WHO: 90% nước đóng chai có hạt vi nhựa bên trong, và đây là câu trả lời cho việc chúng có hại hay không
Có những loại nước mang tỉ lệ nhựa lên tới 10.000 mảnh/lít, nhưng tác hại của chúng là gì?
Dù mất quá nhiều thời gian để chứng minh, nhưng cuối cùng nhân loại cũng nhận ra rằng quả thực tầm ảnh hưởng của nhựa là rất lớn. Giờ đây, nhựa tồn tại ở khắp mọi nơi: trong bầu không khí chúng ta hít thở, trong những gì chúng ta ăn, và trong nước chúng ta vẫn uống hàng ngày.
Năm 2018, một nghiên cứu từ ĐH Bang New York đã chỉ ra một sự thật đáng buồn, đó là có đến hơn 90% các loại nước đóng chai trên thế giới - kể cả những hãng nổi tiếng nhất - có chứa vi hạt nhựa trong đó . Thậm chí có những trường hợp tỷ lệ hạt nhựa lên tới 10.000 mảnh/lít nước.
Dựa trên kết quả này, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã quyết định thực hiện một nghiên cứu về độ an toàn của nước đóng chai chứa nhựa. Nếu như chúng ta nạp nhựa vào người, rồi số nhựa ấy theo hệ bài tiết thải ra môi trường, thì trong quãng thời gian đó nhựa đã làm gì với cơ thể chúng ta?
Đáp án là... CHỊU
Kết quả nghiên cứu của WHO cuối cùng đã được công bố. Nhưng trái với kỳ vọng của tất cả mọi người, kết luận của nghiên cứu không có gì rõ ràng. Với khối dữ liệu ít ỏi, tác giả chỉ có thể tham khảo 9 nghiên cứu về hạt vi nhựa trong nước uống, mà phần lớn trong số đó lại có vẻ không đáng tin cậy.
"Chúng ta thực sự cần sớm biết ảnh hưởng của hạt vi nhựa đến sức khỏe, vì chúng có ở mọi nơi, kể cả nước uống," - trích lời giám đốc sức khỏe cộng đồng Maria Neira của WHO.
"Nếu dựa trên số thông tin có được, hạt vi nhựa trong nước uống có vẻ không gây hại gì, ít nhất là trong thời điểm hiện tại. Có điều, chúng ta cần nhiều bằng chứng hơn."
Việc có quá ít dữ liệu khiến cho kết luận của nghiên cứu trở nên thiếu chắc chắn. Dữ liệu đáng tin cậy cũng không nhiều, hơn nữa số dữ liệu về ảnh hưởng của nhựa lên sức khỏe thì càng hạn chế.
Ở thời điểm hiện tại, các nghiên cứu về hạt vi nhựa đều đang ở giai đoạn sơ khai. Dù vậy, nghiên cứu của WHO có đưa ra một vài thông tin thú vị. Chẳng hạn, các hạt vi nhựa có kích cỡ lớn hơn 150 micromet sẽ ít xuất hiện trong nước hơn. Và ngoài ra thì những hạt nhỏ nhất cũng không lớn hơn 1 micromet.
Sự tồn tại của nhựa trong nước không có nghĩa là các loại nước đóng chai đang gây hại cho sức khỏe con người. Trên thực tế, nhựa polymer trong nước thường được đánh giá là có nồng độ độc tố thấp, và kết quả ban đầu cho thấy tỷ lệ hấp thụ nhựa cũng không hề cao.
Dù vậy, các nghiên cứu vẫn tạo ra là sóng lo ngại trong công chúng. Nếu nhựa lọt được vào ruột, rõ ràng có khả năng chúng tạo thành độc tố, gây ra phản ứng oxy hóa trong bụng, thậm chí là gây ung thư.
Các nghiên cứu về vấn đề này hiện vẫn chưa cho thấy dấu hiệu đáng ngại, nhưng hầu hết chỉ nhắm đến đối tượng là các hạt nhựa cỡ "lớn" (micromet), chứ không phải nhựa cỡ nano.
"Dù không thể đưa ra kết luận chắc chắn nào liên quan đến việc độc tố trong hạt vi nhựa lan truyền qua nước uống, nhưng cũng không có nguồn tin đáng tin cậy nào cho thấy đó là vấn đề cần lo ngại." - báo cáo của WHO kết luận.
Vẫn cần các nghiên cứu sâu hơn
Với các nhà sản xuất và phân phối nước đóng chai, kết luận của WHO quả thực là nhẹ nhõm. Tuy nhiên trên thực tế, đây vẫn là một vấn đề cần phải tìm hiểu sâu hơn.
Bản thân các tác giả nghiên cứu đã phải thừa nhận rằng đây không phải là nghiên cứu ổn, vì cần có nhiều nguồn tin đáng tin cậy hơn về cách nhựa gây ảnh hưởng đến chúng ta, và làm sao để loại bỏ nhựa ra khỏi nước uống.
"Chúng có thể mang lại virus hoặc vi khuẩn, cùng một số chất có hại vào nước - như chì chẳng hạn."
Theo Paul Harvey, nghiên cứu lần này được tiến hành một cách khá tùy tiện. Ông cho rằng việc đưa ra kết luận như vậy cũng giống như nói rằng "Không có dữ liệu, nghĩa là không có vấn đề" vậy.
Vậy nên cho đến khi chúng ta có một bộ dữ liệu chuẩn, câu chuyện nhựa trong nước đóng chai vẫn là một vấn đề cần được quan tâm.
Nghiên cứu được công bố trên trang tin của WHO.
Tham khảo: ScienceABC, WHO Report
Helino