"Xịn như hàng Nhật": Vì sao đồ điện tử Sharp, Sony, Panasonic từng rất được ưa chuộng ở Việt Nam nay gần như không còn?
Hơn chục năm trước, người tiêu dùng Việt Nam rất ưa chuộng đồ điện tử Nhật trong gia đình. Mua TV phải chọn Sony, điều hòa phải dùng Panasonic, tủ lạnh phải là Sharp. Nhưng hình ảnh này giờ đã không còn.
- 07-02-2022Thêm thứ này vào chảo chống dính chảo sẽ bền thêm vài năm và loạt mẹo nhỏ giúp đồ dùng sử dụng lâu hơn
- 17-01-2022Vết bẩn cứng đầu đến mấy cũng phải chào thua trước những tuyệt chiêu này, đồ dùng trong nhà sạch bong trong vòng một nốt nhạc
- 20-08-2020Covid-19 làm tăng mạnh nhu cầu đồ dùng làm việc tại nhà
Xịn như đồ Nhật
Cách đây hơn chục năm, các công ty Nhật Bản như Sony, Panasonic và Sharp được coi là những thương hiệu cao cấp, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở trên toàn thế giới.
Họ sản xuất hầu hết mọi thứ trong thế giới điện tử tiêu dùng, từ tivi đến lò vi sóng và máy nghe nhạc kỹ thuật số. Với đà phát triển vũ bão, không ai nghĩ rằng có một thương hiệu nào khác đủ sức cản bước những tên tuổi đình đám này.
Sản phẩm của các công ty Nhật Bản thường có giá thành cao hơn mặt bằng chung nhưng chất lượng thì không cần phải bàn. Uy tín và chất lượng tạo nên thương hiệu đến mức mọi người đều mặc định rằng đã mua đồ điện tử thì phải mua hàng Nhật.
Thế nhưng, điều kỳ lạ là chỉ sau một thập kỷ, những cái tên quen thuộc gần như hoàn toàn biến mất trên thị trường, chỉ còn được nhắc đến ở một vài danh mục hàng điện tử nhỏ.
"Mọi người từng có toàn đồ Sony trong nhà", Tony Costa, nhà phân tích tại Forrester Research, cho biết: "Nhưng giờ không ai còn thấy hình ảnh đó nữa".
Ngày nay, những gã khổng lồ điện tử tiêu dùng của Nhật Bản phần lớn đã suy yếu, người thì phá sản, kẻ thì vật lộn mới kiếm được chút lợi nhuận.
Năm 2012 là thời điểm tồi tệ nhất. Sony gánh khoản nợ lớn. Sharp thua lỗ và tìm kiếm sự cứu trợ từ chính phủ Nhật Bản.
Ban lãnh đạo của Panasonic thậm chí đã phải nghĩ đến việc dừng bất kỳ hoạt động kinh doanh nào đang thua lỗ, điều mà nhiều người tưởng tượng đến việc chính TV Panasonic cũng có thể biến mất khỏi các kệ hàng.
Sự sụp đổ đánh dấu một bước ngoặt không thể ngờ đối với công ty từng đứng trên đỉnh cao của thế giới điện tử tiêu dùng. Nó cũng gần như đánh dấu cho sự kết thúc của một kỷ nguyên mà các công ty Nhật Bản cho rằng họ có thể kinh doanh thành công trên nhiều loại sản phẩm.
Stephen Baker, nhà phân tích tại NPD Group, cho biết: "Mọi người đều nhận ra những ngày tháng hoàng kim đó sẽ không quay trở lại".
Trớ trêu thay, Samsung Electronics của Hàn Quốc, trong thập kỷ trước đó chỉ là một công ty quy mô nhỏ, đã áp dụng cách tiếp cận sản xuất mọi thứ và thành công hơn nhiều so với các đối thủ Nhật Bản.
Vậy tại sao những công ty như Sony và Sharp lại mất phương hướng?
Cũng giống như nhiều câu chuyện sụp đổ khác, các công ty Nhật không để tâm đến xu hướng đang thay đổi và bị đối thủ nước ngoài qua mặt. Khi thị trường tiêu dùng chuyển sang phương tiện kỹ thuật số và trò chơi, thiết bị di động, ứng dụng phần mềm và Internet, người Nhật phải vật lộn để theo kịp.
Các yếu tố bên ngoài như giá trị của đồng yên Nhật Bản tăng cao, khiến sản phẩm xuất khẩu từ Nhật Bản trở nên đắt đỏ hơn ở nước ngoài và cắt giảm lợi nhuận trong nước, càng gây sức ép cho công ty.
Sự sa sút trong lĩnh vực TV là minh chứng rõ nhất. Sony, Sharp và vô số các công ty Nhật Bản khác đã chiếm ưu thế trong lĩnh vực kinh doanh TV. Những chiếc TV cồng kềnh ngày ấy trở thành biểu tượng. Thậm chí với nhiều người, đã mua là phải mua TV Sony, không thể là một hãng khác.
Nhưng rất ít công ty trong số họ quản lý tốt quá trình chuyển đổi sang dạng TV màn hình phẳng. Sự cạnh tranh gia tăng và tỷ suất lợi nhuận bị thắt chặt đã bắt đầu kìm kẹp nhiều ông lớn. Những công ty yếu hơn như JVC, Hitachi, Fujitsu, Toshiba, NEC và Pioneer phải rút khỏi thị trường.
Thế chỗ trống là các công ty như LG và Samsung. Đặc biệt, Samsung tập trung vào chế tạo TV màn hình phẳng chất lượng cao, trang bị nhiều tính năng và bán với giá cạnh tranh – hướng đi giúp hãng tăng đều đặn thị phần.
Nhà sản xuất Hàn Quốc từ lâu đã vượt qua các đối thủ Nhật Bản về tính năng và thiết kế. Giờ đây, Samsung và LG dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất TV trên toàn cầu.
"Khi màn hình phẳng và độ phân giải cao trở nên phổ biến, bạn bắt đầu thấy mô hình kinh doanh TV giống với thị trường máy tính hơn", Baker nói. "Hầu hết các công ty Nhật không chuẩn bị cho điều đó".
Bỏ lỡ điện thoại thông minh
Tương tự như vậy, người Nhật cũng bỏ lỡ "con thuyền" điện thoại thông minh. Panasonic và Sharp quá thiển cận và chỉ tập trung vào thị trường nội địa để đủ hiệu quả cạnh tranh trên toàn thế giới. Sony bị ràng buộc bởi liên doanh với Ericsson, công ty đạt được một số thành công với điện thoại cơ bản.
Nhưng khi Apple xuất hiện với iPhone, các công ty này nhanh chóng nhận ra mình không thể so bì. Lúc Google và Android đến muộn hơn một chút, các công ty Nhật Bản cũng chậm chạp trong việc áp dụng nền tảng đang phát triển và bị tụt lại phía sau khi Samsung và HTC dẫn đầu.
Cũng giống như thị trường TV, kinh doanh điện thoại thông minh đã cho thấy sự khốc liệt khó lường, chỉ có một số ít người chiến thắng trong lĩnh vực kinh doanh này. Cùng với Apple, Samsung là công ty lớn duy nhất khác có thể tạo ra lợi nhuận đáng kể.
Thay đổi bản sắc
Sau những năm tháng bết bát, các công ty Nhật Bản đã tìm lại được hướng đi phù hợp cho mình. Thay vì các sản phẩm tiêu dùng, Sony và Sharp đã tìm thấy cơ hội làm ăn cho các công ty nổi tiếng khác.
Ví dụ, Sony cung cấp linh kiện camera cho iPhone, trong khi Sharp là một trong số các nhà cung cấp màn hình cho điện thoại thông minh của Apple.
Panasonic gần đây tuyên bố chính thức từ bỏ thị trường điện thoại thông minh và giờ chỉ tập trung vào duy trì một số lĩnh vực sản xuất chính như máy móc, linh kiện, hạn chế về điện tử gia dụng như điều hòa, tủ lạnh, TV.
Sony, nhà sản xuất PlayStation và chủ sở hữu các hãng phim và phòng thu âm ở Hollywood, có cơ hội sống sót tốt nhất nhờ sự hiện diện đa dạng trong lĩnh vực trò chơi và giải trí.
"Sony có lẽ là công ty có vị thế tốt nhất trong số các công ty Nhật Bản", Baker nói.
Sự cạnh tranh không chỉ đến từ Mỹ và Hàn Quốc, mà còn từ Trung Quốc. Lenovo đã thể hiện sự thống trị trong lĩnh vực kinh doanh máy tính vào thời điểm 2012, trong khi Sony và Toshiba chìm sâu vào khủng hoảng.
Về mảng điện thoại thông minh, Huawei, Xiaomi cũng làm mưa làm gió trên toàn thế giới với cả điện thoại cấp thấp và cấp cao.
Trong thị trường TV, các công ty Trung Quốc đại diện cho một mối đe dọa tiềm ẩn. Nhà sản xuất TV nội địa hàng đầu của Trung Quốc là TCL đang từng bước giành thị phần.
"Với việc ba công ty Nhật Bản ngã ngựa, một phần trong số đó sẽ thuộc về các công ty Trung Quốc", David Katzmaier, cây bút chuyên đánh giá về TV trên CNET nhận định.
Không ai biết liệu các công ty Nhật Bản có trở lại được hay không. Điều rõ ràng là tất cả họ đều có một con đường khó khăn phía trước.
Phụ nữ số