MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ nước mắm nhiễm asen: Điêu đứng do thông tin mập mờ

22-10-2016 - 14:27 PM | Thị trường

Ngày 21-10, ông Đỗ Hữu Việt, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), nhấn mạnh hiệp hội không đồng tình trước thông tin thạch tín trong nước mắm mà VINASTAS vừa công bố.

Bị trả hàng, đâm lo

Ông Nguyễn Hoài Sơn, chủ hãng nước mắm Châu Sơn (TP Nha Trang), cho biết sau khi VINASTAS công bố kết quả khảo sát chất lượng nước mắm, nhiều người tự giới thiệu là đơn vị chuyên ngành, đề nghị cơ sở kiểm tra mẫu để họ cấp chứng nhận sản phẩm bảo đảm an toàn, asen dưới ngưỡng quy định, không nhiễm chì… Tuy nhiên, ông đã từ chối do không tin.

Anh Phạm Mạnh Hùng, ngụ TP Nha Trang, cho biết: “Mấy ngày nay nghe nước mắm đạm cao nhiễm asen, cảm thấy bất an nên gia đình tôi phải chọn nước mắm ít đạm cho chắc chứ biết làm sao” - anh Hùng bộc bạch.

Hiệp hội Nước mắm Nha Trang hiện có 19 thành viên thì 8 doanh nghiệp (DN) đã bị nhà phân phối trả lại hàng sau khi có thông tin nước mắm truyền thống bị nhiễm asen vượt ngưỡng cho phép.

Ông Trần Thanh Hoàng (ngụ xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), đang nuôi sống gia đình bằng 2 thùng nước mắm do cha mẹ để lại, lo ngại: “Khách hàng của tôi là người dân địa phương nhưng vài ngày qua, họ ngại mua nước mắm độ đạm cao. Khách hàng quay lưng hết thì dẹp nghề là cái chắc”.

Ông Nguyễn Hồng Khải, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã An Chấn, cho biết xã có 2 thương hiệu nước mắm truyền thống là Mỹ Quang và Cu Làng với khoảng 200 cơ sở. “Nghề làm nước mắm đã đóng góp lớn cho ngân sách cũng như giải quyết nhiều việc làm cho địa phương nhưng giờ chưa biết tính sao khi đầu ra sản phẩm gặp khó khăn” - ông Khải nói.

Cá cơm có thể tiếp tục giảm giá

Ông Lương Công Xuyên (ngụ phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) đang dự định vay ngân hàng để đóng mới tàu hành nghề mành rút, khai thác cá cơm nhưng trước thông tin nước mắm truyền thống bị ảnh hưởng, ông phải hoãn lại. “Khai thác cá cơm chủ yếu bán cho các lò làm nước mắm. Giờ các lò mắm khốn đốn, cá cơm biết bán cho ai” - ông Xuyên bộc bạch.

Theo nhiều ngư dân, giá cá cơm đã giảm nhiều so với trước đây, từ 22.000 đồng/kg còn 12.000 đồng. Nếu cơ sở sản xuất nước mắm giảm sản lượng hoặc ngưng hoạt động, giá cá cơm chắc chắn sẽ giảm tiếp, ngư dân chỉ còn cách bỏ nghề.

“Nguồn cá cơm nguyên liệu ngày càng khan hiếm, sản lượng nước mắm truyền thống đã giảm nhiều so với trước do cạnh tranh với nước chấm công nghiệp. Trước thông tin mập mờ về chất lượng, nghề này chỉ có nước chết” - ông Đỗ Hữu Việt dự báo.

Ông Trần Ngọc Nhạn, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Phú Yên, đề nghị: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên sớm vào cuộc vì chỉ có cấp vĩ mô mới xử lý được sự cố này”.

Theo Kỳ Nam - Hồng Ánh

Người lao động

Trở lên trên