MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản: Thách thức để vươn lên

06-02-2019 - 10:01 AM | Thị trường

Nông sản từ trước đến nay vẫn được định hướng là nhóm hàng xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam với nhiều mặt hàng tiến sâu trên thị trường thế giới như gạo, hạt điều, cà phê, thủy sản,...

Theo báo cáo của bộ phận phân tích SSI Retail Research thuộc công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), năm 2018 giá trị nông sản xuất khẩu đã vượt mức 40 tỷ USD, chiếm 16,5% tổng giá trị xuất khẩu, và đứng thứ 15 thế giới. 

Trong năm 2018, xuất khẩu nông sản Việt Nam có 6 mặt hàng vượt mức 3 tỷ USD là tôm (3,59 tỷ USD), rau quả (3,81 tỷ USD), hạt điều (3,43 tỷ USD), cà phê (3,46 tỷ USD), gỗ và sản phẩm gỗ (8,86 tỷ USD) và gạo (3,08 tỷ USD). Thặng dư thương mại đạt 8,72 tỷ USD tương đương năm 2017.

Tuy nhiên, xuất khẩu năm qua không đạt tăng trưởng hai con số mà giảm về mức 9,6%. Cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu khiến cho nguồn cung tăng nhanh trong bối cảnh cầu yếu đã đẩy giá các mặt hàng nông sản sụt giảm mạnh. 

Nhiều mặt hàng nông sản chủ lực có sản lượng xuất khẩu tăng tích cực nhưng giá trị tăng không tương xứng hay thậm chí giảm như cà phê tăng 19,9% về sản lượng nhưng giá trị chỉ tăng 1,1%; cao su tăng tăng 13,3% về sản lượng nhưng giảm 7% về giá trị; sản lượng hạt điều tăng 5,9% nhưng giá trị giảm 4,2%; hạt tiêu tăng 8,3% sản lượng nhưng giá trị giảm mạnh 32% về dưới ngưỡng 1 tỷ USD; xuất khẩu tôm cũng giảm 7,8% trong bối cảnh cầu thế giới sụt giảm.

Hạt điều là mặt hàng chủ lực của Việt Nam với thị phần trên 60% tổng giá trị xuất khẩu nhân điều thế giới. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu hạt điều giảm 4,2% trong năm 2018 chỉ đạt 3,43 tỷ USD khi giá giảm 9% so với năm 2017. Cả 3 thị trường lớn nhất là Mỹ (39%), Trung Quốc (15%) và Hà Lan (13%) đều giảm. Khác với các giống cây trồng khác, ngành điều Việt Nam không thể chủ động về đầu vào khi có tới 70% nguyên liệu là nhập khẩu từ các quốc gia Châu Phi nên phụ thuộc rất nhiều vào các biến động về nguồn cung.

Xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản: Thách thức để vươn lên - Ảnh 1.

Nguồn: TCHQ, Bloomberg

Xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản: Thách thức để vươn lên - Ảnh 2.

Xuất khẩu rau quả lần đầu lọt vào Top 3 mặt hàng nông lâm sản chủ lực với giá trị 3,81 tỷ USD. Đây là mặt hàng mũi nhọn của nông sản Việt Nam trong những năm gần đây với tốc độ tăng trưởng trung bình 5 năm là 29%/năm. Tuy nhiên, tăng trưởng năm 2018 giảm tốc đáng kể, chỉ đạt 9,5% sau khi tăng 50% trong năm 2016 và 43% trong năm 2017. Mặt hàng này chịu ảnh hưởng rất lớn bởi thị trường Trung Quốc khi chiếm tới 70% tổng giá trị. Trong năm 2018, giá thanh long (tỷ trọng khoảng 30%) đột ngột giảm mạnh do cầu từ Trung Quốc giảm. Mặt hàng ớt (khoảng 10%) và đu đủ cũng gặp khó khăn do không đạt các chỉ tiêu an toàn.

Tỷ lệ giá trị gia tăng thấp, việc thiếu đa dạng sản phẩm và phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường và sản phẩm chủ đạo khiến ngành rau quả tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ bị ảnh hưởng khi có các biến động về cung cầu.

Ngành nông sản nói chung cũng chịu không ít khó khăn khi các thị trường phát triển ngày càng chú trọng quản lý và siết chặt các quy định về chất lượng và an toàn thực phẩm, đòi hỏi hàng hóa phải đạt các tiêu chuẩn rất khắt khe. Việc đẩy mạnh sản xuất theo quy mô lớn và phát triển thương hiệu theo hướng tăng cường xuất khẩu chính ngạch sẽ giúp hàng nông sản Việt Nam kiểm soát chất lượng và ổn định đầu ra của sản phẩm.

Ở phía tích cực, xuất khẩu gạo tăng mạnh 16,3% nhờ tăng trưởng cả về lượng và giá, bên cạnh các mặt hàng cá tra, đồ gỗ là một vài điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu năm nay.

Xuất khẩu gỗ có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 5 năm (15,6%) đạt 8,86 tỷ USD trong năm 2018. Trong đó, gỗ thành phẩm đạt 6,24 tỷ USD (70%). Nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ là 2,32 tỷ USD, giá trị xuất siêu cao đạt 6,55 tỷ USD. 

Gỗ và các sản phẩm gỗ lần đầu tiên vượt Thủy sản trở thành mặt hàng nông lâm thủy sản số một về giá trị xuất khẩu. Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu về xuất khẩu đồ gỗ ở Đông Nam Á, xếp thứ 2 ở Châu Á và thứ 5 toàn cầu. Đây là một trong những ngành được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khi các đơn hàng và vốn đầu tư vào ngành này có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam để tránh thuế nhập khẩu vào Mỹ. Thị trường lớn nhất là Mỹ (45% tỷ trọng) liên tục đạt mức tăng trên 20% trong 6 tháng cuối năm, cả năm tăng 18,9% so với 2017.

Xuất khẩu cá tra phục hồi ấn tượng với mức tăng kỷ lục 26,5% đạt 2,26 tỷ USD. Thị trường EU khởi sắc trở lại, Trung Quốc và ASEAN tiếp tục tăng mạnh 28% và 41%, tuy nhiên động lực chính nằm ở thị trường Mỹ với mức tăng 59% trong năm 2018, riêng tháng 12 tăng 124% so với cùng kỳ năm. 

Giá cá tra phục hồi tích cực cùng với việc thuế chống bán phá giá theo kết luận sơ bộ từ POR14 giảm mạnh, hệ thống kiểm soát cá da trơn của Việt Nam được công nhận tương đương và cơ hội giành thị phần nhờ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã thúc đẩy thị trường này. Nhờ vậy, giá trị xuất khẩu thủy sản vẫn tăng trưởng 5.7% mặc dù xuất khẩu tôm giảm.

Ngọc Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên