Xuất khẩu thức ăn chăn nuôi
Trong khi VN chi hàng tỉ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi (TACN) mỗi năm, vẫn có những công ty xuất khẩu được TACN công nghiệp ra thế giới.
- 15-10-2016Nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi gấp rưỡi xuất khẩu gạo
- 14-10-2016Phát hiện hormone tăng trưởng trong thức ăn chăn nuôi
- 05-09-2016Báo động trộn hóa chất trong thức ăn chăn nuôi
Các chuyên gia trong ngành sản xuất TACN cho biết trình độ sản xuất mặt hàng này của VN đã đạt mức cao trong khu vực, hoàn toàn có thể trở thành trung tâm chế biến để xuất khẩu sản phẩm sang các nước trong khu vực.
Nhập khẩu bắp, bán TACN
Trong 10 tháng đầu năm nay, theo Bộ NN&PTNT, VN đã chi ra gần 3 tỉ USD để nhập khẩu TACN và nguyên liệu, trong đó nhập hơn 7 triệu tấn bắp và 1,3 triệu tấn đậu nành để phục vụ nhu cầu của ngành chăn nuôi công nghiệp vốn tăng trưởng mạnh mẽ hiện nay.
Cũng theo nguồn tin này, hiện có trên 200 doanh nghiệp trong nước tham gia sản xuất các loại TACN cho gia súc, gia cầm và thủy sản...
Không chỉ sản xuất và cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng xuất sản phẩm “made in Vietnam” sang các nước.
Vừa trở về sau chuyến công tác tại miền bắc Ấn Độ, ông Lê Thành Ánh - giám đốc điều hành kinh doanh tại Ấn Độ của Công ty TNHH De Heus VN (đơn vị hiện đang xuất sản phẩm sang các thị trường khu vực như Campuchia, Myanmar, Philippines, Bangladesh và Indonesia) - cho biết dù đánh giá tiềm năng phát triển ngành TACN tại Ấn Độ, nhưng doanh nghiệp này vẫn ưu tiên các thị trường trong khu vực Đông Nam Á.
Theo ông Ánh, dự kiến trong năm 2016 De Heus VN xuất khẩu được khoảng 85.000 tấn TACN thành phẩm và sẽ còn tăng trong thời gian tới.
Theo Hiệp hội TACN VN, số liệu của hải quan đã ghi nhận việc xuất khẩu TACN từ VN trong 4-5 năm qua. Tính từ đầu năm đến giữa tháng 11 năm nay, VN đã xuất khẩu trên 500 triệu USD sản phẩm TACN và nguyên liệu.
Tuy nhiên, phần lớn là các đơn hàng tạm nhập tái xuất mà các doanh nghiệp chỉ mượn VN làm điểm quá cảnh để xuất khẩu đi tiếp, nhất là sang thị trường Trung Quốc.
Một số đơn hàng TACN đặc biệt cũng được một số doanh nghiệp trong nước xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng với số lượng không nhiều.
Giám đốc một đơn vị sản xuất TACN tại Đồng Nai cho biết đơn vị này đã xuất khẩu TACN sang Campuchia hai năm trở lại đây.
Do lợi thế về khoảng cách và ngành chăn nuôi công nghiệp cũng bắt đầu phát triển trong khi năng lực chế biến hạn chế, Campuchia đang trở thành thị trường nhập khẩu TACN quan trọng từ VN.
Tuy nhiên, theo vị này, việc xuất khẩu sang các thị trường ở xa hơn như Myanmar hay Ấn Độ là không dễ vì chi phí vận chuyển quá cao, trong khi Thái Lan cũng là một nước rất mạnh về sản xuất TACN.
Xuất khẩu chuyên gia
Trao đổi với chúng tôi, ông Gabor Fluit - tổng giám đốc khu vực châu Á của Tập đoàn De Heus (Hà Lan) - cho biết trong thời gian tới, doanh nghiệp này sẽ tăng cường xuất khẩu các sản phẩm TACN chế biến tại VN sang các nước trong khu vực.
Với những quốc gia có khoảng cách quá xa như Ấn Độ hoặc hàng rào thương mại lớn như Indonesia, doanh nghiệp này sẽ “xuất khẩu chuyên gia từ VN sang thay vì xuất khẩu sản phẩm”.
Cũng theo ông Gabor Fluit, chỉ sau tám năm có mặt tại VN, đến nay De Heus VN đã có 7 nhà máy sản xuất ở cả ba miền trên cả nước với 1 triệu tấn TACN/năm, hiện được tập đoàn giao nhiệm vụ trở thành trung tâm phát triển của tập đoàn ra khu vực châu Á.
Theo kế hoạch, De Heus VN sẽ xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường mới để đánh giá nhu cầu tiêu thụ, sau đó sẽ quyết định tiếp tục xuất khẩu hay đầu tư vào xây dựng nhà máy.
“Nếu sản phẩm làm ra không tốt, người chăn nuôi sẽ nhận ra ngay và họ không dùng sản phẩm của mình nữa. Nhưng nếu không có những con người xuất sắc cũng không thể đưa sản phẩm tốt đến với nhiều người tiêu dùng” - ông Gabor nói.
Theo ông Gabor, không chỉ năng lực sản xuất sản phẩm của ngành TACN VN đã đạt tầm cỡ khu vực, mà ngay cả chất lượng nhân sự của ngành này tại VN cũng ở mức cao so với mặt bằng chung.
Thực tế cho thấy với môi trường cạnh tranh gay gắt của VN thời gian qua, đội ngũ chuyên gia và nhân sự cao cấp ngành TACN của VN còn có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn cả nhân sự nước ngoài.
“Thay vì đưa chuyên gia sang VN, đa số chức vụ cao cấp nhất tại các doanh nghiệp đều do người VN đảm nhiệm” - ông Gabor cho biết.
Trong khi đó, ông Lê Thành Ánh cho rằng làm ở thị trường nào cũng phải hiểu được hệ thống phân phối và người dân địa phương mới bán được sản phẩm.
“VN không chỉ là nơi nhập khẩu nguyên liệu TACN nữa, mà còn có tiềm năng trở thành quốc gia xuất khẩu TACN công nghiệp” - ông Ánh khẳng định.
TACN “made in VN” xuất sang nhiều thị trường
Trong 10 tháng đầu năm nay, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu mặt hàng TACN lớn nhất từ VN với trị giá 168,7 triệu USD.
Tiếp theo là Campuchia 80 triệu USD, Thái Lan 46 triệu USD, Ấn Độ 35,8 triệu USD, Malaysia 33,5 triệu USD, Nhật Bản 23 triệu USD, Đài Loan 19,7 triệu USD, Mỹ 16,6 triệu USD, Indonesia 16,5 triệu USD, Philippines 16,2 triệu USD, Hàn Quốc 13,1 triệu USD, Bangladesh 6,1 triệu USD...
Tuổi trẻ