Xử lý nợ xấu: Rao bán ồ ạt nhưng vẫn ế
Để xử lý nợ xấu, thời gian qua, hàng loạt ngân hàng đã ráo riết thu hồi nợ xấu bằng việc bán tài sản mà các doanh nghiệp thế chấp. Tuy nhiên, lượng tài sản rao bán thì nhiều nhưng số lượng người mua lại rất ít.
- 17-09-2020BIDV, Vietcombank, VietinBank đẩy mạnh xử lý nợ xấu
- 16-09-2020Ngân hàng ráo riết thu hồi nợ xấu: Ồ ạt bán, không dễ
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, dịch Covid-19 hoành hành trong nhiều tháng qua đã gia tăng nợ xấu toàn ngành. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính đến cuối tháng 6 vừa qua ước khoảng 1,8%.
Cũng theo đơn vị này, năm 2019, hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 159,7 nghìn tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2020 đã xử lý được 56,96 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Dựa trên các kịch bản tăng trưởng GDP năm 2020 khoảng 4%, NHNN ước tính, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính đến cuối năm 2020 ở mức 2,41%. Trong trường hợp GDP tăng khoảng 5%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng sẽ ở mức 2,16% (tăng 0,5 điểm phần trăm so với cuối năm 2019).
Các chuyên gia kinh tế dự báo, thời gian tới, dịch bệnh sẽ vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, tiếp tục ảnh hưởng bất lợi đến phát triển kinh tế - xã hội. Điều này sẽ khiến cho mục tiêu đưa tổng nợ xấu về dưới 3% trong năm 2020 trở nên khó thực hiện.
Còn theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV, đến cuối năm nay, mức tăng nợ xấu nội bảng toàn hệ thống ngân hàng có thể lên 4%, cao hơn so với mức 1,89% cuối năm 2019 do tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng thấp.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng sẽ vào khoảng 4%, cao gấp đôi so với cuối năm ngoái. Nợ xấu cộng gộp gồm: nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho Công ty Mua bán nợ VAMC và nợ xấu tiềm ẩn khác, cuối năm nay sẽ là 6% tổng dư nợ, cao gấp rưỡi so với cuối năm 2019.
Kinh tế thế giới và trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn, cùng với đó, những tác động bất lợi từ dịch tả lợn châu Phi, thiên tai, dịch bệnh… đã đặt ra thách thức không nhỏ đối với mục tiêu kiểm soát nợ xấu và tiềm ẩn nợ xấu tăng.
Để xử lý nợ xấu, thời gian qua, hàng loạt ngân hàng đã ráo riết thu hồi nợ xấu bằng việc bán tài sản mà các doanh nghiệp thế chấp, trong đó phần lớn là bất động sản.
Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, việc phát mãi tài sản đảm bảo là bất động sản để thu hồi nợ xấu của các ngân hàng không hề dễ dàng. Có những ngân hàng rao bán nhiều lần vẫn ế. Do đó, tốc độ xử lý nợ xấu phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến thị trường và nhu cầu của người mua.
Ông Hiếu cũng cho hay, hiện tại, các ngân hàng đang tìm cách xử lý tài sản bảo đảm với mong muốn có thể thu hồi lại nợ, vì họ biết rằng, giá trị của tài sản bảo đảm càng ngày càng đi xuống nếu tài sản đó được thu giữ mà không thể thanh lý được nhanh chóng. Những tài sản như: bất động sản, xe ô tô hay tài sản bảo đảm khác tại thời điểm này đang giảm giá mạnh vì sự suy yếu của nền kinh tế. Mặc dù lượng tài sản rao bán của các ngân hàng khá nhiều nhưng lượng người mua lại rất ít.
Kinh tế khó khăn, thu nhập giảm sút, nhu cầu mua sắm bị chững lại. Thực tế đó khiến các ngân hàng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thanh lý tài sản bảo đảm.
“Theo tôi, chỉ có cách tiếp tục hạ giá tài sản bảo đảm, ngân hàng có lẽ phải đứng giữa hai sự lựa chọn, hoặc là chịu thiệt hại thấp hoặc là chịu thiệt hại cao. Việc thanh lý tài sản bảo đảm để thu hồi lại nợ trong bối cảnh hiện nay đang là điều rất khó. Bước sang năm 2021, có thể nền kinh tế sẽ còn suy yếu hơn và giá trị của tài sản bảo đảm sẽ xuống thấp hơn nữa. Thành ra, phương pháp và tốt nhất hiện tại là chấp nhận một mức lỗ nào đó và thanh lý tài sản bảo đảm càng sớm càng tốt”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh./.
VOV