MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu hàng hoá liên tục khởi sắc, kỳ vọng nào cho năm 2023?

4 tháng liên tiếp gần đây, xuất khẩu hàng hoá dần cải thiện, kim ngạch xuất khẩu hàng tháng đều vượt 30 tỷ USD/tháng với sự khởi sắc của nhiều nhóm hàng.

4 tháng liên tiếp, xuất khẩu vượt 30 tỷ USD

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, với các biện pháp tích cực, đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ sản xuất trong nước, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu tiếp tục được triển khai mạnh mẽ nên hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục có những tín hiệu tích cực, đã lấy lại đà tăng trưởng trong tháng 10/2023 sau khi chững lại trong tháng trước.

photo-1700292687359

Xuất khẩu dệt may dần lấy lại đà phục hồi

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 10 ước đạt 61,62 tỷ USD, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 10 lấy lại đà tăng trưởng, ước đạt 32,3 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 557,95 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Đà suy giảm đã hạn chế hơn nhiều so với mức giảm 2 con số của nửa đầu năm.

Sau nửa đầu năm nhiều ảm đạm, những kết quả tích cực gần đây giúp hoạt động xuất khẩu đang thu hẹp dần sự sụt giảm. Đáng chú ý, nếu như hết tháng 6, kim ngạch xuất khẩu cả nước mới đạt hơn 165 tỷ USD, (giảm 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái), thì đến hết tháng 10 kim ngạch đã lên 291,46 tỷ USD, chỉ còn giảm 7% so với cùng kỳ 2022.

Liên tục trong 4 tháng gần đây, kim ngạch xuất khẩu đều đạt trên 30 tỷ USD (tháng 7 đạt 30 tỷ USD; tháng 8 đạt 32,37 tỷ USD; tháng 9 đạt 31,41 tỷ USD). Đây là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu. Con số bình quân hơn 30 tỷ USD đạt được trong 4 tháng gần đây cao hơn rất nhiều so với mức bình quân 27,61 tỷ USD/tháng của 6 tháng đầu năm 2023.

Kỳ vọng nào cho những tháng cuối năm?

Hy vọng xuất khẩu tiếp tục tăng tốc trong 2 tháng cuối năm là có nhiều cơ sở, bởi ngoài sự bứt phá liên tiếp gần đây, dịp cuối năm là thời điểm có nhu cầu mua sắm lớn của người tiêu dùng trên toàn thế giới để phục vụ mùa Giáng sinh và Tết Dương lịch.

Bên cạnh đó, một trong những điểm tích cực trong tháng 10 là kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu tiếp tục tăng. Trong đó, nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả nước, ước đạt 26,09 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm tỷ trọng 89% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước, cho thấy những dấu hiệu trong phục hồi trong sản xuất công nghiệp. Đây là tín hiệu cho thấy sản xuất đang dần phục hồi để phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu dịp cuối năm.

Mặt khác, trong nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp đang tiếp tục có nhiều nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.

Những tín hiệu tích cực có thể nhìn thấy ở nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Ngoài những nhóm hàng “chục tỷ đô”, các ngành hàng quan trọng của ngành nông nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng ở mức cao và có đóng góp quan trọng vào kim ngạch chung của cả nước.

Hết tháng 10, có 10 nhóm hàng của ngành nông nghiệp đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó nhiều nhóm hàng tăng trưởng cao.

Điển hình là rau quả đạt 4,82 tỷ USD (tăng tới 75,5%); gạo đạt 3,95 tỷ USD (tăng 34%); hạt điều đạt 2,95 tỷ USD (tăng 15,9%); thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt hơn 1 tỷ USD (tăng 6,5%). Đây là kết quả tích cực của hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai mạnh mẽ trong suốt thời gian vừa qua.

Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ tháng 3/2023, Bộ đã giao Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp ký kết chương trình phối hợp với TikTok Việt Nam.

Với sự hỗ trợ, song hành của TikTok Việt Nam, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp đã triển khai nhiều hoạt động như kết nối với các địa phương tổ chức các phiên chợ OCOP. Đến nay đã có 24 phiên chợ OCOP ở 24 địa phương với 700 phiên livestream sản phẩm được tổ chức, thu về 100 tỷ đồng, bình quân mỗi phiên đạt 130 - 150 triệu đồng

Từ kết quả tích cực đã đạt được, ông Tiến đánh giá hiện còn rất nhiều dư địa mà các sản phẩm nông nghiệp nông thôn có thể phát triển. Thậm chí, hoạt động livestream bán hàng được kỳ vọng sẽ không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước mà có thể tiến tới livestream bán sang thị trường Trung Quốc, góp phần gia tăng xuất khẩu hàng hoá nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng.

“Chúng tôi đã thí điểm, hướng tới thuê kho ngoại quan ở các địa phương nằm sâu trong nội địa Trung Quốc để đưa các sản phẩm của Việt Nam sang tập kết tại kho. Trước hết tập trung ở các mặt hàng nông sản chế biến như yến, trái cây chế biến, rau củ quả, gạo, cà phê…, sau này khi đẩy mạnh được hệ thống logistics tốt hơn thì sẽ mở rộng sang sản phẩm trái cây tươi” - ông Tiến cho biết.

Đối với ngành dệt may – một trong những ngành hàng gặp vô vàn khó khăn trong những tháng đầu năm, ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh (AGTEK) cho biết, từ đầu năm 2023 tới nay ngành dệt may gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu sụt giảm đơn hàng, không chỉ vậy tại nội địa sức tiêu thụ cũng giảm. Tuy nhiên bước sang quý IV năm 2023, tình hình của ngành đã có phần khởi sắc hơn khi thị trường nội địa và xuất khẩu bắt đầu có nhu cầu trở lại. “Tính chung 9 tháng đầu năm, lượng đơn hàng sụt giảm từ 20 - 30% song 3 tháng cuối năm chúng tôi dự báo tình hình sẽ tốt hơn”- ông Hồng cho biết thêm.

Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean), Phó Chủ tịch AGTEK chia sẻ thêm, đơn hàng của doanh nghiệp bắt đầu “ấm dần” song mới chỉ phục hồi khoảng 80% so với trước đây. “Dù thị trường xuất khẩu chưa đạt được mục tiêu như các năm nhưng đây là động lực để doanh nghiệp tập trung vào sản xuất và hoàn thành các đơn hàng cho 3 tháng cuối năm” - ông Việt chia sẻ.

Không chỉ giúp rút ngắn đà suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái, những tín hiệu khởi sắc gần đây giúp hoạt động xuất khẩu năm 2023 kỳ vọng về đích ở con số hơn 350 tỷ USD.

Theo Bảo Ngọc

Công Thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên