Xu hướng đính đá vào răng: Bác sĩ khuyến cáo điều quan trọng khi làm
Loạt lưu ý của bác sĩ về xu hướng đính đá vào răng sẽ giúp bạn có hàm răng trắng khỏe trong và sau khi tháo đá.
- 02-07-20235 nhóm thực phẩm trẻ cần tránh trong 24-48 giờ sau khi đeo niềng răng
- 24-03-2023Tự ti suốt 27 năm, bà mẹ 2 con quyết tâm chi 30 triệu niềng răng, kết quả sau 18 tháng gây bất ngờ
- 20-03-2023Từng có thời điểm “niềng răng thời trang” trở thành cơn sốt ở Đông Nam Á, nhưng hậu quả nghiêm trọng đến mức một quốc gia phải ban lệnh cấm
Thời gian gần đây, nhiều người nổi tiếng đính đá vào răng, trào lưu răng đính đá (hay còn gọi là tooth gem) được công chúng biết đến ngày càng rộng rãi.
Điển hình phải kể đến là Lisa của Blackpink, NingNing của Aespa, Lee Young Ji, Choi Yena... Hàng loạt sao Hàn lăng xê trào lưu răng đính đá khiến giới trẻ ngày càng tò mò, mê mệt. Tuy nhiên, phương pháp thẩm mỹ răng này cũng vấp phải nhiều ý kiến tranh cãi.
Nhiều người cho rằng, răng đính đá có thể gây tổn thương răng, làm hỏng lớp men răng khỏe mạnh, dẫn đến gia tăng nguy cơ bệnh răng miệng. Vậy thực hư trào lưu răng đính đá này ra sao? Có ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng không?...
BS Nguyễn Thị Hải (chuyên khoa Răng Hàm Mặt, làm việc tại Hà Nội) sẽ giải đáp những vấn đề sức khỏe liên quan đến trào lưu thẩm mỹ răng này.
Đu trend răng đính đá cần tìm hiểu kỹ trước làm
BS Hải nhận định, đính đá lên răng là một trong những trào lưu thẩm mỹ hiện nay. Có khá nhiều người sử dụng phương pháp này để có một nụ cười lấp lánh, rạng rỡ. Tuy nhiên, phương pháp có thể gây ra một số nguy cơ cho sức khỏe răng miệng.
Khi đính đá lên răng, bác sĩ sẽ tạo một lỗ nhỏ trên thân răng bằng tay khoan và dùng keo chuyên dụng gắn. Việc này hoàn toàn không ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai hay gây đau răng. Tuy nhiên, nếu bạn lựa chọn loại đá không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng kém gắn lên thì có thể gây ăn mòn men răng về lâu dài.
Ngoài ra, nếu làm ở địa chỉ nha khoa kém uy tín, trình độ chuyên môn bác sĩ không cao thì bạn cũng dễ gặp rủi ro.
"Người thực hiện không đảm bảo có thể không kiểm tra kỹ tình trạng răng của khách hàng trước khi gắn. Khi thực hiện không làm đúng kỹ thuật, vệ sinh bề mặt răng không sạch... có thể làm vi khuẩn xâm nhập vào răng qua lỗ gắn đá. Từ đó làm tăng nguy cơ rơi đá ra ngoài, gây sâu răng", BS Hải cho hay.
Chưa kể, nếu sử dụng loại keo kém chất lượng khi gắn đá lên răng cũng có thể làm ăn mòn men răng, đá nhanh bị rơi ra ngoài.
Chăm sóc răng sau khi gắn đá cần đặc biệt cẩn trọng
BS Hải chia sẻ, sau khi gắn đá xong khoảng 2 giờ đầu, bạn nên kiêng nhai và uống đồ uống quá lạnh. Những ngày sau đó, bạn nên có một chế độ dinh dưỡng phù hợp. Không nên nhai đồ ăn cứng hoặc quá dai vào vị trí răng có gắn đá. Hạn chế tối đa các loại thức uống có màu như cà phê, trà các loại, nước ngọt, nước có ga... vì ngoài gây xỉn răng có thể gây xỉn màu đá, làm mất độ sáng bóng của đá.
Ngoài ra cần chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ, chải răng bằng bàn chải lông mềm để thức ăn không đọng lại quanh vị trí gắn đá.
Có thể dễ dàng gỡ bỏ đá khỏi răng hay không?
Nhiều người băn khoăn, liệu có thể dễ dàng gỡ đá ra khỏi răng sau một thời gian hay không. BS Hải cho biết, bạn hoàn toàn có thể gỡ bỏ đá khỏi răng nhưng cần làm tại các phòng khám nha khoa.
"Không nên tự ý tháo đá trên răng tại nhà vì có thể gây vỡ răng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ", BS Hải cảnh báo.
Sau khi tháo bỏ các viên đá, các bác sĩ sẽ dùng chất hàn chuyên dụng để trám bít lại lỗ hở do viên đá để lại. Nếu không, thức ăn sẽ đọng lại, khó vệ sinh, tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập, gây nguy hại cho sức khỏe hàm răng của bạn.
Ngoài ra, lưu ý thêm, sau khi tháo đá bạn nên đi kiểm tra định kỳ sức khỏe răng miệng. Điều này giúp bạn theo dõi vùng trám bít. Nếu bị bong ra thì bác sĩ sẽ trám lại ngay, ngăn chặn những rủi ro không đáng có.
Sau khi tháo đá, bạn cũng đừng quên vệ sinh chăm sóc răng miệng đúng cách, sử dụng nước súc miệng chuyên dụng thường xuyên để giữ gìn hàm răng sáng khỏe.
Phụ nữ Việt Nam