MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vốn đầu tư hạ tầng đường thủy "nhỏ giọt"

Việt Nam có hơn 17.000 km đường thủy với gần 11.000 cảng, bến cảng thuỷ nội địa. Tuy nhiên, mỗi năm nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng của lĩnh vực này rất "nhỏ giọt".

Mỗi năm nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng của lĩnh vực đường thủy chỉ khoảng 1,5% trong tổng vốn của toàn ngành giao thông. Chính sự hạn chế này đã khiến cho hạ tầng đường thuỷ vừa thiếu vừa yếu suốt nhiều năm qua. Từ đó, tạo ra những điểm nghẽn trong hoạt động vận tải, làm tăng giá thành và giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam.

Cầu Mỏ Cày tại tỉnh Bến Tre sau mấy chục năm sử dụng, đang là điểm nghẽn trong hệ thống giao thông thuỷ của địa phương này. Theo các doanh nghiệp vận tải, việc phải giảm bớt container để qua được cầu khiến chi phí vận tải bị đội lên đến 25%.

Sắp tới, sẽ có 11 cây cầu yếu tại ĐBSCL được đầu tư nâng cấp với tổng vốn dự kiến khoảng 2.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế cả vùng vẫn còn tồn tại gần 50 cây cầu nữa đang chờ vốn để cải tạo sửa chữa.

"Nếu để phát triển một cách đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông thuỷ như đường sông, kênh rạch… cũng cần phải có sự đầu tư đúng mức từ vốn Trung ương và địa phương", ông Phạm Văn Trọng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết.

Vốn đầu tư hạ tầng đường thủy nhỏ giọt - Ảnh 1.

Mỗi năm nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng của lĩnh vực đường thủy chỉ khoảng 1,5% trong tổng vốn của toàn ngành giao thông. Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí.


Đại diện một số địa phương tại ĐBSCL cũng cho rằng, thời gian qua vốn đầu tư hạ tầng giao thông đang lệch nhiều về phía đường bộ. Trong khi đó, đường thuỷ vốn là thế mạnh lại chưa được quan tâm đúng mức.

Ông Đinh Quang Huy - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long cho nói: "Mặc dù chúng ta biết vận chuyển đường thuỷ có nhiều ưu điểm như giá rẻ, số lượng lớn hơn so với đường bộ, tuy nhiên do hạn hẹp về kinh phí dẫn đến chưa có đầu tư để xây dựng các cảng cũng như nạo vét các tuyến đường thuỷ để phục vụ vận tải hàng hoá".

Theo tính toán, vận tải bằng đường thuỷ có chi phí thấp hơn khoảng 30% so với đường bộ. Do đó, việc sớm tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng bằng cách phân bổ vốn hợp lý cho lĩnh vực này được cho sẽ góp phần quan trọng trong việc thông thương cho các loại hàng hoá thế mạnh như thuỷ sản, lúa gạo, trái cây… của cả vùng.

Tăng hiệu quả đầu tư hạ tầng đường thủy

Theo thống kê, trong khoảng 20 năm trở lại đây, cả nước đã đầu tư cải tạo, nâng cấp được khoảng 2.000 km đường thuỷ, tương đương khoảng 30% nhu cầu. Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách dành cho lĩnh vực này còn hạn hẹp, Bộ GTVT xác định sẽ sử dụng vốn ngân sách đầu tư vào những dự án trọng điểm, mang tính kết nối và lan toả cho cả vùng để từ đó thu hút thêm các nguồn lực xã hội khác.

Kênh Chợ Gạo là tuyến kênh độc đạo kết nối đồng ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Dự kiến, việc nâng cấp giai đoạn 2 sẽ được hoàn thành vào năm sau nhằm khơi thông vận tải hàng hoá cho cả vùng.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng lựa chọn thêm 2 dự án trọng điểm khác để khơi thông những điểm nghẽn chính trong mạng lưới hạ tầng vận tải thuỷ khu vực phía Nam.

Vốn đầu tư hạ tầng đường thủy nhỏ giọt - Ảnh 2.

Trong khoảng 20 năm trở lại đây, cả nước đã đầu tư cải tạo, nâng cấp được khoảng 2.000 km đường thuỷ, tương đương khoảng 30% nhu cầu. Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí.


Theo lãnh đạo Bộ GTVT, trong 5 năm tới, ngân sách sẽ bố trí khoảng 8.500 tỷ đồng cho lĩnh vực đường thuỷ nội địa. Số vốn này mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu đầu tư thực tế. Do đó, Bộ sẽ phải chọn những dự án trọng tâm trọng điểm để vừa phát triển kinh tế, vừa có thể thu hút thêm các nguồn vốn ngoài ngân sách.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank), nếu tăng đầu tư cho vận tải đường thuỷ ở mức 5 - 7%/năm thì sẽ tác động rất mạnh đến vận tải đường thuỷ nội địa, mang lại lợi ích kinh tế lớn cho quốc gia, bởi chi phí trung bình của vận tải hàng hoá bằng đường bộ cao hơn gấp 3 - 5 lần so với vận tải thuỷ nội địa.

Theo PV

VTV.VN

Trở lên trên