MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xã có vị trí đắc địa sẽ là phần quan trọng của thành phố phía Tây Hà Nội: Diện tích bằng 3 quận nội thành, giáp “Thung lũng Silicon” Việt Nam

Xã này có diện tích bằng 3 quận nội thành gộp lại, có hồ lớn nhất Thủ đô, giáp “Thung lũng Silicon” Hoà Lạc và dự kiến là điểm cuối của tuyến đường sắt đô thị Văn Cao – Hoà Lạc.

Sáng 30/10, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội tổ chức Hội nghị liên quan đến Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh đề xuất các đơn vị nghiên cứu thêm hướng p hát triển thành phố du lịch, văn hóa, lịch sử, nghỉ dưỡng tại vùng văn hóa Sơn Tây - Xứ Đoài, lấy Sơn Tây, Phúc Thọ và Ba Vì làm trung tâm, tạo cực mới cho phát triển công nghiệp văn hóa.

Tuy nhiên, trong tờ trình dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) mà Chính phủ vừa gửi Quốc hội hồi đầu tháng 10, Hà Nội dự kiến chỉ có thêm 2 thành phố trực thuộc gồm: Thành phố logistics, dịch vụ ở Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và Thành phố giáo dục, đào tạo, khoa học ở vùng Hòa Lạc, Xuân Mai.

Trong đó với thành phố phía Tây, theo tờ trình của UBND TP Hà Nội trước đó, phạm vi nghiên cứu bao gồm đô thị Hòa Lạc và đô thị Xuân Mai, nghiên cứu phát triển mở rộng ra đến sông Tích, sông Bùi với quy mô nghiên cứu khoảng 251km2. Trong đó đô thị Hòa Lạc được định hướng là trung tâm đầu não về khoa học kỹ thuật công nghệ cao, trung tâm đào tạo, giáo dục chất lượng cao.

Đáng chú ý, theo Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, TP Hà Nội đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định ngày 28/5/2020, Đô thị Hòa Lạc nằm trong địa giới hành chính của 10 xã thuộc huyện Thạch Thất, 6 xã thuộc huyện Quốc Oai và một phần xã Cổ Đông thị xã Sơn Tây.

Như vậy trong trường hợp định hướng phát triển thành phố phía Tây của UBND TP Hà Nội được thông qua, một phần xã Cổ Đông của thị xã Sơn Tây có thể sẽ được lên thẳng thành phố .

Xã có vị trí đắc địa

Xã Cổ Đông nằm ở phía nam thị xã Sơn Tây - thị xã duy nhất của Hà Nội. Với diện tích 26,05 km2, xã này bằng quy mô của 3 quận Ba Đình, Cầu Giấy và Hoàn Kiếm cộng lại. Từ xã này đi đến trung tâm thị xã Sơn Tây khoảng 10km. Trước đó, xã Cổ Đông từng thuộc huyện Ba Vì, sau đó đến năm 1982, Chính phủ đã quyết định cắt 7 xã của huyện Ba Vì, trong đó có xã Cổ Đông về thị xã Sơn Tây, ổn định địa giới hành chính cho đến ngày nay.

Xã có vị trí đắc địa sẽ là phần quan trọng của thành phố phía Tây Hà Nội: Diện tích bằng 3 quận nội thành, giáp “Thung lũng Silicon” Việt Nam - Ảnh 1.

Xã Cổ Đông nằm giáp ranh với Khu Công nghệ cao Hoà Lạc – khu vực được ví như “Thung lũng Silicon” ở Việt Nam hiện nay. Nơi này vừa khánh thành Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), phòng lab Samsung Innovation Campus và Trung tâm ươm tạo thiết kế chip. Riêng NIC dự kiến sẽ là nơi quy tụ, dẫn dắt và kết nối, từng bước hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.

Ngoài ra, Khu Công nghệ cao Hoà Lạc cũng là bản doanh của nhiều doanh nghiệp trong nước như Viettel, FPT, VNPT, Vingroup,… Tính đến năm 2022, khu công nghệ cao Hoà Lạc đã thu hút được 100 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 95.000 tỷ đồng, tính ra trung bình mỗi ha được đầu tư gần 60 tỷ.

Đáng chú ý, hồ Đồng Mô rộng 200ha trải dài giữa Sơn Tây và Ba Vì, trong đó có xã Cổ Đông. Trong Hội nghị với UBND TP Hà Nội sáng 30/10, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Sơn Tây đã đề nghị bổ sung hướng quy hoạch điểm du lịch quốc gia với hồ Đồng Mô - là hồ lớn nhất của Hà Nội cũng như mở rộng hai đầu kết nối đường 416, trục liên kết ngang quan trọng của 3 huyện và thị xã Sơn Tây, Phúc Thọ và Ba Vì.

Ngoài ra, xã Cổ Đông có QL21 đi qua, giáp ranh với sân bay Hoà Lạc. Theo định hướng, khu vực sân bay Hoà Lạc và vùng đệm và vùng đệm xung quanh sân bay, gắn với không gian xanh, du lịch hồ Đồng Mô, làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam và rừng quốc gia Ba Vì.

Ở đó, sẽ bố trí các trung tâm bán buôn lớn, các mô hình chợ, thương mại mới và là trạm cuối của tuyến đường sắt đô thị số 5 Văn Cao – Hoà Lạc và tuyến đường sắt nội vùng.

Như vậy, với một xã chủ yếu phát triển nông nghiệp và chăn nuôi như hiện tại, Cổ Đông được kỳ vọng sẽ có nhiều bước tiến hơn nữa trong tương lai, trước thông tin lên thành phố và quy hoạch mới.

Nhật Minh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên