Việt Nam nhảy vọt 12 bậc trên bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu
Việt Nam là quốc gia có sự thay đổi ngoạn mục nhất về thứ hạng trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh quý I/2023 do EIU công bố.
- 16-04-2023Giải mã con số '0 đồng' và nỗi sợ 'tiêu tiền' đầu tư công
- 16-04-2023Bí thư Thành ủy TP.HCM sẽ trực tiếp giám sát giải ngân đầu tư công
Theo bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu quý I/2023 do Cơ quan Nghiên cứu và phân tích EIU thuộc Tập đoàn tư vấn Economist Group (Anh) công bố, Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ lần lượt là 3 quốc gia có sự thay đổi lớn nhất về thứ hạng.
Qua các số liệu đã thu thập trong năm, EIU đưa ra đánh giá các quốc gia có môi trường tốt nhất để kinh doanh một cách khách quan và công bằng. Bản đánh giá gồm nhiều hạng mục: Top 10 khu vực địa lý có điểm môi trường kinh doanh cao nhất; thay đổi thứ hạng môi trường kinh doanh nhiều nhất, những diễn biến đáng chú ý trong năm qua.
Các quốc gia đã cải thiện thứ hạng nhiều nhất trong năm qua là Việt Nam, Thái Lan, Bỉ, Thụy Điển, Ấn Độ và Costa Rica. Việt Nam nhảy vọt 12 bậc trong bảng xếp hạng, trong khi Thái Lan tăng 10 bậc, Bỉ tăng 7 bậc và 3 quốc gia còn lại tăng 6 bậc.
Theo EIU, Việt Nam và Thái Lan, các quốc gia có chính sách thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, đang được hưởng lợi từ các công ty theo đuổi chiến lược Trung Quốc +1 có chuỗi cung ứng ở cả Trung Quốc và một thị trường châu Á khác. Điểm số của Việt Nam tăng nhờ triển vọng kinh tế đã được cải thiện và của Thái Lan là kết quả của sự ổn định kinh tế. Cũng theo bảng xếp hạng, nền kinh tế vững mạnh, ổn định và khả năng tiếp cận nguồn cung lao động lớn tại Ấn Độ là cơ sở để thu hút các nhà đầu tư.
Singapore, Canada và Đan Mạch được dự đoán là ba quốc gia có môi trường kinh doanh tốt nhất trong 5 năm tới, theo bảng xếp hạng này của EIU. Như vậy, Singapore giữ vững vị trí là môi trường kinh doanh tốt nhất thế giới trong năm thứ 15 liên tiếp và tiếp tục là địa điểm tốt nhất để triển khai hoạt động kinh doanh trong 5 năm tới.
Ngược lại, những quốc gia hạ bậc “sâu” nhất là Trung Quốc (hạ 11 bậc), Bahrain và Chile (hạ 9 bậc) và Slovakia ( hạ 7 bậc).
Báo Công thương