MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xem xét giảm giá điện cho ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD

Xem xét giảm giá điện cho ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD

Trong dự thảo Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Chính phủ giao Bộ Công Thương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8-2021 về việc giảm giá điện cho một số ngành, lĩnh vực.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa công bố dự thảo Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Dự thảo được khẩn trương xây dựng sau kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN diễn ra ngày 8-8 vừa qua.

Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ đặt mục tiêu sớm kiểm soát được đại dịch Covid-19 để khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, hỗ trợ tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của DN để giảm thiểu số DN tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi đại dịch.

 Xem xét giảm giá điện cho ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD  - Ảnh 1.

Chính phủ yêu cầu các bộ ngành triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19

Nghị quyết cũng đưa ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2021 đạt một số chỉ tiêu cụ thể như lũy kế khoảng 1 triệu lượt DN, khách hàng được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó đại dịch; Khoảng 160.000 DN được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; Khoảng 50.000 DN quay trở lại hoạt động; hàng trăm ngàn DN được tiếp cận các chính sách hỗ trợ về giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động...

Theo dự thảo Nghị quyết do Bộ KH-ĐT chủ trì xây dựng, Chính phủ quyết nghị 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, giao rõ cho từng bộ, ngành và địa phương.

Nhóm giải pháp thứ nhất là thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19 linh hoạt, hiệu quả tạo điều kiện cho DN ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong đó, Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phân bổ hợp lý, hiệu quả nguồn vắc-xin phòng Covid-19 theo Nghị quyết của Chính phủ, bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm bao gồm người lao động của DN tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các DN trong chuỗi cung ứng đang có đơn hàng sản xuất, hoạt động xuất nhập khẩu, sử dụng nhiều lao động; người lao động trong một số lĩnh vực có tiếp xúc cao.

Nhóm giải pháp thứ hai là đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng. Trong đó, Chính phủ giao các Bộ Giao thông vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,...đảm bảo lưu thông hàng hoá, không quy định thêm các điều kiện cản trở lưu thông, đặc biệt đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, vật tư, nguyên liệu sản xuất; không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí của DN.

Đồng thời, giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho các thương nhân, DN thu mua, tạm trữ thóc, gạo, nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhóm giải pháp thứ ba là hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho DN. Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) hướng dẫn Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu đề xuất các chính sách tạm dừng, giảm mức đóng bảo hiểm xã hội năm 2021 cho DN đến tháng 6-2022.

Giao Bộ Công Thương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8-2021 về việc giảm giá điện cho các kho chứa hàng hóa của các DN logistics, chế biến nông, lâm, thủy sản và một số ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 1 tỉ USD.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện giảm giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ ngành liên quan nhanh chóng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Dự thảo Nghị quyết nêu rõ, Bộ Tài chính khẩn trương triển khai các chính sách về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được ban hành; triển khai chính sách thuế ưu đãi đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống Covid-19 sau khi được Chính phủ thông qua.

Bên cạnh đó, xem xét, nghiên cứu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2021; đánh giá tác động để có thể xem xét tiếp tục giảm lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước thêm một khoảng thời gian phù hợp với diễn biến đại dịch Covid-19.

Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nghiên cứu cho phép các DN lữ hành được tạm thời rút tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành nội địa và quốc tế; giảm thời gian giải quyết rút tiền ký quỹ từ 60 ngày xuống 30 ngày; tiếp tục gia hạn giảm phí cấp phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch đến hết tháng 12-2021.

Nhóm giải pháp thứ 4 là về vấn đề lao động, chuyên gia. Chính phủ giao Bộ LĐ-TB-XH đề xuất chính sách áp dụng linh hoạt và nới lỏng các quy định, điều kiện về việc cấp, gia hạn giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới.

Bên cạnh đó, nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép DN thỏa thuận với người lao động điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng phù hợp với diễn biến đại dịch với điều kiện đảm bảo tổng số giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Ngân hàng nhà nước Việt Nam nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg theo hướng điều chỉnh linh hoạt quy định về quyết toán thuế và nợ xấu từ khi có dịch đối với điều kiện vay vốn để trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất kinh doanh.

Dự thảo Nghị quyết cũng nêu rõ, Chính phủ yêu cầu Bộ Ngoại giao tiếp tục đẩy mạnh “ngoại giao vắc-xin”; vận động, thúc đẩy đối tác, cung cấp vắc-xin đúng cam kết; thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19; hỗ trợ trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế.

Ngoài ra, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc áp dụng cơ chế kiểm soát y tế, phòng dịch đặc biệt sau khi nhập cảnh đối với một số trường hợp đặc thù, cụ thể. Đẩy nhanh việc nghiên cứu, đàm phán, công nhận lẫn nhau “hộ chiếu vắc-xin” với các quốc gia, vùng lãnh thổ nhằm sớm mở cửa nền kinh tế khi điều kiện cho phép.

Tổ chức mô hình sản xuất - kinh doanh phù hợp với điều kiện

Dự thảo Nghị quyết nêu rõ, các địa phương nghiên cứu, đánh giá đầy đủ khả năng thực tế của DN, địa phương khi áp dụng các mô hình: “hai điểm đến, một cung đường”, “ba tại chỗ”... để áp dụng khi đáp ứng điều kiện.

Cùng với DN, chủ động nghiên cứu, thống nhất, quyết định và chịu trách nhiệm về phương án, điều kiện tổ chức sản xuất kinh doanh an toàn phù hợp với diễn biến đại dịch Covid-19 ở địa phương và điều kiện thực tế của DN (bao gồm cả việc kiểm tra và cho phép DN hoạt động trở lại khi đáp ứng điều kiện).

Các địa phương cần vận dụng sáng tạo, linh hoạt các mô hình, cách làm tốt vào thực tế địa phương mình; trường hợp có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo Tổ công 7 tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 để hỗ trợ, giải quyết.

Tập trung tháo gỡ triệt để tình trạng ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa do bất cập trong thực thi các quy định, thủ tục về phòng, chống đại dịch Covid-19.

Theo Minh Chiến

Theo Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên