MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Zalo, Telegram cần được quản lý như dịch vụ viễn thông?

25-03-2023 - 17:30 PM | Kinh tế số

Vì sao Zalo, Telegram cần được quản lý như dịch vụ viễn thông?

Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất, dịch vụ OTT như Zalo, Telegram có thể được coi là dịch vụ viễn thông và cần quản lý theo Luật Viễn thông.

Luật Viễn thông (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5 - 6/2023.

Theo tờ trình của cơ quan soạn thảo bộ luật này (Bộ Thông tin và Truyền thông), mục tiêu chính của việc sửa đổi luật lần này là nhằm nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên viễn thông.

Đồng thời, thúc đẩy và huy động các thành phần kinh tế tham gia xây dựng phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ, và giải quyết các bất cập hạn chế trong thực thi Luật thời gian vừa qua.

Đáng chú ý, trong tờ trình Chính phủ về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, dịch vụ cung cấp tính năng tương tự dịch vụ viễn thông như gọi điện, nhắn tin cần được coi là dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet.

Nêu ví dụ Zalo, Viber, Telegram, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, các OTT này đang được sử dụng thay thế dịch vụ viễn thông truyền thống, được gọi là OTT viễn thông. Trong khi pháp luật hiện hành chưa có quy định quản lý, dẫn đến không bảo đảm quyền lợi của người sử dụng, an toàn, an ninh thông tin.

Trên thế giới đã có một số khu vực, quốc gia (châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc) đã phân loại dịch vụ này là dịch vụ viễn thông và thực hiện quản lý theo pháp luật về viễn thông.

Do vậy, dự thảo luật sẽ đưa ra các quy định quản lý trên nguyên tắc: Tạo điều kiện thúc đẩy các dịch vụ trong nước phát triển; tạo môi trường pháp lý bình đẳng, tránh tình trạng bảo hộ ngược giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới đến người sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam; bảo vệ quyền lợi người dùng và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất quản lý bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Cụ thể, với dịch vụ OTT viễn thông có thu cước, nhà cung cấp trong nước phải có giấy phép, còn nhà cung cấp xuyên biên giới phải thông qua thỏa thuận thương mại với một nhà cung cấp được cấp phép trong nước.

Trường hợp dịch vụ OTT viễn thông không thu cước, nhà cung cấp cần thông báo, đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông. Những hãng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có quy mô lớn (dựa trên số lượng người sử dụng dịch vụ hoặc phát sinh lưu lượng dịch vụ tại thị trường Việt Nam) phải thông qua thỏa thuận thương mại hoặc đặt văn phòng đại diện ở Việt Nam để giải quyết các vấn đề liên quan đến người dùng, đảm bảo tuân thủ pháp luật.

Theo Quỳnh Nga

Công Thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên