MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Với Tổng thống Trump, hiệp định thương mại cũng giống hợp đồng nhà đất?

07-07-2018 - 19:50 PM | Tài chính quốc tế

Nước Mỹ sẽ để mất niềm tin của nhiều nước khác và chính phủ nhiều nước cũng sẽ hành động tương tự khi họ bị dồn vào chân tường.

Trong ngày thứ Sáu, Mỹ và Trung Quốc đối đầu nhau bằng hàng loạt các biện pháp tăng thuế, cả hai nước bước vào cuộc chiến tranh thương mại mà rất nhiều bên đã lo sợ, cuộc chiến sẽ ngày một căng thẳng hơn, tờ New York Times bình luận.

Theo Tổng thống Trump, cuộc chiến thương mại dễ thắng. Giờ đây khi ông đang đối đầu với cả các nước đồng minh cũng như đối địch với Mỹ, câu hỏi ở đây là liệu ông có thực sự có kế hoạch để giành được cái mình muốn hay không hay liệu ông đang lâm vào một cuộc đối đầu đắt đỏ và tốn kém mà không hề có giải pháp.

Ngài Tổng thống dường như tin rằng việc đe dọa các đối tác thương mại như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Mexico và Canada bằng các biện pháp thuế quan cuối cùng sẽ buộc họ phải nhượng bộ nước Mỹ.

Chiến lược của ông đang được hỗ trợ bởi một nền kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt, ông có thêm nhiều khả năng áp dụng các biện pháp thuế quan; nếu không có cái nền vững, hẳn mọi chuyện sẽ rất rủi ro. Tăng trưởng việc làm tháng 6/2018 cao, theo báo cáo mới nhất từ chính phủ Mỹ; giới chủ tuyển dụng khoảng 213 nghìn người lao động, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao hơn khi mà thêm người Mỹ gia nhập vào thị trường lao động và bắt đầu tìm việc. Tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất đặc biệt cao.

Những con số trên thuộc về quá khứ, thế nhưng không có nhiều lý do để tin rằng vòng đánh thuế đầu tiên sẽ gây tổn hại nặng nề cho nền kinh tế. Mỹ đánh thuế với 34 tỷ USD hàng Trung Quốc, và Trung Quốc đánh thuế lại với 34 tỷ USD hàng Mỹ, những con số này quá nhỏ nếu so với nền kinh tế quy mô 20 nghìn tỷ USD của Mỹ. Chính vì vậy, không ngạc nhiên khi mà thị trường chứng khoán toàn cầu không quá quan tâm đến rủi ro chiến tranh thương mại trong ngày thứ Sáu.

Thế nhưng các chính sách thuế quan mới đang tác động tiêu cực đến nhiều ngành nghề, đặc biệt những nông dân và người sản xuất nhỏ bao lâu nay vốn ủng hộ Tổng thống Trump. Khi mà không có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc và Mỹ có thể đạt đến giải pháp tháo gỡ căng thẳng, xung đột nhiều khả năng sẽ leo thang và cuối cùng tác động đến kim ngạch xuất nhập khẩu trị giá hàng trăm tỷ USD.

Chủ tịch Viện nghiên cứu quốc tế Peterson, ông Adam Posen, nói: “Quan điểm của Tổng thống Trump trong chiến dịch bầu cử của ông chính là ông sẽ không hao phí mạng sống và tài sản của người Mỹ trong cuộc chiến vô nghĩa của những lựa chọn. Việc ông gây ra chiến tranh thương mại chẳng khác nào ông đang tự tạo ra một Afghanistan của chính ông - tốn kém và chẳng có ích lợi gì”.

Trung Quốc đã ngay lập tức đáp trả các biện pháp tăng thuế từ phía Mỹ. Ngoài ra, Mexico, Canada và Liên minh châu Âu (EU) đều đã trả đũa tương tự với biện pháp tăng thuế thép và nhôm do Tổng thống Trump đưa ra.

Đồng thời các nước và khu vực trên cũng khẳng định họ cũng sẵn sàng phản công nếu Tổng thống tiếp tục áp thuế nhập khẩu 20% đối với ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu.

Tổng thống Trump và những người tư vấn cho ông tin rằng lịch sử ủng hộ họ và rằng cách tiếp cận của Tổng thống Trump sẽ mang lại kết quả tốt hơn so với nhiều năm ngoại giao đẹp lòng.

Trong tuần trước, Tổng thống Trump nói: “Chúng ta đang có những thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất thế giới. Chúng ta mất tiền với tất cả mọi người. Nước nào cũng muốn, hãy ký thỏa thuận với chúng tôi đi, ký với chúng tôi đi. Tôi sẽ giải quyết tất cả mọi chuyện”.

Quan điểm của ông nhận được sự ủng hộ từ nhiều ngành của nước Mỹ, đặc biệt những ngành để mất việc làm về tay người Trung Quốc.

Thế nhưng cũng chính nhiều người ủng hộ Tổng thống Trump cho biết rằng họ không chắc chắn rằng cuối cùng chiến tranh thương mại sẽ như thế nào bởi rủi ro từ Nhà Trắng ngày một nhiều hơn, ngoài ra, chính Tổng thống đang thiếu đi một chiến lược rõ ràng để giải quyết khác biệt với các đối tác thương mại của Mỹ.

“Chẳng có kế hoạch gì rõ ràng cả. Chính quyền không hề phát đi thông điệp rằng cuối cũng cái gì đang diễn ra và rằng mục tiêu của nó là gì”, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Rock Creek Global Advisors, ông Daniel Price, nhận xét.

Còn theo giám đốc nghiên cứu về chính sách thương mại tại viện Cato, ông Daniel Ikenson, Tổng thống Trump đang ứng xử với chính sách thương mại cứ như thế nó là hợp đồng bất động sản, mục tiêu là chiến thắng đối thủ và làm bẽ mặt anh ta.

Ngay cả nếu chiến lược trên phát huy tác dụng với nước như Trung Quốc, theo ông Ikenson, nước Mỹ sẽ để mất niềm tin của nhiều nước khác và chính phủ nhiều nước cũng sẽ hành động tương tự khi họ bị dồn vào chân tường.

Theo Trung Mến

Bizlive

Trở lên trên