường khó có khả năng giảm sâu hơn trong ngắn hạn vì dòng tiền đang vận động khá tốt và vẫn đang xoay tua tìm cơ hội trong bối cảnh các kênh đầu tư đều gặp khó. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ vay/vốn hóa vẫn đang duy trì mức ổn định. Cụ thể, tỷ lệ nợ vay/ vốn chủ của các CTCK đang ở mức thấp (dưới mức đáy 2020) trong bối cảnh các CTCK đã tăng vốn mạnh trong thời điểm năm 2021-2022. Như vậy, dư địa nguồn vốn để hỗ trợ cho margin vẫn còn rất lớn.

Bên cạnh đó, chất lượng các khoảng margin hiện khá an toàn vì các CTCK cũng đang e ngại rủi ro trong hoạt động cho vay. Thông thường, nhóm BĐS chiếm tới 40-45% dư nợ margin của các CTCK, nhưng sau cú sụt giảm mạnh năm 2022 của nhóm BĐS thì nhiều CTCK đã hạn chế cho vay ở nhóm này và việc tăng dư nợ thực tế ở nhóm này vẫn còn thấp ở thời điểm hiện tại. Tất nhiên, lượng margin ở nhóm BĐS cũng đang có khuynh hướng tăng lại trong thời gian gần đây, nhưng chưa phải ở mức cao.

Chuyên gia: Nhịp điều chỉnh sẽ sớm xuất hiện, VN-Index chưa sẵn sàng cho một cuộc "chạy nước rút"

Hạ Anh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên