Xem GenZ "nhà người ta" tiết kiệm mà học hỏi ngay thôi: Người 2 năm để dành được 120 triệu, người kiếm tận 50 triệu/tháng, tiêu chưa đến 5 triệu còn lại đưa mẹ giữ hết!
Chi tiêu, tiết kiệm khéo thế này thì đích thị là “con nhà người ta” rồi!
- 20-08-2024Thông tin lịch sử nợ xấu trên CIC bao lâu thì được xóa?
- 20-08-2024Sau nhiều năm học hỏi, tôi đã rút ra được 5 bước đơn giản để lập kế hoạch tài chính hiệu quả
- 20-08-2024Người trẻ nên vay tiền mua nhà hay ở nhà thuê?
Lắng nghe chia sẻ của 2 cô bạn này về cách quản lý chi tiêu, tiết kiệm, không ít người phải trầm trồ ngợi khen. Xuất hiện trong 1 cuộc phỏng vấn dạo trên kênh TikTok @dilamhaydilam (Đi làm hay đi lầm), với câu hỏi "bạn tiết kiệm được bao nhiêu tiền", câu trả lời họ đưa ra khiến CĐM phải vỗ tay!
Mỗi tháng tiết kiệm 5 triệu, gửi cho mẹ 90% tiền lương
Với mức lương 12 triệu, cô bạn đều đặn tiết kiệm 5 triệu mỗi tháng. 7 triệu còn lại chia đều cho tiền thuê nhà, điện nước, ăn uống và tiêu vặt.
Cụ thể: Tiền thuê nhà - 2 triệu; tiền điện nước - 1,5 triệu; ăn uống và tiêu vặt - 3,5 triệu đồng.
Nhờ cách tiết kiệm và phân bổ chi tiêu thế này mà chỉ trong 2 năm, cô bạn đã tiết kiệm được 120 triệu đồng - Một số tiền không hề nhỏ, đặc biệt là với mức lương 12 triệu/tháng.
Trong khi đó, một cô bạn khác với mức lương 50 triệu/tháng lại có cách tiết kiệm "độc lạ" hơn: Gửi hết tiền về cho mẹ, vừa để mẹ vui và yên tâm, vừa tránh "tiêu lố".
Điều đáng khen hơn nữa là dù thu nhập cao, nhưng cô bạn này chỉ tiêu khoảng 5 triệu/tháng.
Các khoản chi được cô bạn chia sẻ như sau: Tiền nhà - 2 triệu (ở ghép với bạn), tiền ăn - 2 triệu (tự nấu ăn), tiền đi lại - 500k. Vậy là trung bình 1 tháng, cô chỉ tiêu hết khoảng 4,5 triệu đồng cho những chi phí cơ bản.
Tính ra, cô bạn này gửi cho mẹ được ít nhất 90% tiền lương mỗi tháng. Quả là đáng nể!
3 bí quyết đơn giản giúp bạn muốn tiêu hoang cũng không được!
Chúng ta đều biết tiết kiệm là nên làm càng sớm càng tốt, tuy nhiên không phải ai cũng thực hiện được vì nhìn đâu cũng thấy những cám dỗ chi tiêu, mua sắm. Để hạn chế tình trạng tiêu hoang do khả năng "giữ mình, giữ tiền" chưa tốt, bạn có thể tham khảo 3 gợi ý dưới đây.
Tất cả đều đơn giản chứ chẳng có gì cao siêu.
1 - Nhờ mẹ giữ tiền
Với những người chưa tự tin với khả năng quản lý chi tiêu, gửi tiết kiệm online hay gửi tiết kiệm tại quầy đều không phải nước đi hợp lý, vì thích là vẫn có thể rút tiền trước hạn. Thế là thành ra công cốc.
Trong hoàn cảnh ấy, đưa tiền nhờ mẹ giữ giúp mới là phương án tốt nhất để bảo toàn số tiền bạn dự định tiết kiệm. Đã đưa tiền cho mẹ rồi mà muốn "rút", kiểu gì cũng phải trình bày lý do. Nếu lý do không hợp lý, chắc chắn "ngân hàng mẹ" không cho rút, thế là yên tâm không còn cửa mà vung tiền vô tội vạ.
2 - Mua vàng, chứng khoán, chứng chỉ quỹ,...
Hay nói cách khác chính là quy đổi tiền mặt ra thành những tài sản không có giá trị giao dịch trong cuộc sống thường ngày. Nếu chưa có kinh nghiệm đầu tư, bạn có thể trích một phần tiền tiết kiệm để đi học đầu tư chứng khoán, chứng chỉ quỹ. Song song với đó, hãy mua vàng đều đặn hàng tháng.
Đừng quá quan tâm tới giá vàng, tiền mặt có bao nhiêu thì mua bấy nhiêu, 2 phân vàng, 5 phân hay 1 chỉ vàng đều được. Vì mục đích mua vàng lúc này là để giữ tiền mà, giá vàng cao hay thấp không còn là yếu tố quá quan trọng nữa.
Cứ nghĩ đơn giản rằng số tiền đó mà không mua vàng, kiểu gì mình cũng tiêu "rả rích" hết, nên cứ mua vàng và giữ qua năm tháng coi như của để dành cho bản thân. Sau này có lập gia đình cũng có một khoản phòng thân kha khá.
3 - Gỡ liên kết thẻ ngân hàng/thẻ tín dụng khỏi các ứng dụng mua sắm
Thanh toán online rõ ràng là tiện, lại còn áp được nhiều mã giảm giá hơn hẳn hình thức thanh toán khi nhận hàng (COD). Tuy nhiên, mặt trái của sự tiện lợi này chính là khiến chúng ta chốt đơn vô tội vạ, vì thao tác quá dễ dàng mà.
Chính bởi thế, nếu muốn cắt giảm tiền shopping online, bạn hãy gỡ liên kết thẻ ngân hàng/thẻ tín dụng khỏi các ứng dụng mua sắm online. Đôi khi vì lười đi rút tiền mặt để trả shipper mà bạn sẽ có thêm thời gian ngẫm nghĩ, coi mình có thực sự cần món đồ ấy không, cũng là điều tốt.
Nhịp sống thị trường