MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xin cấp phép làm trang trại nhưng ra sức sản xuất... điện mặt trời

Dù không đạt so với tiêu chí xác định kinh tế trang trại và chưa phù hợp với quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, nhưng nhiều trường hợp ở Đắk Lắk vẫn được cấp giấy phép xây dựng làm trang trại. Những trang trại này chỉ chăm chăm sản xuất điện mặt trời.

Thanh tra tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành kết luận về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn huyện Krông Pắc.

Cụ thể, qua thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm sang đất nông nghiệp khác để phát triển kinh tế trang trại kết hợp thực hiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà đối với 6 trường hợp, đoàn thanh tra phát hiện nhiều vi phạm .

Xin cấp phép làm trang trại nhưng ra sức sản xuất... điện mặt trời - Ảnh 1.

Nhiều trang trại ở Đắk Lắk chỉ chăm chăm sản xuất điện mặt trời.

Theo đó, nhiều thửa đất không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện Krông Pắc, nhưng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện tham mưu Chủ tịch UBND huyện cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây hàng năm sang đất nông nghiệp khác để làm kinh tế trang trại, được chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) huyện xác nhận. Điều này không đúng quy định tại Điều 52 Luật Đất đai năm 2013.

Đơn cử như trường hợp bà Hồ Thanh Nga (Hà Nội) có 11.500 m 2 ở xã Ea Kly, mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm khác. Tháng 9/2020, UBND huyện Krông Pắc có công văn giải quyết hồ sơ đăng ký biến động mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây lâu năm sang đất nông nghiệp khác để làm kinh tế trang trại cho bà Nga và được chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Krông Pắc xác nhận.

Thanh tra tỉnh đối chiếu với Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của UBND tỉnh, Kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của huyện Krông Pắc, thì thời điểm bà Nga đăng ký biến động, thửa đất trên thuộc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là đất ở nông thôn và đất trồng cây lâu năm.

Đoàn thanh tra của tỉnh cũng phát hiện phần lớn số trang trại được kiểm tra có giá trị sản phẩm hàng hóa không đạt so với tiêu chí xác định kinh tế trang trại được quy định tại Điều 5, Thông tư số 02/2020 ngày 13/4/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng vẫn được Phòng kinh tế tham mưu cho UBND huyện cấp giấy phép xây dựng làm trang trại.

Các trang trại được kiểm tra chưa triển khai trồng trọt, chăn nuôi theo chủ trương được UBND huyện Krông Pắc đồng ý. Mục đích chính xin chủ trương và cấp phép xây dựng làm trang trại là để thực hiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, nhằm hưởng chế độ ưu đãi của nhà nước.

Trường hợp ông Vũ Minh Hoàn (tỉnh Nam Định) được UBND huyện Krông Pắc đồng ý chủ trương phát triển trang trại nông nghiệp trên địa bàn xã Ea Kly vào năm 2020, với diện tích 30.615 m 2 , loại cây trồng: Nấm, rau, cây ăn trái…, vốn đầu tư hơn 1,1 tỷ đồng. Qua kiểm tra hiện trạng sử dụng thửa đất, có khoảng 10.000 m 2 đã thực hiện dự án điện năng lượng mặt trời áp mái, dưới mái tôn trồng cây đinh lăng còn nhỏ (cao khoảng 30-40 cm), cây phát triển kém. Diện tích đất còn lại là trồng cây ăn trái.

Cơ quan thanh tra tỉnh Đắk Lắk nêu rõ, trách nhiệm của những khuyết điểm trên thuộc Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc, Phó chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực; Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện Krông Pắc; Trưởng, Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng (các chức danh tham mưu cấp giấy phép xây dựng trang trại) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Ngày 22/9, PV Tiền Phong liên hệ với ông Đinh Xuân Diệu - Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc - để hỏi quan điểm của ông khi Thanh tra tỉnh gọi tên trách nhiệm người đứng đầu và chỉ đạo của huyện sau thanh tra. Ông Diệu chỉ nói đã có văn bản chỉ đạo...

Theo Huỳnh Thủy

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên