Việt Nam sẽ công bố một số sáng kiến, cam kết mới tại COP28
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết tại Hội nghị Thượng đỉnh COP28 sắp diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự kiến sẽ công bố một số sáng kiến, cam kết mới của Việt Nam.
- 27-11-2023Việt Nam còn nhiều cơ hội tăng trưởng nhưng cần thay đổi việc này
- 27-11-2023Đề xuất hơn 9.300 tỷ đồng nâng cấp quốc lộ tại ĐBSCL
- 27-11-2023Lao động trẻ mất việc: Nhiều hệ lụy về an sinh xã hội
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt trả lời phỏng vấn báo chí trước chuyến công tác quan trọng của Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP28), tiến hành một số hoạt động song phương tại UAE và thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 29/11 đến ngày 3/12/2023.
Xin Thứ trưởng cho biết kỳ vọng của Việt Nam đối với Hội nghị thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ COP28 cũng như những đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị này?
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt: Hội nghị thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ COP28 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) tiếp tục là thách thức toàn cầu lớn nhất, được cộng đồng quốc tế quan tâm cao nhất trong năm 2023.
Việc có hơn 130 nguyên thủ và thủ tướng chính phủ các quốc gia đến tham dự để cùng trao đổi, tìm kiếm giải pháp lâu dài trong ứng phó BĐKH đã thể hiện Hội nghị COP28 là sự kiện đa phương quan trọng nhất về BĐKH trong năm nay.
Trên phạm vi toàn cầu, tác động nghiêm trọng của BĐKH đòi hỏi các quốc gia cần hành động khẩn trương và mạnh mẽ để đạt được mục tiêu theo Thoả thuận Paris về giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C.
Điều đó đồng nghĩa với việc cần thu hẹp khoảng cách giữa cam kết đề ra và kết quả đạt được, đặc biệt về giảm phát thải khí nhà kính, tài chính cho khí hậu (trong đó có tài chính cho thích ứng) và hỗ trợ các nước đang phát triển khắc phục tổn thất và thiệt hại do BĐKH gây ra.
Việc ứng phó với BĐKH cần cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, bảo đảm công bằng, công lý khí hậu và dựa trên nền tảng là đoàn kết và hợp tác quốc tế, trong đó các nước phát triển có vai trò đi đầu, tạo động lực cho các hành động khí hậu, đồng thời tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển.
Chính vì vậy, tham dự Hội nghị COP28 lần này, Việt Nam kỳ vọng Hội nghị sẽ đạt được những bước tiến thực chất, đặc biệt trên bốn lĩnh vực quan tâm hàng đầu.
Một là, các nước tiếp tục có những hành động mạnh mẽ để giảm phát thải khí nhà kính, tiến hành chuyển đổi năng lượng một cách bền vững và công bằng.
Hai là, các nước phát triển thực hiện cam kết của mình, đặc biệt trong việc cung cấp tài chính, hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển trong quá trình này (bao gồm thực hiện cam kết với mục tiêu huy động 100 tỷ USD mỗi năm và tăng mức cam kết cho giai đoạn đến năm 2025 và năm 2030).
Ba là, quan tâm thích đáng tới hoạt động thích ứng với BĐKH, đưa ra được Khung mục tiêu thích ứng toàn cầu rõ ràng và khả thi.
Bốn là, sớm đưa Quỹ Tổn thất và Thiệt hại đi vào vận hành để có nguồn tài chính mới, lớn hơn hỗ trợ cho các nước đang phát triển và những nước chịu tác động nặng nề nhất của BĐKH.
Về phần mình, kể từ sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên bố cam kết của Việt Nam về đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại COP26 (năm 2021), Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương Việt Nam đã có những hành động quyết liệt và cụ thể nhằm đạt mục tiêu này. Trong đó, có thể kể đến việc thông qua Quy hoạch Điện VIII với việc gia tăng đáng kể vị trí và đóng góp của năng lượng tái tạo trong tổng thể năng lượng điện của Việt Nam.
Việt Nam cũng tham gia Tuyên bố chính trị về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với một số đối tác quốc tế, qua đó thu hút nguồn lực cho việc thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam.
Tại Hội nghị lần này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự kiến sẽ công bố một số sáng kiến, cam kết mới của Việt Nam để cùng cộng đồng quốc tế ứng phó tốt nhất với BĐKH trong thời gian tới.
Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ và tiến hành các hoạt động tiếp xúc song phương với UAE nhân dịp tham dự COP28 sắp tới của Thủ tướng Chính phủ?
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt: Chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ và các hoạt động song phương tại Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) nhân dịp dự COP28 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý nghĩa hết sức quan trọng, diễn ra vào dịp kỷ niệm 45 năm Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ và 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với UAE. Đây cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính vì vậy, chúng tôi kỳ vọng chuyến thăm sẽ góp phần củng cố tin cậy chính trị và tạo động lực mới, mang tính đột phá cho hợp tác của Việt Nam với Thổ Nhĩ Kỳ và UAE trong tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế, thương mại, đầu tư, tới các lĩnh vực hợp tác mới như đổi mới sáng tạo, khoa học, công nghệ, năng lượng…
Chuyến thăm cũng sẽ góp phần triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại của Việt Nam, thể hiện hình ảnh đất nước, con người Việt Nam hoà hiếu, chân thành, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh đó, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ là chuyến thăm thứ hai đến khu vực Trung Đông chỉ trong vòng 2 tháng (trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã dự Hội nghị cấp cao ASEAN - GCC và tiến hành các hoạt động song phương tại Saudi Arabia tháng 10/2023) , qua đó lan tỏa thông điệp về cam kết mạnh mẽ và thể hiện sự quan tâm rất rõ ràng của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với khu vực Trung Đông giàu tiềm năng.
Trong chuyến thăm lần này, ngoài các cuộc tiếp xúc với các lãnh đạo cấp cao và chính khách của các nước, Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ tham dự và phát biểu ở các diễn đàn, toạ đàm doanh nghiệp, tiếp các doanh nghiệp, tập đoàn, quỹ đầu tư hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ và UAE, qua đó khai mở thêm thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời thu hút nguồn vốn đầu tư chất lượng cao mới, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới như khoa học công nghệ, năng lượng sạch, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo... hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, mang về những lợi ích rất thiết thực cho đất nước trong thời gian tới./.
Báo Chính phủ