Vụ bê bối của tập đoàn kiểm toán PricewaterhouseCoopers tại Australia
Từ đầu tháng 5/2023, dư luận Australia đặc biệt quan tâm tới vụ bê bối của tập đoàn kiểm toán và tư vấn hàng đầu thế giới PricewaterhouseCoopers (PwC), sau khi bị phát hiện hành vi lạm dụng thông tin mật về chính sách thuế của Australia để giúp các đối tác của mình trục lợi, trốn thuế thương mại.
- 08-06-2023Phát hiện “mỏ vàng” chẳng ai đếm xỉa, gã khổng lồ Phố Wall vung tiền không tiếc tay, 5 năm sau mỉm cười mãn nguyện
- 08-06-2023Đối phó giá điện tăng cao, người dân Hàn Quốc đổ xô mua thiết bị tiết kiệm điện
- 08-06-2023Ngủ đông nhân tạo: Bước nhảy vọt trong khám phá không gian
Cảnh sát Liên bang Australia (AFP) hiện đang tiến hành các cuộc điều tra nhằm vào PricewaterhouseCoopers, một trong 4 công ty kiểm toán và tư vấn lớn nhất thế giới, sau khi phát hiện đã có hành vi lạm dụng và làm rò rỉ thông tin bí mật quốc gia của Australia về các biện pháp trấn áp hành vi trốn thuế để giúp các khách hàng, đối tác của mình trốn thuế doanh nghiệp, trục lợi thương mại, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thuế cũng như ảnh hưởng tới uy tín của chính phủ trong hoạch định, quản lý và triển khai chính sách công.
Vụ bê bối gây ra phản ứng tiêu cực của người dân Australia đối với uy tín và vai trò của cơ quan chính phủ, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc chính phủ Australia đang ngày càng phụ thuộc vào các chuyên gia, tập đoàn tư vấn tư nhân để xây dựng chính sách công.
Thông tin cơ bản về PwC
PwC là một công ty dịch vụ chuyên nghiệp toàn cầu cung cấp dịch vụ kế toán và tư vấn hàng đầu thế giới. Khách hàng lớn nhất của PwC tại Australia là Chính phủ liên bang, các Bộ Tài Chính, Bộ Quốc phòng... với nhiều dịch vụ bao gồm: tư vấn chính sách thuế, tài chính, phân bổ ngân sách, điều chỉnh, xây dựng luật mới, kiểm soát rủi ro... Năm 2022, PwC ký một số hợp đồng trị giá hơn 500 triệu dollar Australia (AUD) với chính phủ liên bang nhằm hỗ trợ tham vấn hoạch định chính sách công.
Ngoài Australia, PwC còn hợp tác với chính phủ và các cơ quan chức năng của nhiều nước trên thế giới.
Năm 2015, Chính phủ Australia đã yêu cầu chuyên gia thuế quốc tế Peter-John Collins của PwC giúp xây dựng Luật chống trốn thuế đa quốc gia (MAAL) nhằm ngăn chặn các công ty lớn, đặc biệt là những gã khổng lồ công nghệ như Google, Facebook và Apple... chuyển lợi nhuận của họ từ các quốc gia có mức thuế cao hơn như Australia sang các quốc gia có mức thuế thấp hơn, chẳng hạn như Hà Lan và Singapore và phải trả phần thuế hợp lý của họ ở Australia.
Diễn biến vụ bê bối
PWC đã lạm dụng và rò rỉ thông tin bí mật quốc gia: Cựu giám đốc thuế quốc tế tại PwC Peter John Collins đã sử dụng tài liệu mật thu thập được trong quá trình tham gia soạn thảo luật thuế mới với Bộ Tài chính và Hội đồng Thuế Australia từ năm 2015, vốn được sử dụng để trấn áp hành vi trốn thuế của các công ty đa quốc gia, để trục lợi bất hợp pháp. Theo đó, Collins đã bán các thông tin mật này cho ít nhất 53 đối tác thông qua một số nhân viên của PwC cả trong và ngoài Australia. Từ đầu năm 2016, cơ quan điều tra đã phát hiện nhiều đối tác của PwC đã tiến hành điều chỉnh cơ cấu tổ chức và hoạt động để luồn lách qua các lỗ hổng của luật mới nhằm trục lợi thương mại, điều hướng thị trường năng lượng và trốn thuế doanh nghiệp.
Năm 2021, Hội đồng hành nghề thuế Australia đã phát hiện một số dấu hiệu vi phạm của Peter John Collins và ra lệnh huỷ các đăng ký hành nghề của Peter. Tuy nhiên, phải đến tháng 1/2023, sau khi tạp chí Tài chính Australia (Australia Financial Review) công bố báo cáo về một cuộc điều tra liên quan tới các sai phạm của PwC cũng như việc một số đối tác của PwC trốn thuế một cách hợp pháp tại Australia và những tác động tiêu cực tới nền kinh tế nước này, vụ bê bối mới bắt đầu được công khai và gây hoang mang trong dư luận.
Phải tới ngày 2/5/2023, khi 138 trang email nội bộ của PwC, được gửi tới thượng nghị sĩ Đảng Lao động Deborah O'Neill, vụ bê bối mới được đưa ra tại Thượng viện Australia và Cảnh sát Liên bang mới thực sự vào cuộc. Collins và Giám đốc điều hành PwC, Tom Seymour cùng 67 lãnh đạo, nhân viên PwC cùng ít nhất 9 đối tác của PwC (hiện vẫn được giữ kín thông tin) đã bị bắt giữ và có lệnh đình chỉ hoạt động để điều tra.
Phản ứng của PwC và những hệ luỵ liên quan
Phản ứng ban đầu của công ty kế toán đối với vụ bê bối là tuyên bố những người liên quan trực tiếp, bao gồm cả Collins, đã rời công ty. Theo Ian Ramsay, Giáo sư luật danh dự tại Đại học Melbourne, câu trả lời của PwC là không thoả đáng. PwC đã thất bại nặng nề trong việc giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả hoặc ít nhất là nỗ lực giảm thiểu các tác động tiêu cực của nó. Theo đó, PwC cần đưa ra lời xin lỗi chân thành hơn và chịu trách nhiệm nhiều hơn.
Trong khi vụ bê bối tập trung ở Australia, PwC đã sử dụng mạng lưới toàn cầu của mình để thu lợi từ thông tin đặc quyền, thu hút các bộ phận khác của một trong những công ty dịch vụ chuyên nghiệp lớn nhất thế giới. Hiện PwC đang là đối tượng của hàng loạt các cuộc điều tra của cảnh sát và các chính phủ trên khắp thế giới.
Dưới áp lực kéo dài, đầu tháng 5/2023, các lãnh đạo toàn cầu cấp cao của PwC đã nhóm họp tại Sydney và sau đó Giám đốc điều hành của PwC Australia, Tom Seymour đã từ chức. Ngày 29/5/2023, Quyền Giám đốc điều hành PwC Kristub Stubbins đã có thư xin lỗi chính phủ và người dân Australia về vụ bê bối, tạm ngừng mọi dịch vụ tại Australia để kết phối hợp điều tra.
Vấn đề này đã làm dấy lên cuộc tranh luận về xung đột lợi ích giữa kiểm toán viên, kế toán viên và chuyên gia tư vấn, và liệu một công ty có thể hoạt động trên tất cả các lĩnh vực như PwC và các tập đoàn kế toán lớn khác đã làm hay không. Hiện các cơ quan chính phủ Australia vẫn đang điều tra và đánh giá mức độ thiệt hại đối với nền kinh tế cũng như hệ luỵ của vụ việc trong các lĩnh vực khác.
Theo phó giáo sư Scott Donald của Đại học New South Wales, vụ bê bối của PwC đã tạo điều kiện cho nhiều công ty, tập đoàn đa quốc gia trốn hàng trăm tỷ AUD tiền thuế trong nhiều năm qua và là một lời cảnh báo về mức độ phụ thuộc của khu vực công đối với ngành tư vấn. Các bộ phận tư vấn và hoạch định chính sách công của chính phủ rõ ràng đã không hoạt động hiệu quả và còn nhiều khiếm khuyết. Có thể vụ bê bối sẽ là cơ hội để các cơ quan chính phủ có lý do suy nghĩ rộng hơn về sự tương tác giữa chính sách nhạy cảm của chính phủ và khu vực tư vấn tư nhân.
Hành động của chính phủ Australia
Theo Phó Ủy viên Cảnh sát liên bang Australia, ông Ian McCartney, những cuộc điều tra mới ở giai đoạn đầu nhằmtiếp tục xác định các cá nhân, tổ chức liên quan cũng như mức độ nghiêm trọng của việc rò rỉ bí mật quốc gia, từ đó, có cơ sở để đánh giá mức độ nghiêm trọng cũng như những hệ luỵ mà vụ việc này gây ra.
Tổng Thư ký Bộ Tài chính Australia, Jenny Wilkinson thông báo, Bộ Tài chính đã ra lệnh cấm đối với các cá nhân thuộc PwC có liên quan vụ rò rỉ thuế, vĩnh viễn không được phép làm việc cho các hợp đồng chính phủ. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình, bao gồm cả việc hồi đáp của PWC đối với hướng dẫn của Bộ này và bất kỳ thông tin nào khác được đưa ra công khai, cũng như bất cứ kết quả nào khác trong các cuộc điều tra, được thực hiện liên quan đến vấn đề này.
Phát ngôn viên Tài chính của đảng Xanh Barbra Pocock cho rằng, Chính phủ cần có những quy định cụ thể và minh bạch hơn trong việc hợp tác với các công ty tư vấn chính sách. Đảng Xanh kêu gọi hủy bỏ tất cả các hợp đồng của chính phủ đã ký với PwC và công khai các hợp đồng này.
Từ đầu tháng 5/2023, một loạt các cơ quan Chính phủ và các tiểu bang, vùng lãnh thổ của Australia trong đó có Ngân hàng Dự trữ quốc gia thông báo đã ngừng ký hợp đồng mới với PwC cho đến khi PwC có thể chứng minh sự minh bạch hoàn toàn.
Tổng Thư ký Tài chính và Dịch vụ công Australia Katy Gallagher khẳng định, Chính phủ Australia đã đưa ra cácbiện pháp cần thiết để củng cố các chính sách trong hợp đồng với PwC, và sẽ không huỷ bỏ toàn bộ. Việc tạm dừng các hợp đồng này chỉ mang tính tạm thời để tiến hành điều tra./.
VOV