Vụ "cà phê trộn pin" không tác động gì tới cà phê, hạt tiêu
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định như vậy khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
- 06-06-2018Nông nghiệp, thủy sản khởi sắc nhờ lúa gạo và cá tra
- 06-06-2018Giá hàng hóa ‘nhảy múa’ vì giá xăng liên tục tăng
- 05-06-2018Bộ Nông nghiệp khuyến cáo không nên tăng đàn heo ồ ạt
Chiều 6/6, chất vấn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) đặt câu hỏi vụ việc cà phê, tiêu pha trộn pin.
Cụ thể, đại biểu Phương cho biết vụ việc cà phê, tiêu pha trộn pin đã làm cho sản phẩm cà phê và tiêu của Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng, xin Phó Thủ tướng cho biết giải pháp nào để bảo vệ thương hiệu sản phẩm cà phê, tiêu của việt nam nói riêng và bảo hệ thương hiệu các sản phẩm hàng hóa khác của Việt Nam nói chung trong thời gian tới để sản phẩm hàng hóa Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên thị trường?
Trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, qua báo cáo Bộ Công An trong phiên họp Chính phủ, vụ việc "cà phê trộn pin" thực chất là người ta trộn pin cùng với vỏ của cà phê mục tiêu để trộn vào với hạt tiêu chứ không phải đi pha chế cà phê dùng cho xuất khẩu hoặc tiêu dùng trong nước.
Vụ việc đã được Bộ Công an ngăn chặn kịp thời nên không trộn được cả hạt tiêu và cà phê. Nhưng sự việc được báo chí nêu nên tác động tới thương hiệu cà phê và hạt tiêu.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, "tại diễn đàn này tôi báo cáo chính thức như vậy và hạt tiêu cũng như cà phê không chịu tác động gì trong vụ việc "cà phê pin"".
Phó Thủ tướng cho biết thêm, năm 2017, nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu hơn 34 tỷ USD và mục tiêu Thủ tướng giao xuất khẩu trong năm nay là khoảng 40 tỷ USD.
Giải pháp đầu tiên là khuyến khích phát triển theo chuỗi giá trị, quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, đẩy mạnh chế biến, bảo quản, chỉ dẫn địa lý...
Bên cạnh đó, tiến hành quy hoạch các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung đẩy mạnh công tác chế biến và bảo quản.
"Chúng ta cần phải có các chương trình quảng bá thương hiệu và sản phẩm có chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm cà phê và hạt tiêu cũng như các sản phẩm nông nghiệp chủ lực khác của Việt Nam. Chúng ta cũng cần phải tiếp tục và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật có liên quan đồng thời tăng cường vai trò hiệp hội, các ngành hàng", Phó Thủ tướng cho biết.
Ngoài ra, sớm xây dựng ban hành các tiêu chuẩn và quy chuẩn đối với từng ngành hàng sản phẩm.
"Triển khai giám sát việc áp dụng trên thực tiễn và một vấn đề rất quan trọng đó là chúng ta phải đẩy mạnh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chính phủ đã giao cho 3 bộ là Bộ Y Tế, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phụ trách", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kết luận.