Xuất khẩu hàng hoá tháng 7/2023: Tháng thứ ba liên tiếp tăng trưởng kim ngạch
Dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn song kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 7 vẫn tăng nhẹ so với tháng trước. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp xuất khẩu hàng hoá tăng.
- 29-07-20235 thành phố trực thuộc tỉnh có mật độ dân số cao nhất Việt Nam
- 26-07-2023Từ khi bước vào “dân số vàng” đến nay, Việt Nam vượt ngưỡng thu nhập thấp, tăng trưởng GDP đạt 6,1%/năm, còn quy mô kinh tế thay đổi thế nào?
- 20-07-2023Sau 20 năm, GDP bình quân các nước láng giềng Việt Nam đều tăng hơn 10 bậc trên thế giới: Lào tăng 18 bậc, Trung Quốc tăng 40 bậc, Việt Nam thì sao?
Dù còn khó khăn, xuất khẩu đã bắt đầu khởi sắc
Theo báo cáo Tổng cục Thống kê vừa công bố, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2023 ước đạt 29,68 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,76 tỷ USD, giảm 1,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 21,92 tỷ USD, tăng 1,7%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Bảy giảm 3,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 4,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 3,2%.
Tính chung 7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 194,73 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 7 tháng năm 2023 có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,6%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 7 tháng năm 2023, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 2,53 tỷ USD, chiếm 1,3%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 171,5 tỷ USD, chiếm 88,1%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 15,75 tỷ USD, chiếm 8,1%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 4,95 tỷ USD, chiếm 2,5%.
Đáng chú ý, nhiều mặt hàng xuất khẩu đã có dấu hiệu phục hồi tích cực. Đơn cử, ông Vũ Đức Giang cho biết, dự ước kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đến hết tháng 7/2023 sẽ đạt khoảng 22,7 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022. Ông Giang đánh giá đây là tín hiệu tích cực khi mức giảm đã thu hẹp đáng kể so với mức 17% tại thời điểm cuối tháng 6.
Để xuất khẩu dệt may vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang nỗ tăng cường phát triển theo chiều sâu, thay vì chiều rộng, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Đặc biệt tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, đặc biệt là vải, phát triển hệ thống phân phối, từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất.
Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có sự tìm tòi, nghiên cứu để sản xuất vải từ các nguồn thiên nhiên như sợi gai, sợi tre… Đây là hướng đi tích cực và phù hợp với xu thế thương mại xanh trên thị trường thế giới, không chỉ giúp chủ động một lượng nguyên liệu nhất định cho sản xuất mà còn giúp xuất khẩu sợi vải ra thị trường thế giới. Hiện, mục tiêu ngành dệt may đặt ra đến năm 2030 là đạt kim ngạch xuất khẩu 68-70 tỷ USD.
Hoặc đối với ngành thuỷ sản, với lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cùng với việc ít áp lực cạnh tranh hơn so với các thị trường lớn khác, xuất khẩu thủy sản sang khối CPTPP có kết quả khả quan hơn trong nửa đầu năm 2023.
Theo bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quý 2/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt kim ngạch cao hơn 30% so với quý 1 với trên 2,3 tỷ USD. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2022, mức tăng trưởng âm 27,5% vẫn giữ nguyên từ quý 1.
Do vậy, tính đến hết nửa đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản thấp hơn 27,5% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 4,15 tỷ USD. Xuất khẩu sang hầu hết các thị trường đều sụt giảm đáng kể, tuy nhiên, so với các thị trường lớn khác như Mỹ, EU (giảm lần lượt 46% và 33%), thì xuất khẩu sang khối CPTPP vẫn có kết quả khả quan hơn, đạt 1,12 tỷ USD, giảm 22%.
“Trong xu hướng chung của thế giới, sụt giảm xuất khẩu là khó tránh với tất cả các thị trường, trong đó có các nước CPTPP. Tuy nhiên, so với các thị trường lớn khác như Mỹ, EU (giảm lần lượt 46% và 33%), thì khối CPTPP vẫn có kết quả khả quan hơn” – bà Lê Hằng lý giải.
Nhập khẩu hàng hóa vào đà tăng
Cùng với mức tăng của xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt 27,53 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng trước và giảm 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu hàng hoá có xu hướng tăng là dấu hiệu đáng mừng, nhất là khi nhập khẩu hàng hoá vẫn tập trung vào các mặt hàng nhóm tư liệu sản xuất. Dấu hiệu này cho thấy xuất khẩu hàng hoá có thể có sự tăng trưởng cao trong thời gian tới.
Tính chung 7 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 179,5 tỷ USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 168,3 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 52,4 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 58,6 tỷ USD.
Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa tháng Bảy ước tính xuất siêu 2,15 tỷ USD. Tính chung 7 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 15,23 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,34 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,58 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 27,81 tỷ USD.
Bộ Công Thương đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi lớn nhất cho xuất nhập khẩu. Đơn cử, theo quy định tại Thông tư 36/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính, từ 21/7, doanh nghiệp xin cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) phải nộp lệ phí. Tổ chức thu phí theo quy định tại Thông tư này gồm: Bộ Công Thương và cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương uỷ quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá theo quy định tại Điều 34 Luật Quản lý ngoại thương.
Tuy nhiên, thay vì phải đến trực tiếp cơ quan quản lý nộp phí, doanh nghiệp có thể thực hiện thanh toán phí/lệ phí C/O bằng hình thức trực tuyến. Hình thức này nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và các chi phí phát sinh khác. Sau khi thực hiện nộp phí/lệ phí C/O, doanh nghiệp sẽ nhận được biên lai qua email đã đăng ký với cơ quan quản lý.
Tại các Hội nghị tập huấn thực hiện nộp phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương nhấn mạnh, trong thời gian tới, Bộ sẽ hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện nộp phí, nếu cần giải đáp, doanh nghiệp có thể chủ động liên hệ với các đơn vị chuyên môn để hướng dẫn thêm.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường thông qua đàm phán, ký kết các FTA mà FTA mới nhất là FTA với Israel. Đây là động thái được các doanh nghiệp, Hiệp hội, chuyên gia đánh giá rất cao vì sẽ giúp mở thêm cơ hội cho hàng Việt Nam ra thị trường thế giới.
Trong nỗ lực thúc đẩy xuất nhập khẩu nửa cuối năm, Bộ Công Thương đang rốt ráo tổ chức chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023) tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 9/2023. Chuỗi sự kiện là hoạt động nhằm tích cực triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2022.
Sự kiện dự kiến thu hút 8.000 lượt khách tham quan, giao dịch với 150 đoàn quốc tế đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ban tổ chức cũng phối hợp với các địa phương để đưa các đoàn thu mua về khảo sát doanh nghiệp tại một số địa phương.
Sự kiện kỳ vọng hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài; đầu tư bài bản để đổi mới quá trình sản xuất từ nguồn nguyên liệu đầu vào tới máy móc thiết bị, thông qua đó sản xuất ra các sản phẩm có nhiều giá trị gia tăng với chất lượng tốt.
Công Thương