Việt Nam - điểm sáng của hàng không thế giới sau đại dịch
Trở lại sau dịch, hàng không Việt tăng tốc phục vụ khách hàng - Ảnh: C.TRUNG
Sau đại dịch COVID-19, hàng không toàn cầu bứt tốc trở lại trong mùa cao điểm du lịch khiến tình trạng quá tải, hoãn hủy chuyến kéo dài, hành lý thất lạc... xuất hiện thường xuyên.
- 25-09-20225 mặt hàng có tốc độ tăng giá trị xuất khẩu lớn nhất nửa đầu tháng 9 năm 2022
- 25-09-2022Không “hy sinh” tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần
- 25-09-2022Chuyên gia quốc tế: Việt Nam là một trong những 'tam giác vàng khởi nghiệp' của Đông Nam Á cùng với Singapore, Indonesia
Trong lúc ngành hàng không ở nhiều quốc gia chật vật giải quyết vấn đề trên, hàng không Việt Nam được nhìn nhận là "điểm sáng" khi các hãng bay nỗ lực tăng chuyến, nâng cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu tăng nóng sau đại dịch.
Chật vật ở sân bay nước ngoài
Thay vì chuyến bay thẳng từ Phần Lan sang Pháp, gia đình chị Hoàng Duyên cho biết đã có một trải nghiệm "nhớ đời" khi di chuyển bằng hàng không ở nước ngoài vì sự đột ngột thay đổi hành trình bay sát giờ.
Khi chị ra tới sân bay Helsinki Vantaa làm thủ tục thì nhân viên thông báo chuyến bay phải dời lại ba tiếng, thay đổi hành trình bay thẳng sang quá cảnh. Theo đó, từ sân bay ở Helsinki Vantaa bay sang Copenhagen của Đan Mạch, sau đó mới tới Pháp. Hãng bay giải thích đã gửi email thông báo trước giờ bay hai tiếng, lý do phi hành đoàn ốm đột ngột.
Anh N.H.Đ. (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho hay dịp hè đi cùng với gia đình sang châu Âu, trong đó di chuyển qua Amsterdam (Hà Lan) và chứng kiến cảnh hàng không hỗn loạn. Hàng trăm hành khách xếp hàng dài trước nhà ga. Thậm chí trước lối vào sân bay cũng đông nghẹt người. "Rất đông khách đứng đợi hàng km", anh Đ. kể.
Thực tế, thời gian qua, nhiều du khách đã truyền tải những hình ảnh ken đặc người chờ đợi ở nhà ga, hàng ngàn hành lý ký gửi không thể nhận do quá tải, nhân sự hàng không thiếu hụt trầm trọng... và kèm theo lời cảnh báo nếu đi châu Âu sẽ rất khó lấy hành lý nên chủ động mang theo hành lý xách tay.
Ngành hàng không thế giới mất 2 - 3 triệu việc làm trong đại dịch, với các công việc liên quan đến xử lý vấn đề trên mặt đất và an ninh bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Sự phục hồi nhanh chóng của nhu cầu đi lại đã khiến ngành công nghiệp hàng không chưa kịp thích nghi và phải chật vật trong việc tìm kiếm đủ số nhân viên cần thiết.
Hàng không Việt đầy ắp khách
Tám tháng đầu năm 2022, sản lượng hành khách qua 21 cảng hàng không do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý ước đạt hơn 66 triệu lượt. Lượng khách nội địa cao nhất lịch sử vào ngày 10-7; nhiều cảng hàng không khai thác vượt công suất tại nhà ga nội địa...
Theo đánh giá của Cục Hàng không, lượng vận chuyển hành khách nội địa phục hồi rất nhanh, vượt so với cùng kỳ năm 2019, tạo áp lực rất lớn lên khu vực nhà ga nội địa trong khi cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Nhân viên thiếu thốn ở hầu hết các khâu từ kiểm soát không lưu, an ninh sân bay, xử lý hành lý, phục vụ ăn uống, làm thủ tục lên máy bay...
Tuy nhiên, việc bổ sung người ngay lập tức là không thể. Quá trình tuyển dụng có thể mất khoảng 2 - 3 tháng.
Vì vậy, theo các hãng hàng không, khi thị trường nội địa bứt tốc, khách đi lại rất đông mà hệ thống hàng không vẫn vận hành ổn định, trơn tru là nỗ lực lớn. Thế giới cũng đánh giá cao Việt Nam khi có thị trường nội địa tăng nhanh nhất thế giới.
Ông Nguyễn Đình Hùng - tổng giám đốc Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) - cho biết dịp hè vừa qua là thử thách không hề nhỏ, khi giai đoạn dịch họ chỉ phục vụ 20 - 30 chuyến bay/ngày ở sân bay Tân Sơn Nhất thì vào cao điểm hè, SAGS phục vụ 200 - 300 chuyến bay/ngày.
"Các đơn vị đều huy động nhân sự khắp nơi để ứng cứu trong dịp cao điểm vừa qua, rất may đã thành công", ông Hùng cho hay.
Ông Đinh Việt Phương - giám đốc điều hành Vietjet - cũng đánh giá cao những chính sách quyết đoán và kịp thời của Chính phủ, cơ quan quản lý trong việc mở cửa du lịch Việt Nam đã hỗ trợ hàng không vượt qua đại dịch với nhiều kết quả tích cực.
Theo ông Phương, nhờ có chính sách xuất nhập cảnh thuận lợi sau đại dịch, Vietjet đã khôi phục các đường bay trong nước, quốc tế và mở thêm nhiều đường bay mới.
Trong bối cảnh các thị trường du lịch hàng đầu Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) còn dè dặt mở cửa với du lịch, Vietjet tiên phong khai thác các thị trường mới, đầy tiềm năng.
Một trong số đó là Ấn Độ - quốc gia với 1,4 tỉ dân khi Vietjet đã mở tới 17 đường bay thẳng đưa du khách Ấn Độ tới các thành phố lớn nhất Việt Nam là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang), tạo nên sự bùng nổ của du lịch Việt Nam tại thị trường Nam Á.
Cần tiếp sức hàng không
Ông Nguyễn Quốc Phương - phó tổng giám đốc ACV - cho biết khách đi lại sau dịch là đông đúc, trong khi hàng không đang thiếu nhân sự trầm trọng, hạ tầng quá tải nên không tránh khỏi những phiền toái.
Nếu nhìn qua các sân bay châu Âu trong thời gian gần đây mới thấy "điểm sáng" của ngành hàng không Việt Nam đảm bảo duy trì khai thác an toàn, dịch vụ ổn định dù lượng khách đi lại rất đông.
Theo các chuyên gia hàng không, để hàng không bứt tốc vượt lên làm động lực đầu tàu tiên phong kéo theo các lĩnh vực khác phát triển, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ, quyết đoán từ cơ quan chức năng.
Theo đó, cần kết thúc quản lý hàng không như đang đại dịch và thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ hàng không như gói hỗ trợ lãi suất 2%; giảm thuế VAT với ngành hàng không xuống còn 3 - 5% (vừa hỗ trợ khách, hãng vừa kiềm chế lạm phát); bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu; cho phép áp dụng phụ thu xăng dầu với ngành hàng không; mở rộng diện miễn visa để tăng cạnh tranh đón khách quốc tế.
Tuổi trẻ