MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

‘Vua mía đường’ Thành Thành Công mạnh tay tái cơ cấu sản xuất

08-05-2019 - 14:38 PM | Doanh nghiệp

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), cho rằng quyết định tạm dừng hoạt động bốn nhà máy đường là một bước lùi để tiến trong khi ngành mía đường đang giữa muôn trùng vây.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), cho biết quyết định tạm dừng hoạt động nhà máy Đường Nước Trong để chuyển sang sản xuất đường organic thay cho đường tinh luyện là một bước lùi để tiến của TTC trong khi ngành mía đường đang giữa muôn trùng vây.

Vùng nguyên liệu manh mún, không thể áp dụng kỹ thuật khoa học tiên tiến trên cánh đồng mẫu lớn, nguồn nhân lực không ổn định, giá điện tăng cùng nhiều tác động khác do đường nhập lậu, đường bẩn… khiến cho sản xuất đường trong nước ngày càng khó khăn, nhiều nhà máy đường có nguy cơ phải đóng cửa.

'Vua mía đường' TTC Sugar hôm nay cũng phải quyết định tạm dừng hoạt động sản xuất của nhà máy đường Nước Trong để chuyển sang sản xuất đường organic thay cho đường tinh luyện.

‘Vua mía đường’ Thành Thành Công mạnh tay tái cơ cấu sản xuất - Ảnh 1.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công.

Tại sao TTC lại quyết định chuyển Nhà máy Đường Nước Trong sang làm đường organic?

Ông Đặng Văn Thành: TTC đã có kế hoạch tạm dừng hoạt động sản xuất của nhà máy Đường Nước Trong với diện tích 3.100ha và sản lượng đường (ước tính niên độ 2018-2019) 10.339 tấn để chuyển sang sản xuất đường organic. Tuy nhiên, đây không phải là quyết định mang tính tình huống, mà là sự chuyển dịch sâu về chiến lược đã được chuẩn bị kỹ từ ba năm nay. Đây cũng là một trong các bước đi quan trọng trong chiến lược tái cơ cấu lại của TTC Sugar để tập trung hơn về sản xuất, chế biến.

Việc chuyển đổi mô hình sản xuất của nhà máy này có nhiều khó khăn không và TTC sẽ làm thế nào?

Ông Đặng Văn Thành: Chuyển dịch sản xuất đường organic không đơn giản, đòi hỏi có cơ quan giám sát theo tiêu chuẩn quốc tế với nhiều tiêu chí bắt buộc. Chúng tôi chọn nhà máy Nước Trong để chuyển đổi mô hình là nhờ 10 năm nay vùng nguyên liệu cho nhà máy này đã không dùng phân hoá học, không dùng thuốc trừ sâu.

Về canh tác organic, TTC đã mời Tiến sỹ Trần Tấn Việt về nghiên cứu thành công con ong mắt đỏ chuyên diệt sâu mía. Sâu mía rất kỵ con ong mắt đỏ. Thứ hai là bẫy sâu bằng đèn, tối mở đèn trên cái phễu, thiêu thân sẽ bay vào, rớt xuống phễu, sáng dậy nhân viên chỉ cần hốt sâu mang cho cá ăn.

Hiện TTC đã sản xuất đường organic tại Lào. Trong định hướng, Campuchia sẽ chuyên sản xuất organic và các sản phẩm sau đường như nước mía, ethanol, bã mía dùng phát điện, nguyên liệu giấy, thay thế ống hút nhựa, cơm hộp nhựa bằng bã mía, thân thiện với môi trường.

TTC Sugar cũng đã nhận chuyển giao nhà máy từ nhà đầu tư Ấn Độ tại Campuchia với công suất 6 ngàn tấn mía cây/ngày, đặc biệt có 17 ngàn hecta vùng nguyên liệu. Đây thực sự là chiến lược then chốt trong điều kiện cạnh tranh nước sôi lửa bỏng, để bảo đảm duy trì thị trường tiêu thụ 90 triệu dân mà TTC chiếm thị phần 50%.

TTC cũng có kế hoạch chuyển dịch vùng nguyên liệu sang Lào, Campuchia. Ông có thể nói rõ hơn về kế hoạch này và đây có phải là bàn đạp để TTC Sugar chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á không thưa ông?

Ông Đặng Văn Thành: Chi phí sản xuất rất quyết định cho vấn đề cạnh tranh. Vùng nguyên liệu manh mún thì không thể cơ giới được. TTC đã nhận thức rất rõ về điều này và chuẩn bị rất kỹ cho chuyển dịch vùng nguyên liệu.

Thông qua việc tiếp quản nhà máy HAGL Sugar Lào và nhà máy sản xuất phức hợp đường - cồn - điện có công suất ép 6 ngàn tấn mía/ngày và tổng diện tích vùng nguyên liệu mía lên đến 17.000ha tại tỉnh Kamadhenu, Campuchia, TTC đã chính thức đạt quy mô hoạt động trên toàn khu vực Đông Dương.

Lý do chúng tôi chọn để mở rộng sang Lào và Campuchia vì những vùng đất này còn hoang sơ, chưa bị ô nhiễm bởi quá trình canh tác hoá học, diện tích canh tác lớn và liền thửa, có thể áp dụng cơ giới hoá trên cánh đồng mẫu lớn để triển khai sản xuất mía organic theo tiêu chuẩn châu Âu.

Bên cạnh nông trường tại Lào với tổng diện tích 7.000ha, tổng diện tích vùng nguyên liệu sản xuất mía tập trung tại Campuchia lên đến 16.000ha trong bán kính không quá 30 km, sẽ nâng diện tích vùng nguyên liệu của TTC lên hơn 70.000ha tại ba nước Đông Dương.

Đặc biệt, với hệ thống dây chuyền nhà máy hiện đại ở Campuchia khi vận hành sẽ sản xuất đường thô, đường tinh luyện, cồn, điện thương phẩm cùng nhiều phụ phẩm có giá trị khác, tạo thành một chuỗi sản xuất khép kín khai thác tối đa giá trị từ cây mía.

Đây là bước chuẩn bị quan trọng để TTC có thể xuất khẩu trực tiếp đường sang các nước Đông Nam Á. Nếu thị trường Việt Nam thiếu hụt, chúng tôi sẽ đưa về. Chiến lược của chúng tôi là 50% xuất khẩu, 50% phục vụ thị trường nội địa.

‘Vua mía đường’ Thành Thành Công mạnh tay tái cơ cấu sản xuất - Ảnh 2.

Nhà máy đường Nước Trong

Ông có tự tin chiến lược này sẽ giúp TTC giải được bài toán về giá thành so với các nước trong khu vực? Theo ông, bao giờ thì TTC ở Campuchia sẽ cho vụ mùa đầu tiên?

Ông Đặng Văn Thành: Thái Lan làm được, mình làm được. Nếu điều kiện khách quan khiến cho người làm mía đường Việt Nam phải chịu chi phí sản xuất cao hơn, thì tại sao mình không tìm môi trường khác để chuyển dịch nguồn nguyên liệu? Với diện tích lớn, "ngoại hình" mình sẽ đẹp hơn, lao động mình lại cần cù, mình đâu thua gì họ.

Hiện nông trường ở Campuchia đang tiếp nhận và trồng mía, trước hết trồng 500ha giống, sau đó nhân lên, ít nhất ba năm mới đủ lượng giống cho 3 ngàn hecta. Chúng tôi đang đổ lực lượng để trồng bên đó, bắt đầu cày, thiết kế lại đồng ruộng. Về nhân sự cũng có khó khăn, phụ thuộc vào luật đầu tư của nước sở tại, trước mắt là đưa cán bộ của mình sang, sau đó đào tạo người địa phương.

Theo Kim Yến

The LEADER

Trở lên trên