MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vừa đốt trăm triệu đô trên trời xong, tỷ phú Mỹ bơm tiếp tiền để "thử vàng" tên lửa mạnh nhất hành tinh

21-11-2023 - 11:40 AM | Tài chính quốc tế

Tham vọng đưa hệ thống tên lửa mạnh nhất thế giới Starship đi vào hoạt động của Elon Musk vô cùng lớn.

SpaceX đã cách mạng hóa việc đưa tên lửa vào vũ trụ bằng các bộ đẩy siêu nặng (của tên lửa đẩy) có thể tái sử dụng. Dòng tên lửa Falcon 9 của SpaceX hiện là nền tảng rẻ nhất trên mỗi kg trọng tải.

Tuy nhiên, nếu công ty do Elon Musk thành lập thành công trong việc đưa hệ thống siêu tên lửa Starship mạnh nhất thế giới đi vào hoạt động và vận hành, nó sẽ cắt giảm đáng kể chi phí di chuyển vào quỹ đạo Trái đất, Mặt Trăng, sao Hỏa và xa hơn thế.

Để hiện thực hóa điều đó, tỷ phú Mỹ gốc Nam Phi cần thêm vài chuyến phóng thử nghiệm nữa.

Vừa đốt trăm triệu đô trên trời xong, tỷ phú Mỹ bơm tiếp tiền để "thử vàng" tên lửa mạnh nhất hành tinh - Ảnh 1.

Hệ thống tên lửa-tàu vũ trụ Starship cao 121 mét thẳng tiến lên không gian trong chuyến bay thử nghiệm lần thứ hai ngày 18/11/2023. Ảnh: SpaceXFP

Sau buổi phóng thử nghiệm lần thứ hai của hệ thống Starship ngày 18/11 ở Boca Chica, Texas, Mỹ, tỷ phú Elon Musk tuyên bố Starship của SpaceX sẽ sẵn sàng bay thử nghiệm lần thứ ba trước Giáng sinh 2023, Space.com thông tin ngày 21/11.

Dẫu vậy, SpaceX vẫn cần phải có được giấy phép phóng từ Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) trước khi phóng.

Chương trình Starship của Elon Musk tiêu tốn bao nhiêu tiền?

Bắt đầu từ năm 2012, Elon Musk đã ước tính rằng chương trình Starship sẽ tiêu tốn từ 5 tỷ đến 10 tỷ USD để phát triển. Chỉ riêng trong năm 2023, SpaceX đã lên kế hoạch bơm khoảng 2 tỷ USD vào hệ thống tên lửa nhằm nỗ lực đưa Starship lần đầu tiên vào quỹ đạo.

Nỗ lực đầu tiên vào tháng 4/2023 đã kết thúc sau khi tên lửa "tách tầng đột xuất" trên Vịnh Mexico khoảng bốn phút sau khi cất cánh. Sự cố kỹ thuật buộc đội phóng phải kích hoạt hệ thống chấm dứt chuyến bay, khiến cho hệ thống tên lửa-tàu vũ trụ Starship nổ tung như quả cầu lửa khổng lồ trên không.

Tuy nhiên, chuyến bay thử đầu tiên của Starship đã đạt được một số cột mốc quan trọng và SpaceX - như thường lệ - đã học được những bài học quý giá ngay cả khi thất bại.

Chuyến bay thử nghiệm thứ hai của Starship kéo dài hơn 7 phút. Starship lần này đã bay xa hơn, lâu hơn so với chuyến thử nghiệm thứ nhất và nó cũng đạt được một số thành công như tách 2 tầng tên lửa đúng quy trình, đốt cháy được hết nhiên liệu, chạm đền rìa không gian và không làm bệ phóng (dưới mặt đất) chìm trong biển lửa.

Nhờ chuyến thử thứ hai này, Starship trở thành tên lửa mạnh nhất trong lịch sử.

Vừa đốt trăm triệu đô trên trời xong, tỷ phú Mỹ bơm tiếp tiền để "thử vàng" tên lửa mạnh nhất hành tinh - Ảnh 2.

Starship của Elon Musk lớn hơn, mạnh hơn so với các siêu tên lửa hiện có/trong lịch sử. Đồ họa: BBC

Mặc dù Elon Musk không hoàn toàn tự tin rằng Starship sẽ đi vào quỹ đạo trong năm 2023 nhưng ông tin rằng khoảnh khắc đó sẽ diễn ra vào nửa đầu năm 2024.

"Cách mạng hóa" ngành du hành vũ trụ

SpaceX đã bơm một khoản tiền khổng lồ vào việc phát triển hệ thống tên lửa Starship. Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động, nó có thể cắt giảm đáng kể chi phí du hành vũ trụ.

Chi phí đưa vật chất và con người vào không gian ngày nay rẻ hơn đáng kể so với thời điểm bắt đầu cuộc đua vũ trụ thời Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, việc mở rộng sang du hành vũ trụ vào quỹ đạo vẫn cực kỳ tốn kém.

Starship của Elon Musk có thể thay đổi điều đó nếu chương trình tỷ đô này thành công và mở rộng quy mô.

Tên lửa Falcon 9 của SpaceX có giá khoảng 62 triệu USD và nó mang được trọng tải khoảng 25.000 kg vào không gian.

Trọng tải đó bằng khoảng 1/6 trọng tải tối đa 150 tấn tiềm năng của hệ thống Starship. Elon Musk ước tính chi phí cho mỗi lần phóng Starship trong vòng vài năm sẽ chỉ khoảng 10 triệu USD. Hiện tại, mỗi lần phóng Starship tiêu tốn của SpaceX gấp 10 lần con số đó, tức là khoảng 100 triệu USD.

SpaceX, có trụ sở chính tại Hawthorne, California, Mỹ, có ước mơ đầy tham vọng là sử dụng Starship để đưa con người lên sao Hỏa.

Khách hàng quan trọng nhất của công ty là NASA, cơ quan này đã trao cho SpaceX những hợp đồng trị giá hơn 4 tỷ USD để phát triển Starship nhằm đưa đón các phi hành gia và vật tư lên Mặt trăng.

Còn rất nhiều bước nữa trước khi SpaceX có thể chứng minh rằng phi thuyền này an toàn cho việc hạ cánh người trên bề mặt Mặt trăng.

Các cột mốc quan trọng bao gồm việc hoàn thành các chuyến bay thử nghiệm của Starship dưới quỹ đạo và quỹ đạo mà không có phi hành gia trên tàu, cũng như chứng minh rằng phi thuyền có thể tự tiếp nhiên liệu trong quỹ đạo Trái đất thấp (LEO) từ các tàu vũ trụ khác.

Elon Musk vẫn còn nhiều việc để làm!

Nguồn: Space, AS

Theo Trang Ly

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên