Vụ án Agribank Trà Vinh: Cựu chủ tịch Aquafeed Cửu Long liên tục phản bác chứng cứ của VKS
Nhiều người tại phiên tòa thắc mắc việc đấu giá viên điều hành việc bán đấu giá tài sản của Công ty CP Aquafeed Cửu Long lại là luật sư bào chữa cho một bị cáo trong vụ án Agribank Trà Vinh.
- 31-01-2018Vụ án Agribank Trà Vinh: Định giá tài sản công ty mất hơn 17 tỉ đồng
- 25-01-2018Xét xử vụ lừa đảo hơn 54 tỉ đồng tại Agribank Trà Vinh
- 03-01-2018Kéo dài 5 năm, tòa tiếp tục hoãn xử Agribank Trà Vinh
Từ ngày 24-1 đến ngày 2-2, TAND tỉnh Trà Vinh tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án xảy tại Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Chi nhánh Trà Vinh ( Agribank Trà Vinh ). Các bị cáo Nguyễn Hữu Lộc (58 tuổi), Trần Vũ Dũng (46 tuổi, cùng nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP Aquafeed Cửu Long), Nguyễn Hồng Nam (49 tuổi), Đỗ Thái Hòa (42 tuổi, nguyên tổng, phó tổng giám đốc của Aquafeed Cửu Long), Bùi Thị Tuyết Mai (55 tuổi, nguyên tổng giám đốc Công ty CP Công nghiệp thủy sản) cùng bị truy tố tội " Lừa đảo chiếm đoạt tài sản ".
Nhóm 3 bị cáo Nguyễn Văn Trực (60 tuổi, nguyên phó giám đốc phụ trách Agribank Trà Vinh ), Nguyễn Quốc Hoàn (55 tuổi) và Cao Văn Phong (41 tuổi, nguyên trưởng, phó Phòng Tín dụng Agribank Trà Vinh), cùng bị truy tố về tội "Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng ".
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, theo cáo trạng, năm 2007, Công ty CP Aquafeed Cửu Long được thành lập, chuyên kinh doanh và sản xuất thức ăn thủy sản. Các cổ đông sáng lập gồm: Công ty CP Biển Tây (do ông Trần Vũ Dũng làm đại diện), Công ty CP Công nghiệp Thủy sản (do ông Nguyễn Hữu Lộc làm đại diện) và Công ty Dịch vụ cảng cá Cát Lở. Năm 2009, ông Phạm Đặng Hữu Thành, quyền Giám đốc Aquafeed Cửu Long, cùng kế toán trưởng Đỗ Thái Hòa trao đổi với ông Phạm Thanh Cần, Giám đốc Agribank Trà Vinh, xin vay vốn.
Theo cáo trạng, từ 30-6-2010 đến 29-12-2011, ông Lộc cùng ông Dũng và các đồng phạm khác ký nhiều hợp đồng mua bán nguyên liệu khống giữa Aquafeed Cửu Long với Công ty Công nghiệp Thủy sản, Công ty Biển Tây để Aquafeed Cửu Long sử dụng 50 hóa đơn khống làm giải ngân chuyển tiền vào tài khoản của Aquafeed Cửu Long.
Từ đây, Aquafeed Cửu Long chuyển cho Công ty Công nghiệp Thủy sản hơn 28 tỉ đồng và Công ty Biển Tây 26,1 tỉ đồng để chiếm đoạt. Cáo trạng kết luận nhóm 3 bị cáo nguyên là lãnh đạo Agribank Trà Vinh đã gây thiệt hại cho nhà nước 52,4 tỉ đồng.
Điều đáng lưu ý tại phiên tòa lần này là sau khi VKSND tỉnh Trà Vinh hoàn tất cáo trạng truy tố, Agribank Trà Vinh đã cho bán đấu giá bất động sản và động sản của Aquafeed Cửu Long để xử lý nợ. Vào ngày 4-4-2014, Hội đồng Định giá tài sản thuộc Sở Tài chính tỉnh Trà Vinh đã có kết quả định giá tài sản thế chấp của Công ty CP Aquafeed Cửu Long gồm: Máy móc, thiết bị và nhà xưởng, trị giá hơn 31,6 tỉ đồng. Tuy nhiên, vào tháng 12-2016, phía Agribank Trà Vinh đồng ý cho Công ty CP Thẩm định giá EXIMA thực hiện định giá tài sản còn lại chỉ hơn 14,5 tỉ đồng.
Sau đó, Argibank Trà Vinh đã giao cho Công ty TNHH Bán đấu giá tài sản Vạn Phát Hưng tổ chức bán đấu giá số tài sản trên, trong đó, ông Lâm Khắc Sinh (đấu giá viên của công ty) là người điều hành cuộc bán đấu giá. Kết quả, một công ty đã trúng đấu giá, mua khối tài sản này với giá hơn 14,6 tỉ đồng. Điều bất ngờ là trong vụ án này, ông Sinh lại xuất hiện tại tòa với tư cách là luật sư được cơ quan tố tụng chỉ định bào chữa cho bị cáo Trần Vũ Dũng.
Tại phiên tòa ngày 2-1, bị cáo Lộc cho rằng từ ngày 15-8-2010 đến ngày 31-3-2011 không còn làm chủ tịch HĐQT nên không có quyền chỉ đạo trong việc chiếm đoạt số tiền nói trên. Theo VKS, bị cáo Lộc và Dũng điều hành việc ký hợp đồng kinh tế nhằm đáo hạn và chuyển tiền về Công ty Công nghiệp Thủy sản và Biển Tây qua các hợp đồng khống. Điều này được bị cáo Hòa khẳng định tại tòa là đúng. Tuy nhiên, bị cáo Lộc nói: "Theo dõi phiên toà, bị cáo Hòa nhiều lần khẳng định tôi không chỉ đạo Hòa trong việc ký kết hợp đồng kinh tế và chuyển tiền cho 2 công ty nói trên. Duy có 1 lần bị cáo Hòa xác nhận tôi chỉ đạo liên hệ ngân hàng vay vốn tại tin nhắn trích theo bút lục số 8319. Nhưng luật sư bào chữa cho bị cáo đã chứng minh tin nhắn này không phải do bị cáo nhắn nên không thể nào buộc tội bị cáo chỉ đạo Hòa liên hệ ngân hàng vay vốn".
Các bị cáo tại phiên toà
Ngoài ra, VKS buộc tội bị cáo Lộc là Chủ tịch HĐQT thống nhất vay tiền thể hiện qua biên bản họp ngày 5 và 6-1-2011 do Lộc ký tên với vai trò là Chủ tịch HĐQT. Nhưng trên thực tế, ông Lộc đã thôi chức HĐQT từ ngày 15-8-2010, thay vào đó là ông Trần Vũ Dũng. Tại tòa, trong phần bào chữa của mình, bị cáo Lộc khẳng định không ký và không biết hai biên bản này. "Bị cáo đề nghị làm rõ tính pháp lý hai văn bản này mà VKS đã dùng làm chứng cứ buộc tội. Chủ tọa phiên tòa thông báo dại diện nguyên đơn dân sự cung cấp bản chính nhưng chữ ký không phải là chữ ký sống của bị cáo. Đề nghị nguyên đơn dân sự cung cấp bản chính có chữ ký sống của bị cáo và được giám định chữ ký mới đủ căn cứ pháp lý ", bị cáo Lộc nói.
Tại tòa, VKS đã đề nghị bị cáo Nguyễn Hữu Lộc từ 14 – 15 năm tù; Trần Vũ Dũng từ 7 – 8 năm tù; Đỗ Thái Hòa từ 14- 15 năm tù; Nguyễn Hồng Nam từ 12 -13 năm tù; Bùi Thị Tuyết Mai từ 12-13 năm tù cùng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Nhóm 3 bị cáo nguyên là cán bộ Agribank Trà Vinh bị đề nghị mức án từ 5-6 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
Người lao động