Xuất khẩu dầu của Nga tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2022
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 16/5 cho biết xuất khẩu dầu của Nga trong tháng 4/2023 đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi xung đột giữa nước này với Ukraine bùng phát vào cuối tháng 2/2022, với doanh thu tăng 1,7 tỷ USD bất chấp hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây.
- 16-05-2023Không còn gà rán Mc Donald’s, cà phê Starbucks, người Nga chuộng mặt hàng này từ xứ kim chi, các công ty thu về hàng chục triệu USD nhờ bám trụ thị trường “béo bở” này
- 16-05-2023Quốc gia làm nên lịch sử ngành xe điện: Xây gần 3.000 km đường cao tốc điện, ô tô vừa đi vừa được sạc trên đường
- 15-05-2023Nga tăng cường xuất khẩu mặt hàng này đến Việt Nam, nhập khẩu tăng mạnh hơn 1.600% trong tháng 3 dù giá tăng gần 20 lần
Trong báo cáo hàng tháng mới nhất, IEA cho biết xuất khẩu của Nga đã tăng 50.000 thùng/ngày lên 8,3 triệu thùng/ngày trong tháng trước.
Tổ chức có trụ sở tại Paris, Pháp nhận định rằng nước này có vẻ đã không thực hiện đầy đủ lời đe dọa cắt giảm mạnh sản lượng, khi sản lượng dầu thô của Nga được ước tính giữ "ổn định" trong tháng Tư ở mức 9,6 triệu thùng/ngày. Thậm chí, Nga có thể đang tăng sản lượng để bù đắp cho phần doanh thu bị mất.
Doanh thu xuất khẩu dầu của nước này đã tăng 1,7 tỷ USD lên 15 tỷ USD trong tháng Tư. Tuy nhiên, con số này thấp hơn 27% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu thuế của Nga từ lĩnh vực dầu khí cũng đã giảm 64% so với cùng kỳ năm ngoái, theo ước tính của IEA.
Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), Australia cùng Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt giá trần đối với các sản phẩm dầu mỏ và dầu thô của Nga, trong nỗ lực cắt giảm nguồn tài trợ của nước này cho xung đột tại Ukraine.
EU cũng đã áp đặt riêng các lệnh cấm vận đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu dầu mỏ chủ lực của nước Nga.
Đáp lại, Moskva đã đe dọa cắt đứt nguồn cung cho các quốc gia và công ty tuân thủ chính sách áp trần giá do G7 khởi xướng. Nước này cũng đã tuyên bố cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày, trong khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) bao gồm Saudi Arabia cũng đồng ý cắt giảm sản lượng.
IEA nhận định Nga dường như gặp ít vấn đề trong việc tìm kiếm khách hàng sẵn sàng mua dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của mình. Cơ quan này cho biết Trung Quốc và Ấn Độ chiếm gần 80% thị trường xuất khẩu dầu thô của Nga.
Báo Tin tức