MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Viện Nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak: Việt Nam rất dễ bị tổn thương trước các cuộc khủng hoảng toàn cầu

Theo Viện Nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong những năm vừa qua phụ thuộc rất lớn vào đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xuất khẩu, đặc biệt trong năm 2019, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 67,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong báo cáo do Viện Nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak công bố gần đây, các chuyên gia cho rằng cơ cấu kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giúp Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, Việt Nam cần tăng cường năng lực sản xuất trong nước và xuất khẩu để đề phòng trước các cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Theo đó, thành viên của viện, TS. Lê Hồng Hiệp nhấn mạnh rằng Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực trong hơn 30 năm kể từ khi áp dụng cải cách kinh tế dựa trên thị trường vào năm 1986. Từ một quốc gia biệt lập và là một trong những nước kém phát triển, Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh và năng động nhất trên thế giới.

TS. Lê Hồng Hiệp cho biết, kim ngạch ngoại thương của Việt Nam tăng từ 5,16 tỷ USD năm 1990 lên 480,94 tỷ USD năm 2018. Bên cạnh đó, hoạt động ngoại thương và FDI của Việt Nam trong hơn 30 năm qua đã khiến Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế cởi mở nhất trên toàn cầu. Năm 2017, tỷ lệ thương mại so với GDP của Việt Nam là 200,4%, cao thứ 6 trên thế giới.

Ông khẳng định, sự cởi mở đối với thương mại và FDI của Việt Nam nhờ vào những chiến lược về kinh tế.

TS. Lê Hồng Hiệp nhận định: "Các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cho rằng bằng cách hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu và tăng cường quan hệ kinh tế với các cường quốc, Việt Nam có thể gắn lợi ích kinh tế của mình với các đối tác, từ đó khuyến khích họ bảo vệ lợi ích của Việt Nam".

Ngoài ra, ngoại thương và FDI giúp tạo công ăn việc làm cũng như nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động, đóng góp vào nguồn thu thuế và tăng thu nhập của người lao động, ông nói thêm.

Tuy nhiên, hiện nay, các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia lo ngại rằng việc Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu và FDI có thể gây ra những vấn đề tiềm ẩn cho đất nước, khiến Việt Nam "rất dễ bị tổn thương trước các cuộc khủng hoảng toàn cầu".

TS. Lê Hồng Hiệp chỉ ra rằng đây là một mối quan ngại chính đáng, đặc biệt trong bối cảnh thương mại quốc tế, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn do đại dịch Covid-19 gây ra và căng thẳng thương mại Mỹ Trung ngày càng gia tăng.

Điều đáng chú ý là, mặc dù các công ty có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 20,3% GDP của Việt Nam, nhưng họ đóng góp tỷ lệ lớn, chiếm 67,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2019.

Theo TS. Lê Hồng Hiệp, giải pháp quan trọng hiện nay chính là tăng cường năng lực sản xuất và xuất khẩu của các tập đoàn trong nước để họ có thể đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế.

Biện pháp tiếp theo đó là khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân mở rộng kinh doanh, đặc biệt đối với các lĩnh vực sản xuất và công nghệ cao, nhằm tăng cường nền tảng công nghiệp trong nước của Việt Nam. Điều này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam mà còn tạo ra nhiều mặt hàng xuất khẩu hơn cho Việt Nam.

Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cũng được khuyến khích và hỗ trợ hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, giúp doanh nghiệp nắm bắt vai trò lớn hơn trong nền kinh tế về lâu dài, TS. Lê Hồng Hiệp kết luận.

Q.L

Business Times

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên