“Vua của mọi ngành” có lương đến 60 triệu ở Việt Nam, nhưng hơn 200.000 nhân sự toàn cầu vừa rơi vào “khốn đốn”: Thời hoàng kim liệu đã qua?
Có thời điểm, thị trường tuyển dụng của ngành này được xem là “đại dương đỏ” với các cuộc “đào góc tường” lẫn nhau giữa các công ty. Tăng trưởng nóng khiến cho mức lương của ngành tăng lên mức mất kiểm soát trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, đợt sa thải hàng loạt vào đầu năm nay đã khiến ngành có nhiều biến động.
- 11-06-2023Dốc khoảng 6 tỷ đồng tiền tiết kiệm mua nhà cho 3 con trai, đến lúc đổ bệnh tôi phải tự thuê giúp việc: Một mẹ nuôi được 3 con nhưng 3 con chưa chắc nuôi được 1 mẹ
- 09-06-2023Trung Quốc cấm dạy thêm, phụ huynh phải thuê gia sư cho con gần 10 triệu đồng/giờ
- 09-06-2023Chỉ bị bong gân nhẹ, chàng trai 24 tuổi qua đời chỉ sau 2 tháng vì 1 nguyên nhân không ai ngờ
Sức hút của ngành CNTT
Những năm gần đầy, ngành IT hay công nghệ thông tin (CNTT) thường được mệnh danh “Vua của mọi ngành”. Điều này được minh chứng cụ thể bằng mức lương của ngành luôn dẫn đầu.
Theo báo cáo Thị trưởng tuyển dụng 2022 và Xu hướng tuyển dụng 2023 của TopCV - công ty trong lĩnh vực HR Tech cho biết, trong số 10 ngành nghề được khảo sát, ngành IT phần mềm và CNTT có mức lương cao nhất đối với những nhân vị cùng vị trí.
Cụ thể, phân theo cấp bậc, mức lương của nhân viên có thể đạt mức 25 triệu đồng/tháng. Tại những vị trí cao hơn, mức lương hàng tháng có thể chạm mốc 60 triệu đồng, như nhân viên (12-25 triệu đồng), trưởng nhóm (23-40 triệu đồng), trưởng/phó phòng (23-40,7 triệu đồng), Quản lý/Giám sát (23-46 triệu đồng), Giám đốc, Phó Giám đốc (60 triệu đồng).
Ngoài ra báo cáo cũng cho thấy, số năm kinh nghiệm cũng ảnh hưởng đến mức lương. Những nhân sự có kinh nghiệm trên 5 năm có thể đạt được mức lương lên đến 50 triệu đồng/tháng. Với những nhân sự mới vào nghề dưới 1 năm kinh nghiệm, mức lương dao động khoảng 7-16,5 triệu đồng/tháng.
Mặc dù lương cao, song nhân sự thuộc nhóm ngành này vẫn thiếu hụt. Theo báo cáo Báo cáo thị trường IT Việt Nam - Tech Hiring 2022 của TopDev (nền tảng tuyển dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam), Việt Nam sẽ thiếu hụt 150.000-195.000 lập trình viên/kỹ sư hàng năm.
Sự thiếu hụt này xuất phát từ sự chênh lệch giữa trình độ của lập trình viên và yêu cầu kinh doanh. Đáng chú ý là hiện nay chỉ có 35% trong tổng số 57.000 sinh viên chuyên ngành CNTT đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Khoảng cách dự kiến vẫn còn cao cho đến năm 2024 khi nhu cầu lên tới 800.000 lập trình viên.
TopDev cho rằng nhu cầu tuyển CNTT vẫn tăng cho đến năm 2024 xuất phát từ việc Việt Nam đã thu hút đủ sự chú ý để đưa các công ty CNTT vào cùng khu vực để thuê hoặc xây dựng nhóm phát triển sản phẩm; Làn sóng khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ đang trở nên mạnh mẽ hơn, đặc biệt là sau khi đầu tư lớn cho các công ty khởi nghiệp công nghệ; Làn sóng chuyển đổi kỹ thuật số và thương mại điện tử của các doanh nghiệp truyền thống trong các lĩnh vực như du lịch, nông nghiệp, bất động sản…
Với tất cả những lợi thế này, CNTT trở thành ngành “hot” thu hút nhiều thí sinh đăng ký nguyện vọng tại các trường đại học trong những năm gần đây. Từ năm 2019 đến nay, điểm của các ngành liên quan đến công nghệ hay khoa học máy tính luôn ở ngưỡng cao nhất nhì tại những trường đào tạo hàng đầu về lĩnh vực này.
Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, ngành Khoa học máy tính (IT1) thuộc nhóm ngành Công nghệ thông tin luôn là ngành học có điểm chuẩn cao nhất theo phương thức xét điểm thi THPT trong nhiều năm gần đây, dao động từ 27,42 - 28,43 điểm. Năm 2022, ngành này không xét điểm thi THPT mà chuyển sang phương thức xét tuyển tư duy. Ngành có điểm chuẩn cao nhất năm 2022 là Kỹ thuật máy tính (28,29 điểm, thí sinh cần trung bình 9,5 điểm/môn), cũng thuộc nhóm ngành Công nghệ thông tin.
Ngành CNTT tại ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội cũng có điểm chuẩn cao và tăng trong 4 năm liên tiếp. Đáng chú ý, điểm chuẩn ngành này năm 2022 lên tới 29,15 điểm, thí sinh cần trung bình 9,7 điểm/môn mới đỗ.
Ngoài thế mạnh đào tạo kinh tế, các ngành CNTT tại ĐH Kinh tế Quốc dân cũng được đánh giá cao, điểm chuẩn ở ngưỡng 26 - 27 điểm. CNTT còn là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều thí sinh đăng ký ĐH Công nghiệp Hà Nội và Học viện Bưu chính - Viễn thông với điểm chuẩn cao “chót vót”, top 1 trường trong nhiều năm liên tiếp.
Bão sa thải toàn cầu thay đổi “cuộc chơi” của ngành
Cơn bão sa thải “quét” qua các công ty công nghệ lớn nhỏ đã khiến hơn 201.000 nhân viên trong lĩnh vực này bị sa thải kể từ đầu năm 2023, theo Layoffs.fyi. Trong tháng 1/2023, hàng loạt Big Tech như Alphabet - công ty mẹ của Google, Meta, Microsoft, Amazon,... thông báo cắt giảm khối lượng lớn nhân sự.
Tổng cộng hơn 700 công ty công nghệ đã sa thải nhân viên trong năm 2023, con số này trong năm 2022 là 1.024 công ty với tổng cộng 154.336 nhân sự. Các công ty công nghệ khác ở châu Á cũng không phải ngoại lệ khi Kakao, Naver (Hàn Quốc), GoTo (Indonesia), Sea Group (Singapore),... cũng tiến hành cắt giảm nhân sự.
Theo các nhà phân tích, lý do chính khiến các doanh nghiệp CNTT phải sa thải hàng nghìn nhân viên là do suy thoái kinh tế được dự đoán sẽ tấn công Mỹ và Châu Âu vào năm 2023. Tuyên bố sa thải của Google, Microsoft và Meta đề cập việc nhu cầu của khách hàng trong lĩnh vực này giảm do lạm phát và đại dịch cũng như việc nhiều nhà đầu tư rút lui khi suy thoái kinh tế sắp xảy ra.
Một nguyên nhân khác đằng sau làn sóng sa thải là do việc tuyển dụng ồ ạt trong đại dịch Covid-19 khiến nhân sự bị dư thừa. Nhân sự ngành công nghệ vốn được hưởng mức lương cao, đãi ngộ tốt nay đột ngột thất nghiệp, chật vật kiếm công việc mới khi nhu cầu tuyển dụng nhân lực trong ngành thu hẹp dần.
Tờ Business Insider chỉ ra một số dấu hiệu cho thấy người trẻ Mỹ ít mặn mà hơn với “công việc trong mơ” một thời này. Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và ĐH Princeton, 2 ngôi trường danh tiếng có thế mạnh đào tạo công nghệ tại Mỹ ghi nhận số lượng sinh viên ngành khoa học máy tính giảm xuống đáng kể trong năm qua.
Việt Nam có cần thêm nhân sự ngành CNTT?
Trước làn sóng sa thải ồ ạt của các công ty công nghệ hàng đầu thế giới, chị Trần Hồng - CEO của HRI và Itnavi - đơn vị cung cấp nguồn lực ngành IT cho biết thị trường tuyển dụng CNTT của Việt Nam bị tác động nhiều. Theo vị này, tại Việt Nam, nhu cầu nguồn lực CNTT từ đầu năm 2023 cho đến nay đã giảm trên 50% so với trước đây và chưa có dấu hiệu phục hồi.
Đồng quan điểm với ý kiến này, chị Nguyễn Thị Ngọc Mai - Trưởng Ban Tuyển Dụng IT - Công ty CP VCCorp cho biết một số công ty phải cắt giảm 20-50% nhân sự trong bối cảnh nền kinh tế chung đang bị suy thoái khiến nhiều lĩnh vực kinh doanh bị điêu đứng.
Nhìn một cách tích cực CEO Trần Hồng vẫn cho rằng so với các ngành nghề như bất động sản, xuất nhập khẩu… thị trường tuyển dụng CNTT vẫn còn khả quan.
Thực tế, sự chững lại này là khoảng thời gian giúp cho ngành có cơ hội cân bằng trở lại sau một thời gian mức lương mà các doanh nghiệp trả cho ngành này tăng mất kiểm soát.
Xét về nhu cầu tuyển dụng nhân sự CNTT ở Việt Nam, cả 2 vị này đều cho rằng các công ty công nghệ lớn vẫn giữ phong độ tuyển dụng nhưng không phát triển nóng ồ ạt như trước mà chủ yếu tập trung vào nhóm nhân sự có trình độ cao.
“Bởi câu chuyện về nguồn lực của các công ty lớn luôn là những chiến lược dài hạn, bài bản. Dù có một lượng lớn nhân sự bơm ra thị trường thì họ cũng không vội vàng gom. Do nhân sự để làm việc tại đây đòi hỏi có chất lượng cao, kinh nghiệm tốt… Những tệp ứng viên này thường là các nhân sự chủ chốt trong tổ chức nên hiếm khi bị cắt giảm ngay cả khi khó khăn”, chị Ngọc Mai chia sẻ.
CEO của HRI và Itnavi nhận định khi khủng hoảng kinh tế qua đi, nhu cầu tuyển dụng ngành CNTT sẽ tiếp tục tăng nóng trở lại. “Tôi cho rằng CNTT vẫn luôn là ngành trọng điểm cho sự phát triển của tất cả các ngành khác. Khi chuyển đổi số diễn ra, ngành nào cũng cần đến công nghệ. Nhu cầu tuyển dụng của lĩnh vực này sẽ tăng trong thời gian giới”, chị Trần Hồng nói.
Chia sẻ thêm, chị Trần Hồng cho biết do các công ty cắt giảm nhiều nên lượng ứng viên khá dồi dào trên thị trường trong 3 tháng gần đây. Có nhiều sự lựa chọn, doanh nghiệp sẽ yêu cầu khó hơn với mức lương thấp hơn trước đây.
Trước thực tế này, 2 nhà tuyển dụng trong lĩnh vực CNTT đều cho rằng nhân sự CNTT ngày nay không chỉ cần giỏi về chuyên môn, cập nhập những công nghệ mới nhất mà còn cân bổ sung vốn ngoại ngữ và tinh thần ham học hỏi, chủ động ở tất cả mọi tình huống. Một nhân sự tốt luôn được nhà tuyển dụng săn đón và không bao giờ nằm trong danh sách đào thải hay bị đe dọa thay thế bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
“Theo nhận định của tôi, các sĩ tử đang và sẽ có ý định lựa chọn ngành CNTT không nên hoang mang vì lĩnh vực này tại Việt Nam về dài hạn sẽ còn phát triển rất nhiều. Trong ngắn hạn năm nay, năm sau có thể vẫn còn nhiều khó khăn nhưng tương lai về lâu dài của ngành chắc chắn sẽ đi lên”, chị Ngọc Mai chia sẻ.
Nhịp sống thị trường