Xinhua: Nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước 'thời khắc đen tối nhất', nhưng sự lạc quan vẫn tỏa sáng giữa trận chiến Covid-19
Đại dịch Covid-19 đang tàn phá nền kinh tế thế giới và gây ra sự ảm đạm đáng kinh ngạc về triển vọng tăng trưởng. "Trên thực tế, chúng tôi dự đoán sẽ xảy ra sự sụp đổ kinh tế tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái", Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) lưu ý.
- 13-04-2020Forbes: Làm thế nào để ngăn kinh tế toàn cầu rơi vào "trầm cảm" - tình trạng nghiêm trọng hơn cả suy thoái?
- 13-04-2020Báo Nhật: Việt Nam là "vua" xuất khẩu điều, song vẫn dựa chủ yếu vào lao động giá rẻ
Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), cho biết hôm 9/4 rằng tăng trưởng toàn cầu sẽ chuyển sang trạng thái tiêu cực nặng nề vào năm 2020, vì Covid-19 đã phá vỡ trật tự kinh tế và xã hội của thế giới "với tốc độ nhanh như chớp và trên quy mô lớn chưa từng thấy".
"Trên thực tế, chúng tôi dự đoán sẽ xảy ra sự sụp đổ kinh tế tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái", bà lưu ý.
Tuy nhiên, vẫn còn một tia hi vọng cho nền kinh tế toàn cầu. Khi các cường quốc thế giới chật vật ứng phó với những tác động tiêu cực bằng cách tìm kiếm các phản ứng toàn cầu phối hợp tốt hơn, các nhà quan sát trên toàn thế giới đã chỉ ra sự phục hồi đáng hứa hẹn của Trung Quốc, "như một ngọn hải đăng trên khắp các đại dương".
"Thời khắc đen tối nhất" đang đến gần
Các nền kinh tế trên thế giới đã phải chịu những cú sốc cả nội sinh và ngoại sinh, ở cả hai phía cung và cầu khi chuỗi sản xuất bị phá vỡ, thương mại toàn cầu gần như bị đình trệ, cũng như tình cảm của người tiêu dùng và nhà đầu tư bị giảm sút nghiêm trọng. Do đó, tỷ lệ thất nghiệp trên toàn thế giới đã chạm đến một ngưỡng cao chưa từng có.
Tổ chức Thương mại Thế giới WTO gần đây đã dự báo rằng thương mại hàng hóa sẽ suy yếu nặng nề hơn vào năm 2020, so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, với mức giảm 13-32% do sự bất ổn - tác động kinh tế của đại dịch.
Trong lĩnh vực tài chính, thị trường tài sản ở các nền kinh tế tiên tiến đã sụp đổ, và vốn cũng đã bị rút khỏi các thị trường mới nổi với tốc độ chóng mặt.
"Một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng và khủng hoảng tài chính là không thể tránh khỏi. Những câu hỏi chính bây giờ là suy thoái kinh tế sẽ như thế nào và nó sẽ kéo dài bao lâu", Kenneth Rogoff, giáo sư kinh tế và chính sách công tại Đại học Harvard, viết trong một bài báo được xuất bản bởi Project Syndicate.
Đại dịch đã tấn công ngành công nghiệp sản xuất, khiến ngành này lâm vào tình cảnh đặc biệt khó khăn. Trong cả ngành công nghiệp ô tô và cơ khí, sản xuất thực tế đang ở tình trạng bế tắc, một phần vì các linh kiện, bộ phận quan trọng thiếu hụt do sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu, làm giảm doanh số của các công ty.
Peter Perkins, đối tác sáng lập của công ty nghiên cứu kinh tế vĩ mô MRB Partners, cho biết: "Nếu không có bằng chứng thuyết phục về khả năng miễn dịch hoặc vaccine, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm sẽ là yếu tố ngăn chặn chính. Song, điều này cũng sẽ hạn chế nhiều hoạt động sản xuất có giá trị gia tăng thấp, nơi các công nhân đóng vai trò chủ yếu" - ông nói với Tân Hoa Xã.
Hơn nữa, các công ty bán lẻ, đặc biệt là các công ty nhỏ, chứng kiến doanh số gần như hoàn toàn sụp đổ. Do sự bất ổn, mọi người chi tiêu ít hơn. Hậu quả là nhân viên bị sa thải hàng loạt. Hoa Kỳ, đặc biệt, đã có gần 17 triệu người mất việc kể từ giữa tháng 3.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Jerome Powell làm chứng trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện trong Chính sách Tiền tệ và Phiên điều trần về Kinh tế tại Tòa nhà Quốc hội ở Washington DC, Hoa Kỳ, vào ngày 11/2/2020. [Ảnh / Tân Hoa Xã]
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Jerome Powell cảnh báo rằng nền kinh tế Mỹ đang lung lay với tốc độ đáng báo động vì "tỷ lệ thất nghiệp rất cao", khi một số lượng lớn người lao động đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong những tuần gần đây, phản ánh sự suy thoái liên tục của thị trường lao động từng mạnh mẽ một thời.
Theo Georgieva, IMF dự báo hơn 170 quốc gia sẽ có mức tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người âm trong năm nay. Tuy nhiên, nếu đại dịch biến mất trong nửa cuối năm nay, "giả định cơ bản của chúng tôi là kinh tế sẽ phục hồi một phần vào năm 2021".
Cuộc chạy marathon đấu tranh vì tai ương kinh tế, chủ nghĩa bảo hộ
Chính phủ, ngân hàng trung ương và cơ quan tài khóa đã sử dụng các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt, đóng cửa và cứu trợ kinh tế khẩn cấp, bao gồm: cắt giảm lãi suất, nới lỏng định lượng, giảm thuế, quỹ đặc biệt và các chương trình kích thích mua hàng.
Trong số các cuộc đấu tranh mới nhất của họ, các bộ trưởng tài chính của Liên minh châu Âu đã đưa ra gói giải cứu trị giá 500 tỷ EUR (550 tỷ USD) vào cuối ngày thứ năm, trong nỗ lực giảm gánh nặng ngày càng nặng nề của 27 thành viên, đặc biệt là Ý và Tây Ban Nha.
Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ cũng công bố hôm thứ 9/4 sẽ bơm thêm 2,3 nghìn tỷ USD vào nền kinh tế, để các tiểu bang, địa phương và các công ty có thể vay. Khoản hỗ trợ này "cung cấp nhiều sự cứu trợ và ổn định nhất có thể trong giai đoạn hoạt động kinh tế bị hạn chế này".
Tuy nhiên, xu hướng bảo hộ đang tăng lên. Kể từ ngày 21/3, 46 lệnh hạn chế xuất khẩu vật tư y tế đã được 54 chính phủ ban hành kể từ đầu năm, cho thấy "giới hạn thương mại mới lan nhanh như thế nào", theo một báo cáo gần đây từ Global Trade Alert, một tổ chức tư vấn chính sách thương mại.
Aaditya Mattoo, Kinh tế trưởng của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tại Ngân hàng Thế giới, nói với Tân Hoa Xã rằng những hạn chế xuất khẩu "hầu như luôn phản tác dụng": "Nếu mỗi quốc gia áp đặt các hạn chế, thì giá toàn cầu sẽ tăng cao hơn. Cuối cùng, đó có thể là một chính sách gậy ông đập lưng ông".
"Chủ nghĩa bảo hộ không mang lại lợi ích gì cho nền kinh tế thế giới và đặc biệt bất lợi cho hành động coàn cầu cần thiết để chống lại đại dịch", Li Yuan, giáo sư tại Viện nghiên cứu Đông Á, Đại học Duisburg-Essen, Đức, nói với Tân Hoa xã.
Kêu gọi "các nỗ lực phối hợp có chủ ý để thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô", Gerrishon Ikiara, Giảng viên kinh tế cao cấp tại Đại học Nairobi, nhấn mạnh rằng giảm các chính sách bảo hộ ở nhiều nước sẽ là một cách để nhanh chóng phục hồi nền kinh tế toàn cầu.
Kêu gọi sự phối hợp tốt hơn thông qua các tổ chức quốc tế
Các nhà kinh tế và các chuyên gia trong ngành bày tỏ mối quan ngại rằng: ngay cả khi sự phục hồi tăng trưởng có diễn ra, nó sẽ mất một thời gian dài và có thể chùn bước do tình hình quá bất ổn.
Họ kêu gọi các tổ chức quốc tế, bao gồm G20 và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phối hợp tốt hơn trong các phản ứng và hợp tác toàn cầu kịp thời.
"Có khả năng việc phục hồi sẽ mất nhiều thời gian, trước tiên vì đại dịch dường như không thể dập được nhanh chóng. Và thứ hai, là vì thiệt hại tài sản thế chấp cho nhiều doanh nghiệp, cũng như cho các khoản vay của chính phủ. Chúng ta sẽ phải bắt đầu xây dựng lại mọi thứ từ nắm tro tàn" - Douglas McWilliams, Phó chủ tịch Trung tâm nghiên cứu kinh tế và kinh doanh, nói với Tân Hoa xã.
Để ổn định nền kinh tế toàn cầu, McWilliams tin rằng cách tốt nhất là phối hợp thông qua G20. Ông cho rằng tất cả các quốc gia nên chia sẻ những kinh nghiệm, cả những lần họ làm đúng và sai.
Thiệt hại về sức khỏe và kinh tế do Covid-19 gây ra nên "nhắc nhở các nhà lãnh đạo G20 vào việc nâng cấp, tái cung cấp và nhấn mạnh đáng kể vai trò không thể thiếu của WHO", Sourabh Gupta, một nghiên cứu viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Trung Quốc-Mỹ có trụ sở tại Washington nói.
Nền kinh tế Trung Quốc chiếu ánh sáng khắp các đại dương
Khả năng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc đã làm dấy lên hy vọng phục hồi tăng trưởng giữa các khu vực, vì nhiều quan điểm cho rằng Trung Quốc là "một điềm báo đáng khích lệ về tương lai của phần còn lại của thế giới".
"Một trong những điều mà chúng tôi đã tập trung vào là Trung Quốc đã không còn chỉ phụ thuộc vào xuất khẩu, và các ngành mới đang phát triển. Đặc biệt, tiêu dùng nội địa là trọng tâm quan trọng", theo Brendan Aotta, Giám đốc đầu tư của Cố vấn Quỹ Krane.
"Kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc khắc phục hậu quả kinh tế của dịch bệnh là rất quan trọng ... Sự phục hồi nhanh chóng trong các hoạt động kinh tế ở Trung Quốc sẽ là tín hiệu lạc quan quan trọng cho toàn bộ nền kinh tế thế giới", Evsey Gurvich, người đứng đầu nhóm chuyên gia kinh tế ở Nga cho biết.
Zhang Deyong, nhà nghiên cứu của Học viện Chiến lược Kinh tế Quốc gia Trung Quốc, lưu ý rằng nhu cầu nội địa của Trung Quốc đang dần hồi phục. Dịch bệnh đã giúp thúc đẩy một số thói quen tiêu dùng mới và có thể trở thành động lực tăng trưởng kinh tế mới trong tương lai.
Stephen Roach, một thành viên cao cấp tại Viện các vấn đề toàn cầu Jackson của Đại học Yale, nói với Tân Hoa Xã rằng Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác trên thế giới được khuyến nghị nên cân nhắc các chiến lược trong tương lai linh hoạt, "thích ứng với môi trường kinh tế và địa chính trị mới sau Covid-19".
"Tôi đã rất lạc quan về nền kinh tế Trung Quốc" ông lưu ý. "Các cơ hội dài hạn cho Trung Quốc vẫn rất hứa hẹn".
Xinhua
Sự kiện: Giảm đau kinh tế
Xem tất cả >>- Nhân lúc giá dầu "rẻ như cho", TQ đã quyết định làm điều này: Cao thủ không bằng... tranh thủ?
- "Lột xác" căn studio ngoạn mục chỉ với 45 triệu đồng sau 1 tuần
- Thỏa thuận 600 triệu USD rơi vào cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" sau vụ đụng độ biên giới Trung - Ấn
- PVFCCo vượt qua nhiều thách thức giữ vững vị thế đầu ngành
- Doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng công nghệ số để duy trì hoạt động trong mùa dịch Covid-19