Xem xét bóc tách những khoản vay tiêu dùng lớn vào bất động sản?
Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường giám sát và có thể xem xét bóc tách những khoản vay tiêu dùng lớn “lách” vào đầu tư bất động sản.
Đây được xem là một trong những hoạt động cụ thể của nhà quản lý, trong định hướng kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản, tăng cường an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng thời gian tới.
Trao đổi với BizLIVE, một lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước cho biết, những năm gần đây tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam được đẩy mạnh, nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống người dân.
Trong tín dụng tiêu dùng, một bộ phận lớn có nhu cầu mua, sửa chữa nhà để ở của công viên chức, lực lượng vũ trang, những gia đình trẻ… Về chính sách, đây được xác định là những nhu cầu thiết yếu, tín dụng có vai trò góp phần hỗ trợ nâng cao đời sống dân cư và xã hội.
Theo đó, thời gian qua và hiện nay, Ngân hàng Nhà nước áp dụng chính sách khuyến khích, gián tiếp hỗ trợ nguồn vốn đáp ứng những nhu cầu thiết yếu này của người dân, qua việc xếp nhu cầu vay vào nhóm tín dụng tiêu dùng, áp dụng hệ số rủi ro thấp hơn nhiều so với các khoản vay đầu tư, kinh doanh bất động sản (50% so với 200%).
Mặt khác, các khách hàng cá nhân vay nhóm này, thuộc tín dụng tiêu dùng, có năng lực tài chính, các nguồn thu nhập và khả năng trả nợ độc lập với dự án bất động sản. Đây cũng là một trong những đặc điểm góp phần xác định hệ số rủi ro thấp hơn.
Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo trên, thực tiễn cho vay có thể phát sinh hiện tượng lạm dụng tín dụng tiêu dùng, tạo những khoản vay lớn để mua nhiều bất động sản và vượt trên nhu cầu mua, sửa chữa nhà ở của một cá nhân thông thường. Đây được xem như hoạt động đầu tư, thậm chí đầu cơ và tiềm ẩn rủi ro tín dụng cao.
Mặt khác, nếu hiện tượng trên mở rộng, nguồn vốn từ những khoản vay lớn vượt trên nhu cầu bình thường của một cá nhân, chảy vào bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro, cũng như có thể góp phần tạo “bong bóng” giá và tỷ lệ đòn bẩy cao trên thị trường này.
Để hạn chế hiện tượng trên, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường giám sát, có thể xem xét đến cơ chế bóc tách những khoản vay tiêu dùng lớn nói trên nhưng có mục đích thực đầu tư, kinh doanh bất động sản. Qua đó có thể xác định các hạn mức với các hệ số rủi ro hợp lý để kiểm soát chặt chẽ.
Đầu năm 2019, trong Chỉ thị số 01, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã định hướng sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán…
Trước đó, báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu (tháng 10/2018), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh đến yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tín dụng trong năm 2019 ở những lĩnh vực trên, và tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên.
BizLive