MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xử lý nợ xấu: Cần báo cáo kết quả thực hiện hàng năm thay vì chỉ 1 lần

08-06-2017 - 18:00 PM | Tài chính - ngân hàng

Đại biểu cho rằng, hàng năm Chính phủ cần báo cáo Quốc hội về quá trình tổ chức thực hiện, những thuận lợi, những khó khăn, vướng mắc và để từ đó có những biện pháp xử lý trong toàn bộ 5 năm chúng ta tổ chức thực hiện.

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng ngày 7/6, bên cạnh đa số ý kiến đồng tình với sự cần thiết ban hành nghị quyết, một số ý kiến đại biểu cũng đóng góp thêm một số nội dung cần bổ sung.

Cần báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện hàng năm

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), nghị quyết chưa thể hiện rõ cơ chế thị trường trong xử lý nợ xấu. Nghị quyết có lẽ còn thiếu các quy định về cơ chế bán đấu giá tài sản trong mua bán các khoản nợ, chưa cụ thể hóa cơ chế thỏa thuận giữa các bên liên quan trong xử lý tài sản, trong định giá tài sản và đặc biệt là cơ chế về giải quyết tranh chấp. Theo nghị quyết này, chúng ta không giải quyết tranh chấp bằng con đường tòa án. Vậy thì trong trường hợp phát sinh các tranh chấp thì sẽ xử lý như thế nào cũng là vấn đề cần thể hiện rõ.

Cũng theo đại biểu, một vấn đề nữa chưa thể hiện rõ trong nghị quyết, đó là liên quan đến vấn đề thanh tra, kiểm tra giám sát và chế độ báo cáo.

“Với lộ trình 5 năm thực hiện thì tôi nghĩ để đảm bảo hiệu quả thực thi chắc là cần thiết vai trò của các cơ quan thực hiện chức năng giám sát, kiểm tra, thanh tra. Vì vậy, tôi cũng xin bổ sung vào trong dự thảo nghị quyết những quy định liên quan đến thanh tra, kiểm tra và trách nhiệm của các cơ quan chức năng để thực hiện nghị quyết này”.

“Vấn đề liên quan đến chế độ báo cáo, dự thảo nghị quyết cũng quy định sau 5 năm thì Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện. Tuy nhiên, tôi nghĩ đây cũng là một nhiệm vụ chính trị liên quan đến kinh tế - xã hội, vì vậy đề nghị cùng với việc báo cáo hàng năm về tình hình nhiệm vụ thực hiện kinh tế - xã hội thì trong báo cáo của Chính phủ cũng cần có những báo cáo về quá trình tổ chức thực hiện, những thuận lợi, những khó khăn, vướng mắc và để từ đó có những biện pháp xử lý trong toàn bộ 5 năm chúng ta tổ chức thực hiện”, đại biểu đề nghị.

Liên quan đến mối quan hệ giữa nghị quyết này với Luật các tổ chức tín dụng, theo quy định của nghị quyết, sau 5 năm chúng ta sẽ không thực hiện nghị quyết này nữa, hết hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, theo bà Mai, vấn đề đáng lưu ý đó là nợ xấu luôn đồng hành với quá trình phát triển kinh tế ở bất kỳ quốc gia nào cũng như ở Việt Nam. Chính vì vậy, chúng ta không thể xử lý một lần dứt điểm là xong . Như vậy, đồng nghĩa với việc chúng ta cần có khuôn khổ pháp lý ổn định để có căn cứ để xử lý những vấn đề liên quan đến nợ xấu phát sinh trong tương lai.

Theo đó, đại biểu đề nghị cùng với việc sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng thì bổ sung những quy định mang tính nguyên tắc, mang tính ổn định về xử lý nợ xấu trong dự thảo luật đó để có khuôn khổ pháp lý bảo đảm việc thi hành.

Cần tìm ra nguyên nhân để xử lý tận gốc nợ xấu

Trong khi đó, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) cho rằng, việc ban hành nghị quyết mấu chốt là xử lý nợ xấu nhưng chỉ là xử lý nợ xấu đã phát sinh, như vậy ta mới xử lý phần ngọn nghị quyết, chưa chỉ rõ về nguyên nhân gây ra nợ xấu, tổ chức, cá nhân nào gây ra nợ xấu.

Theo đó, đại biểu cho rằng, để xử lý nợ xấu tận gốc, nghị quyết cần bổ sung nguyên nhân gây ra nợ xấu để xử lý tận gốc vấn đề nợ xấu. Đây là vấn đề dư luận và cử tri, người dân quan tâm đến chiều sâu của nghị quyết và vấn đề xử lý tận gốc gây ra nợ xấu.

“Những tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu nhưng Nhà nước lại mất nhiều tiền, thời gian, công sức để đi xử lý nợ xấu. Vì vậy, nghị quyết cần có những quy định cụ thể, rõ ràng việc xử lý những tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu như quan điểm của Ủy ban Kinh tế Quốc hội.”, ông Diến nói.

“Về mặt khoa học phải tìm được nguyên nhân mới có giải pháp triệt để. Thực tiễn hiện nay có nhiều khoản cho vay vượt quá giá trị của tài sản đảm bảo nhiều lần, nhiều khoản cho vay biết trước không thể thu nợ được nhưng vì những lý do khác nhau, tổ chức tín dụng vẫn cho vay. Nghị quyết cần phải tìm nguyên nhân và có giải pháp xử lý tận gốc, xử lý những tổ chức, cá nhân vì chủ quan mà gây ra nợ xấu mới hy vọng hạn chế được nợ xấu”, đại biểu nêu ý kiến.

Đại biểu Thanh Hoá cho rằng, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức tín dụng để xảy ra nợ xấu, nguyên tắc này trong dự thảo nghị quyết cũng xác định rõ không dùng ngân sách nhà nước trong xử lý nợ xấu nhưng phần về trách nhiệm của các tổ chức tín dụng để xảy ra nợ xấu chưa có trong tiếp thu này. Theo đó, đại biểu đề nghị cần phải bổ sung, xác định nguyên nhân để xảy ra nợ xấu để xử lý triệt để.

Theo Trần Thúy

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên