MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Săn" người ngay trên xứ người: Khó hay dễ?

23-02-2013 - 09:04 AM |

Phương thức hữu hiệu giúp doanh nghiệp phần mềm Việt tăng khả năng chinh phục một trong những thị trường "khó tính" bậc nhất.

Tuyển nhân sự ngay tại Nhật Bản để đáp ứng nhu cầu nhân lực làm phần mềm cho khách hàng Nhật đang được xem là phương thức hữu hiệu giúp doanh nghiệp phần mềm Việt tăng khả năng chinh phục một trong những thị trường "khó tính" bậc nhất.

Việc nhiều, chỉ lo thiếu người làm

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu - gia công phần mềm Việt Nam, từ rất lâu nay, cơ hội từ thị trường Nhật Bản luôn rộng mở, vấn đề là doanh nghiệp phần mềm Việt có đủ nhân lực để thực hiện các đơn hàng cho khách hàng Nhật hay không.

Theo tìm hiểu của phóng viên ICTnews, đã và đang có tình trạng doanh nghiệp Việt làm không xuể các đơn hàng từ Nhật vì thiếu nhân lực. Ngay cả doanh nghiệp hàng đầu như FPT cũng đã từng lâm vào cảnh có rất nhiều dự án nhưng không tìm nổi người để triển khai.

Bàn về vấn đề này, ông Ngô Văn Toàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Global Cybersoft nói: “Nhật tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam nhưng chúng ta đừng vội mừng vì họ rất cẩn thận trong phân tích cơ hội, chi phí đầu tư. Việt Nam vẫn chưa có sự chuẩn bị, ít nhất là về nhân lực biết tiếng Nhật để tạo ra đột phá về ngôn ngữ so với các nước châu Á khác. Trên thực tế, kỹ sư phần mềm mới ra trường biết tiếng Nhật có thể nhận được lương bằng với kỹ sư 5 năm kinh nghiệm mà vẫn không tìm được người”.
Trong lúc “bài toán” nhân lực của ngành phần mềm Việt vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng, thì nhu cầu nhân sự làm cho các dự án phục vụ thị trường/khách hàng Nhật vẫn tiếp tục tăng.

Với những biến động về chính trị gần đây, khi Trung Quốc và Nhật Bản phát sinh mâu thuẫn về vấn đề chủ quyền lãnh thổ, đang có xu hướng doanh nghiệp Nhật chuyển hướng đặt hàng gia công phần mềm khỏi Trung Quốc và tìm đến những thị trường khác. Theo nhiều chuyên gia đánh giá thì đây chính là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam “gặt hái” được thêm nhiều đơn hàng từ khách hàng Nhật Bản.

Trao đổi với phóng viên ICTnews, ông Nguyễn Thành Lâm, Tổng Giám đốc FPT Software cho biết: FPT Software mở công ty tại Nhật Bản vào năm 2005. Từ đó tới nay, doanh thu từ thị trường Nhật Bản luôn đóng góp hơn 50% tổng doanh thu, và Nhật Bản luôn được xác định là thị trường trọng tâm trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Dự kiến, năm 2013, FPT Software cần khoảng 1.500 - 2.000 nhân viên, chủ yếu là lập trình viên, phiên dịch viên đáp ứng nhu cầu khách hàng Nhật Bản.

Tuyển nhân viên ngay ở xứ người

Đặc điểm của thị trường Nhật Bản khác với thị trường Âu, Mỹ là cần rất nhiều kỹ sư cầu nối biết nói tiếng Nhật, hiểu văn hóa Nhật và sẵn sàng ngồi làm việc ngay tại trụ sở của khách hàng Nhật. Bên cạnh việc tăng cường đào tạo tiếng Nhật cho sinh viên CNTT, lập trình viên ở Việt Nam, thì việc tuyển dụng nhân sự ở chính xứ sở hoa anh đào là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay để đáp ứng nhu cầu vừa nêu.

“Ngay từ ngày đầu thành lập công ty tại Nhật Bản, FPT đã có chủ trương tuyển dụng nhân sự tại thị trường Nhật. Nhiều năm qua, FPT Software thực hiện các chương trình tuyển dụng tại Nhật Bản qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có việc tham gia Hội chợ việc làm Vysa Jobfair, Hội chợ việc làm cho thanh niên, sinh viên Việt Nam lớn nhất tại Nhật Bản. Hiện tại, 90% số nhân sự tuyển tại Nhật Bản là người Việt Nam học tập và sinh sống tại Nhật, 10% còn lại là người Nhật. Trong thời gian tới, công ty sẽ ưu tiên phát triển nhân sự người Nhật, đặc biệt là những kỹ sư có chất lượng cao”, ông Lâm chia sẻ.

Riêng trong năm 2013 này, để có đủ số lượng 1.500 - 2.000 nhân viên làm các đơn hàng của Nhật Bản, FPT Software sẽ song song tuyển dụng cả ở Việt Nam và Nhật Bản. Trong đó, riêng tại Nhật Bản dự kiến sẽ tuyển 50 kỹ sư và cán bộ kinh doanh.

Theo ông Lâm, lợi ích lớn nhất của việc tuyển dụng tại Nhật Bản là có thể tuyển được những nhân viên có tiếng Nhật tốt, đã nhiều năm sinh sống và làm việc tại Nhật. Những nhân sự được tuyển dụng ở Nhật thường có thể sẵn sàng tham gia dự án ngay, giảm được rất nhiều thời gian và chi phí đào tạo. Bên cạnh đó, phần lớn nhân sự này có nguyện vọng ở Nhật lâu dài và sẽ trở thành đội ngũ nòng cốt của FPT Software Nhật Bản trong tương lai.

Tuy nhiên, việc tuyển dụng tại Nhật cũng vấp phải những khó khăn. Ông Lâm dẫn chứng cụ thể: “Các công ty Nhật trong quá trình toàn cầu hóa cũng đang rất tích cực tuyển nhân sự nước ngoài. Vì thế, FPT phải cạnh tranh về nhân lực với các tập đoàn lớn hàng đầu của Nhật Bản. Hoặc một khó khăn khác là số lượng người Việt Nam tại Nhật theo học và làm ngành CNTT cũng chưa nhiều”.

Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã đưa ra sáng kiến tuyển sinh - tuyển dụng (tuyển sinh kết hợp tuyển dụng) để giải quyết thách thức nhân lực làm phần mềm cho các dự án/đơn hàng của Nhật Bản. Theo đó, các công ty Nhật Bản có thể đặt hàng trực tiếp với các trường đại học Việt Nam, sau đó các trường sẽ đào tạo, đáp ứng yêu cầu về ngôn ngữ, phương thức và kỹ năng làm việc của người Nhật, đảm bảo sinh viên có thể làm việc được ngay sau khi ra trường. Đại học FPT là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam áp dụng mô hình này.

Theo Ngọc Mai
ICT News

tanhoa

Trở lên trên