Vĩnh Hoàn (VHC) xuất khẩu 6 tháng đạt 163 triệu USD, hoàn thành 47% kế hoạch năm
Công ty cho biết, giá trị xuất khẩu trong tháng 6 đạt 32,4 triệu USD, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng tổng giá trị xuất khẩu đạt 163 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.
- 26-06-2018Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tạo ra "thiên thời" cho doanh nghiệp cá tra Việt Nam
- 02-05-2018Cá tra tăng giá, vì đâu cổ phiếu của Vĩnh Hoàn liên tục giảm sàn?
- 29-03-2018“Nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn vượt đỉnh thời đại, có thể kì vọng gì trong năm tới?
Theo báo cáo IR mới nhất của CTCP Vĩnh Hoàn (VHC: Hose), giá trị xuất khẩu trong tháng 6 của công ty đạt 32,4 triệu USD, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là trong tháng 6 hầu hết cá nguyên liệu của Vĩnh Hoàn đều ở cỡ lớn, không phù hợp với đơn hàng của một số đơn vị nhập khẩu dẫn tới sản lượng sụt giảm nhẹ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu xuất khẩu của Vĩnh Hoàn ở mức 163 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, doanh thu của Vĩnh Hoàn đã loại bỏ phần hợp nhất doanh thu từ Vạn Đức Tiền Giang (VDTG) sau khi Vĩnh Hoàn giảm tỉ lệ sở hữu tại công ty này xuống còn 35% trong quý 1 năm nay. Năm 2017, VDTG chiếm tới 33% doanh thu của Vĩnh Hoàn. Như vậy, việc tăng trưởng doanh thu của Vĩnh Hoàn chứng tỏ công ty mẹ và các công ty con có thể bù đắp phần doanh thu đến từ VDTG và loại bỏ những nghi ngờ về vấn đề quản trị doanh nghiệp.
Doanh thu từ cá tra phi lê chiếm tới 88% doanh thu của Vĩnh Hoàn, các sản phẩm giá trị gia tăng (GTGT) chiếm 7% (khoảng 11,4 triệu USD). Tăng trưởng ấn tượng nhất thuộc về mảng collagen và gelatin khi đạt doanh thu 4,5 triệu USD sau 6 tháng (+134% so với cùng kỳ). Năm 2018, Vĩnh Hoàn đặt kế hoạch doanh thu xuất khẩu đạt 350 triệu USD, trong đó 20 triệu USD đến từ các sản phẩm GTGT và 10 triệu USD đến từ mảng collagen và gelatin. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn đã hoàn thành 47% kế hoạch tổng kế hoạch doanh thu, mảng sản phẩm GTGT hoàn thành 57% kế hoạch và mảng collagen&galentin mới hoàn thành 45% kế hoạch năm.
Về mặt thị trường, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của VHC, chiếm hơn 64% tổng giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018. Với việc áp thuế chống bán phá giá cao (USD 2,39-7,74/kg) sau kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR 13) của Bộ Thương mại Mỹ, hiện chỉ có 14 doanh nghiệp có thể tiếp tục xuất khẩu vào thị trường này (Vĩnh Hoàn hưởng thuế suất 0%). Theo ước tính, Vĩnh Hoàn chiếm tới gần 60% thị phần xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ.
Trung Quốc chỉ chiếm tỷ trọng 12% trong cơ cấu doanh thu của Vĩnh Hoàn, xếp ngay sau là EU (11%) và các quốc gia như Canada, Australia, Nhật...Từ 01/07, Bộ Tài chính Trung Quốc đã áp dụng chính sách giảm thuế nhập khẩu cá tra phi lê từ các quốc gia ưu tiên nằm trong WTO (trong đó có Việt Nam) từ mức 10% xuống 7%. Như vậy, cơ hội tại thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất thế giới này tiếp tục mở rộng với các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo số liệu của Vasep, trong 5 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu ngành cá tra Việt Nam đạt 797 triệu USD, trong đó Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất, chiếm hơn 23% giá trị xuất khẩu toàn ngành, tiếp đến là Mỹ chiếm 18%, khu vực Đông Nam Á chiếm 10%, EU chiếm 9%,… Cũng theo Vasep, ước trong 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu cá tra đạt gần 1 tỷ USD.
Ngoài Vĩnh Hoàn thì các công ty niêm yết khác như IDI hay Navico cũng có mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng trong năm nay.
Giá trị xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm của top 5 công ty cá tra (Nguồn: VASEP)
Trí Thức Trẻ