MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vượt qua hàng loạt quỹ lớn nhỏ, danh mục Passion Investment và Hestia đã tăng trưởng trong 2 tháng qua nhờ đem tiền gửi ngân hàng?

Trong khi hàng loạt quỹ lớn nhỏ trên TTCK Việt Nam gặp khó khăn trong 2 tháng qua thì Passion Investment (PIF) và Hestia lại tăng trưởng NAV.

Từ đầu tháng 10 tới nay, TTCK Việt Nam đã trải qua nhịp điều chỉnh khá mạnh và chỉ số Vn-Index rơi từ vùng 1.025 điểm xuống còn 900 điểm, tương ứng mức giảm 12%.

Việc thị trường điều chỉnh mạnh trong giai đoạn vừa qua đã khiến danh mục nhà đầu tư sụt giảm đáng kể. Ngay cả những quỹ đầu tư chuyên nghiệp như Dragon Capital, VinaCapital, Pyn Elite Fund, Tundra Vietnam Fund, hay các quỹ ETFs (VNM ETF, FTSE Vietnam ETF, VFMVN30 ETF)…cũng không tránh khỏi "cơn bão" càn quét của thị trường khi giá trị tài sản ròng/chứng chỉ quỹ (NAV) đồng loạt giảm sâu chỉ trong thời gian ngắn.

Dù vậy, vẫn có những quỹ/công ty đầu tư với quy mô danh mục hàng trăm tỷ đồng ngược dòng thị trường, tăng trưởng NAV trong khoảng thời gian từ đầu tháng 10 tới nay như Passion Investment (PIF) và Hestia (HSA).

Theo báo cáo hoạt động, tính tới ngày 13/11, NAV PIF đạt 24.423 đồng, tăng 1,82% so với đầu tháng 10. Tương tự, NAV của Hestia tại ngày 13/11 là 29.298 đồng, tăng 0,82% so với đầu tháng 10. Mức sinh lợi kể trên là không quá lớn, tương đương với gửi tiết kiệm (hoặc nhỉnh hơn đôi chút) nhưng so với bối cảnh TTCK Việt Nam lúc này có thể coi là khá tích cực.

Vượt qua hàng loạt quỹ lớn nhỏ, danh mục Passion Investment và Hestia đã tăng trưởng trong 2 tháng qua nhờ đem tiền gửi ngân hàng? - Ảnh 1.

NAV PIF và Hestia vượt qua hàng loạt quỹ lớn trên TTCK Việt Nam từ đầu tháng 10 tới nay

Thành lập trong giai đoạn 2014-2015, PIF và Hestia là 2 công ty hoạt động gần giống quỹ đầu tư do ông Lã Giang Trung làm Tổng giám đốc. Dù chỉ mới xuất hiện nhưng PIF và Hestia đã gặt hái không ít thành công trên TTCK Việt Nam với mức tăng trưởng NAV hàng chục phần trăm mỗi năm trong giai đoạn 2016 – 2017. Với mức sinh lợi "khủng" kể trên, PIF và Hestia được coi là ngôi sao mới nổi trong thị trường tài chính Việt Nam những năm gần đây.

Chiến lược của PIF và Hestia là đầu tư tập trung vào một số ít cổ phiếu cơ bản tốt, có tiềm năng tăng trưởng mạnh. Thực tế cho thấy, chiến lược này khá thành công trong giai đoạn từ năm 2016 đến quý 1/2018. Khi đó, cả hai công ty do ông Lã Giang Trung quản lý đầu tư gần như "tất tay" vào một vài cổ phiếu tăng trưởng mạnh như MWG, PNJ hay VPB.

Tuy nhiên, kể từ khi TTCK Việt Nam bắt đầu điều chỉnh mạnh từ đầu quý 2/2018, PIF và Hestia cũng khó tránh khỏi xu hướng chung thị trường.

Thậm chí, việc "all in" vào cổ phiếu VPB của PIF và Hestia từ đầu năm 2018 càng khiến tình hình trở nên tệ hơn khi VPB có mức giảm khá mạnh so với mặt bằng chung thị trường. Thành quả của PIF và Hestia từ đầu năm theo đó không chỉ "bay hơi" hoàn toàn mà NAV còn ở mức âm chỉ sau vài tháng.

Vượt qua hàng loạt quỹ lớn nhỏ, danh mục Passion Investment và Hestia đã tăng trưởng trong 2 tháng qua nhờ đem tiền gửi ngân hàng? - Ảnh 2.

NAV PIF (bên trái) và Hestia (bên phải) gần như đi ngang trong vài tháng gần đây

Dù vậy, từ giữa tháng 7 tới nay, NAV của PIF và Hestia gần như chỉ đi ngang trong biên độ rất hẹp, bất chấp TTCK Việt Nam đã có những biến động khá dữ dội (Vn-Index từ vùng 900 điểm vào giữa tháng 7 lên trên 1.000 điểm vào đầu tháng 10, sau đó tiếp tục giảm về vùng 900 điểm).

Trên website của PIF và Hestia hiện không còn công bố báo cáo chi tiết về hiệu quả hoạt động như giai đoạn "ăn nên làm ra" trước đó. Số liệu được công bố gần nhất vào ngày 31/8 của Hestia cho thấy số dư tiền gửi tại ngân hàng lên tới 98 tỷ đồng, chiếm 40% tổng tài sản công ty. Trong khi vào thời điểm đầu năm, số dư tiền mặt của quỹ chỉ vỏn vẹn 2 tỷ đồng.

Vượt qua hàng loạt quỹ lớn nhỏ, danh mục Passion Investment và Hestia đã tăng trưởng trong 2 tháng qua nhờ đem tiền gửi ngân hàng? - Ảnh 3.

Số dư tiền gửi ngân hàng Hestia tăng mạnh vào cuối tháng 8

Dựa vào yếu tố NAV đi ngang trong vài tháng qua, cùng với số dư tiền mặt gửi ngân hàng tăng mạnh, không loại trừ khả năng PIF và Hestia đã tất toán danh mục, đem phần lớn tiền gửi ngân hàng sau cú "sốc" bay hơi thành quả.

Và quả thực, chiến lược này đã giúp PIF và Hestia không những bảo toàn tài sản mà NAV còn tăng trưởng trong giai đoạn từ tháng 10 tới nay, trong khi hầu hết các quỹ đầu tư trên TTCK Việt Nam đều sụt giảm mạnh.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên