Vụ vỡ đập ở Ukraine biến Biển Đen thành nơi ngập rác và xác động vật
Theo các nhà chức trách Ukraine, nước lũ đang rút sau sự cố vỡ đập Nova Kakhovka, nhưng các mảnh vụn trôi dạt dọc sông Dnipro đang biến bờ Biển Đen ở Odessa thành “bãi rác và nghĩa địa động vật”.
- 08-06-2023Ukraine cảnh báo nguy cơ nước lũ cuốn trôi mìn, phát tán bệnh tật
- 06-06-2023EU gia hạn lệnh cấm ngũ cốc Ukraine tại 5 nước thành viên
- 29-05-2023Nga nêu 'tối hậu thư' về thỏa thuận hòa bình với Ukraine
Theo kênh CNN, cuối tuần qua, Bộ Nội vụ Ukraine cho biết trên trang web: “Rất nhiều mìn, đạn dược và các vật nổ khác đang bị cuốn ra biển và dạt vào bờ biển”. Ngoài ra, lực lượng biên phòng đã quan sát thấy thảm họa liên quan tới cá chết tại khu vực.
Sự cố vỡ đập thủy điện ở miền Nam Ukraine ngày 6/6 là một trong những thảm họa công nghiệp và sinh thái lớn nhất ở châu Âu trong nhiều thập kỷ. Thảm họa này đã phá hủy toàn bộ các ngôi làng, làm ngập lụt đất nông nghiệp, khiến hàng chục nghìn người không có điện và nước sinh hoạt, đồng thời gây ra thiệt hại lớn về môi trường.
Trong một bài đăng trên Telegram ngày 11/6, lãnh đạo cơ quan quân quản khu vực, ông Oleksandr Prokudin cho biết tổng cộng có 2.699 người, trong đó có 178 trẻ em, đã được sơ tán khỏi các khu dân cư đang bị đe dọa ở vùng Kherson từ khi vụ vỡ đập xảy ra. Chính quyền đã cấm bơi lội và câu cá trong khu vực và khuyến cáo người dân chỉ nên uống nước đóng chai hoặc nước từ bên ngoài mang vào.
Ông Prokudin cho biết: “Nồng độ các chất độc hại trong mẫu nước cao gấp 10 lần quy chuẩn cho phép”.
Trước đó, ngày 9/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết hàng trăm nghìn người đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước sạch tại các khu vực lũ lụt sau vụ vỡ đập Nova Kakhovka. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nga Marat Khusnullin cùng ngày khẳng định nguồn dự trữ nước của Bán đảo Crimea không bị ảnh hưởng bởi vụ vỡ đập Kakhovka. Theo ông, hồ chứa nước của Crimea đã đầy và bán đảo này có đủ nguồn dự trữ nước cho 500 ngày.
Trong khi đó, diện tích các vùng bị ngập lụt ở vùng Kherson đã giảm gần một nửa và mực nước trung bình đã giảm 27 cm, xuống còn 4,45 mét. Tuy nhiên, 32 khu dân cư ở bờ tây sông Dnipro vẫn bị ngập lụt và 3.784 tòa nhà dân cư đang chìm trong nước. Ông Prokudin cũng mô tả tình hình ở bờ Đông sông Dnipro là nghiêm trọng khi có 14 khu dân cư bị ngập lụt.
Tác động của vụ vỡ đập đã ảnh hưởng tới cả ngoài khu vực Kherson. Theo trang web của Bộ Nội vụ Ukraine ngày 11/6, ngoài khu vực bờ biển Biển Đen, ở khu vực Dnipropetrovsk, các cộng đồng Marhanets, Nikopol, Pokrovsk và Hrushivka đã bị mất nước một phần. Một đoạn đường ray đã bị phá hủy gần Nikopol. Tại Mykolaiv, đường vào làng Afanasivka, nơi có 379 người dân sinh sống, đã bị cắt đứt hoàn toàn.
Gần một tuần sau vụ vỡ đập Nova Kakhovka, phía Nga và Ukraine vẫn đang đổ lỗi cho nhau gây ra sự cố này.
Ngày 11/6, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar tuyên bố các lực lượng Nga cho nổ tung con đập Nova Khakhovka là nhằm ngăn chặn binh sĩ Ukraine tiến quân tới khu vực phía Nam Kherson. Cơ quan an ninh nội địa Ukraine còn nói đã phát hiện một cuộc điện thoại chứng minh lực lượng Nga cho nổ nhà máy thủy điện và đập Nova Kakhovka. Trên trang Telegram, Cơ quan an ninh nội địa Ukraine đã đăng một đoạn ghi âm dài 1 phút rưỡi, được cho là cuộc trao đổi về việc Nga phá hủy đập Nova Kakhovka.
Về phần mình, ngày 8/6, Nga đã cáo buộc Ukraine tại Tòa Công lý Quốc tế (ICJ) của Liên hợp quốc về hành vi phá hủy con đập Nova Kakhovka, đồng thời bác bỏ những cáo buộc của Ukraine rằng Nga chịu trách nhiệm cho những hành động này. Phát biểu tại ICJ ở La Haye, nhà ngoại giao Nga Alexander Shulgin nói: "Chính quyền Kiev không chỉ tiến hành các cuộc pháo kích quy mô lớn nhằm vào con đập Nova Kakhovka đêm 6/6, mà trước đó còn cố ý nâng mực nước của hồ chứa Kakhovka lên mức nguy hiểm".
Báo tin tức