MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xu hướng làm việc 4 ngày một tuần đầy nghịch lý: Làm ít hơn nhưng hiệu quả cao hơn

28-04-2022 - 22:14 PM | Sống

Xu hướng làm việc 4 ngày một tuần đầy nghịch lý: Làm ít hơn nhưng hiệu quả cao hơn

Việc tăng thời gian nghỉ ngơi cho nhân viên mới trong giai đoạn thử nghiệm nhưng những con số thu được khiến người ta phải suy ngẫm!

Kể từ khoảng năm 2010, “tương lai của công việc” đã là một chủ đề hàng đầu đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, doanh nhân và nhân viên. Một câu hỏi quan trọng được đặt ra là các công nghệ mới nổi như AI, robot và máy móc thông minh sẽ ảnh hưởng như thế nào đến con người trong lực lượng lao động.

Bên cạnh đó, chủ đề về thời gian lao động của nhân viên cũng trở thành vấn đề được bàn luận sôi nổi. Theo đó, khi cuộc sống càng phát triển thì các vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần của con người càng được quan tâm. Do đó, vấn đề giảm giờ làm là mục tiêu được nhiều quốc gia hướng đến.

Đến năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, khái niệm "làm việc từ xa" bắt đầu trở nên phổ biến hơn. Tiếp đó là xu hướng bình thường mới kết hợp giữa làm việc từ xa và làm việc trực tiếp tại văn phòng. Đồng thời, xu hướng giảm giờ làm cũng bắt đầu được nhắc đến nhiều hơn.

Trước khi chuyển sang làm việc từ xa vào năm 2020, đã có những nhà lãnh đạo nhìn thấy tương lai này.Tại Hoa Kỳ năm 1926, Henry Ford giới thiệu tuần làm việc kéo dài 5 ngày, 40 giờ mỗi tuần. Đây là sự kiện tiêu biểu cho việc giảm giờ làm so với giai đoạn trước. 

Ông khẳng định: "Chúng tôi tin rằng để sống đúng nghĩa, mỗi người nên có nhiều thời gian hơn để dành cho gia đình của họ". Ford tin rằng sự thay đổi này sẽ làm tăng năng suất của công nhân trên dây chuyền lắp ráp - và kết quả đã chứng minh được điều đó.

THỬ NGHIỆM XU HƯỚNG NGHỈ 3 NGÀY MỘT TUẦN 

Sau này, Microsoft Nhật Bản đã thực hiện một động thái mới táo bạo trong nỗ lực cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống bằng cách cho nhân viên nghỉ 3 ngày một tuần.

Công ty đã thực hiện một 'Dự án Cải cách làm việc' trong một tháng. Cụ thể, 2.300 nhân viên được nghỉ vào thứ Sáu hàng tuần. 'Kỳ nghỉ được trả lương đặc biệt' này không không ảnh hưởng đến quỹ thời gian nghỉ lễ của nhân viên.

Xu hướng làm việc 4 ngày một tuần đầy nghịch lý: Làm ít hơn nhưng hiệu quả cao hơn - Ảnh 1.

Hình minh họa. Ảnh: Internet

Kết quả cho thấy năng suất đã tăng đến 39,9%. Không những vậy, công ty còn tiết kiệm được một khoản vì lượng điện tiêu thụ ít hơn 23,1%. Phần lớn sự gia tăng năng suất được cho là do sự thay đổi của các cuộc họp.

Chỉ với 4 ngày để hoàn thành mọi việc trong tuần, nhiều cuộc họp đã bị cắt, rút ​​ngắn hoặc chuyển thành cuộc họp ảo thay vì gặp trực tiếp. Ngoài ra, 92,1% nhân viên nói rằng họ thích tuần làm việc bốn ngày vào cuối thời gian thử nghiệm.

Do thành công của thử nghiệm, Microsoft đã có kế hoạch triển khai rộng rãi mô hình này.

XU HƯỚNG LÀM VIỆC MỚI TRONG TƯƠNG LAI

Một báo cáo cho thấy rằng ngày càng có nhiều công ty đang ấp ủ ý tưởng về "những ngày thứ Sáu thảnh thơi" - nhưng chỉ trong những tháng mùa hè. 

Theo một cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu toàn cầu Gartner, 55% công ty Mỹ hiện đang áp dụng chính sách "Thứ Sáu mùa hè" kể từ năm 2018.

Theo các chuyên gia, một tuần làm việc 4 ngày không có nghĩa là lực lượng lao động sẽ bị cắt giảm. Ngược lại, các doanh nghiệp đã có nguồn nhân lực bổ sung trong thời kỳ đại dịch, số lượng nhân sự cũng đã tăng lên đáng kể. 

Việc tăng số ngày nghỉ không có nghĩa là nhân viên sẽ phải nhồi nhét 40 giờ làm việc vào bốn ngày. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, việc tăng áp lực làm việc sẽ làm tăng căng thẳng và mệt mỏi của người lao động và dẫn đến "giảm năng suất và rủi ro cao hơn của tai nạn".

Đúng hơn, một tuần làm việc 4 ngày sẽ được thực hiện theo đúng nghĩa đen của nó mà không cần phải dồn ép hay tăng ca. Một số quan điểm phản đối xu hướng này vì cho rằng nó sẽ ảnh hưởng đến năng suất công việc. Nhưng thực tế đã chứng minh điều hoàn toàn trái ngược.

Xu hướng làm việc 4 ngày một tuần đầy nghịch lý: Làm ít hơn nhưng hiệu quả cao hơn - Ảnh 2.

Hình minh họa. Ảnh: Internet

Tây Ban Nha đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng chế độ 4 ngày làm việc trong tuần do chính phủ tài trợ. Thử nghiệm kéo dài 3 năm. Dự án sẽ cung cấp mức lương dựa trên lịch trình làm việc 5 ngày, với khoảng 3.000 nhân viên từ 200 công ty tham gia. 

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo ở Scotland và xứ Wales đã lên tiếng ủng hộ ý tưởng tương tự. Đồng thời, một nghiên cứu gần đây của Chiến dịch và Nền tảng 4 ngày London - một tổ chức công bằng xã hội và môi trường - cho thấy rằng việc áp dụng rộng rãi phương pháp này sẽ làm giảm đáng kể lượng carbon của Vương quốc Anh. 

Dẫu vậy, tuần làm việc ngắn hơn cũng có nhược điểm của nó. Một số chuyên ngành đặc thù không dễ tìm được đủ nhân lực để đáp ứng được điều này. Thêm vào đó, thời gian ở nhà nhiều hơn cũng có thể dẫn đến gia tăng bạo lực gia đình. Hơn nữa, các quốc gia thiếu hụt lực lượng lao động - chẳng hạn như Nhật Bản và Đức - sẽ phải vật lộn để lấp đầy các vị trí tuyển dụng ngày thứ năm.

Dù còn nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề này, song không thể phủ nhận những con số tích cực mà nó mang lại. Trong tương lai, việc phát triển xu hướng này vẫn sẽ cần sự điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh và nhu cầu của mỗi quốc gia.

Tổng hợp

https://cafef.vn/xu-huong-lam-viec-4-ngay-mot-tuan-day-nghich-ly-lam-it-hon-nhung-hieu-qua-cao-hon-2022042817311253.chn

Thùy Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên