VN-Index giảm mạnh nhất Châu Á phiên 11/3, vốn hóa thị trường tiếp tục “bay hơi” 4,5 tỷ USD
Trước đó trong phiên giao dịch 9/3, vốn hóa thị trường Việt Nam đã “bốc hơi” gần 13 tỷ USD và là phiên giảm sâu kỷ lục trong vòng 19 năm qua.
Diễn biến khó lường của dịch Covid-19 đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sâu trong phiên 11/3 và có thời điểm, chỉ số VN-Index mất hơn 40 điểm. Nỗ lực trong những phút cuối của một số Bluechips đã giúp VN-Index thu hẹp đà giảm xuống còn 26,15 điểm (3,12%) và đóng cửa tại 811,35 điểm.
Dù vậy, với mức giảm 3,12% trong phiên 11/3, VN-Index vẫn được ghi nhận là chỉ số giảm số 1 khu vực Châu Á. Phiên giảm này khiến vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam (bao gồm 3 sàn HoSE, HNX, UPCom) "bốc hơi" 104.000 tỷ đồng, tương ứng 4,5 tỷ USD.
VN-Index giảm sâu nhất Châu Á phiên 11/3
Trước đó trong phiên giao dịch 9/3, vốn hóa thị trường Việt Nam đã "bốc hơi" gần 13 tỷ USD và là phiên giảm sâu kỷ lục trong vòng 19 năm qua.
Trong phiên 11/3, những thông tin có thêm bệnh nhân dương tính với Covid-19 đã tác động tiêu cực tới tâm lý giới đầu tư. Đáng chú ý, bệnh nhân số 35 dương tính với Covid-19 là nhân viên của chuỗi Điện Máy Xanh và điều này khiến các cổ phiếu ngành bán lẻ như MWG, FRT, PNJ đồng loạt giảm sàn.
Bên cạnh đó, khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 280 tỷ đồng trên toàn thị trường cũng tác động tiêu cực tới tâm lý giới đầu tư. Phiên bán ròng hôm nay cũng đánh dấu chuỗi 22 phiên bán ròng liên tiếp của khối ngoại. Tính từ đầu tháng 3 tới nay, khối ngoại đã bán ròng xấp xỉ 2.000 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Thống kê 15 mã giảm mạnh nhất phiên gồm BID, VCB, GAS, TCB, CTG, VPB, VJC, PLX, HPG, MWG, MSN, VIC, BVH, MBB, SAB đã khiến VN-Index mất đi 20,43 điểm trên tổng số 26,15 điểm trong phiên.
Tại mức 811,35 điểm chốt phiên 11/3, chỉ số VN-Index hiện giao dịch với P/E 12 lần, tương đương với giai đoạn tháng 4/2016 khi chỉ số VN-Index đạt 560 điểm.
Trong bản tin nhận định thị trường, các CTCK vẫn duy trì quan điểm thận trọng. Cụ thể, CTCK SHS cho rằng trong phiên giao dịch tiếp theo 12/3, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm điểm với vùng hỗ trợ gần nhất trong khoảng 780-800 điểm (fibonacci 61,8% retracement - ngưỡng tâm lý). Nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục nên tận dụng những nhịp hồi phục (nếu có) nhằm hạ dần tỷ trọng và có lẽ nên tạm thời đứng ngoài quan sát, hạn chế tham gia bắt đáy trong tình hình hiện tại.
Trong khi đó, CTCK Rồng Việt (VDSC) đánh giá việc ưu tiên nắm giữ tiền mặt dường như đang được đặt lên hàng đầu. Nhà đầu tư nên chú trọng việc quản trị rủi ro trong giai đoạn hiện tại hơn là việc cố gắng tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn do các yếu tố bất ngờ của thị trường.